Oscar: Những “bỏ sót” đáng tiếc của Viện Hàn lâm

24/02/2013 08:10 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Nhiều người lo ngại rất có thể năm nay Ben Affleck sẽ bị tuột khỏi tay giải Oscar "Phim hay nhất" với bộ phim được nhiều ca ngợi Argo. Có một điều kỳ lạ, thực tế giải Oscar, Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ vẫn có truyền thống “bỏ sót” các bộ phim hay và những gương mặt xứng đáng đoạt giải.

Peter O'Toole là nam diễn viên “vô duyên” nhất với giải Oscar. Ông chưa từng đoạt giải dù đã 8 lần được đề cử.

Người hâm mộ những bộ phim rùng rợn của nhà làm phim Anh Alfred Hitchcock cảm thấy chua xót khi phim của ông chưa hề đoạt bất cứ một giải Oscar nào. 

Giải Oscar đến muộn

Nam diễn viên Peter O'Toole bị coi là người “vô duyên” với giải Oscar bởi mặc dù đã được 8 lần đề cử song ông chưa một lần được chạm tay vào Tượng vàng.

Sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người yêu nghệ thuật thứ 7 vẫn thắc mắc tại sao Viện Hàn lâm lại có thể lờ đi màn trình diễn vô cùng thuyết phục của O'Toole' trong phim Lawrence of Arabia? Nhưng năm đó, giải Nam diễn viên xuất sắc nhất được trao cho Gregory Peck với vai diễn đã tạo nên thương hiệu của ông - Atticus Finch trong phim To Kill a Mockingbird – tác phẩm điện ảnh giờ đây được yêu thích chẳng kém gì Lawrence. Phải tới tận năm 2003, O'Toole mới được trao một giải Oscar danh dự cho những đóng góp của ông với ngành công nghiệp điện ảnh.

Nam tài tử gạo cội Paul Newman cũng “lận đận” mãi mới “rinh” được Tượng vàng cho riêng mình. Ông từng được tới 7 đề cử Oscar, từ vai diễn trong phim Cat on a Hot Tin Roof (1958) tới phim The Verdict (1982), song không hề đoạt giải và đến năm 1986 Viện Hàn lâm quyết định trao cho ông giải Oscar danh dự. Tuy nhiên, năm sau đó ông được đề cử với phim The Colour of Money và cuối cùng đã đoạt giải Oscar đầu tiên. Tiếp sau đó, ông tiếp tục được 2 đề cử nữa với phim Nobody's Fool Road to Perdition nhưng lại thất bại.

Al Pacino cũng chịu số phận hẩm hiu tương tự. Mặc dù có những màn trình diễn vô cùng đáng nhớ trong các phim The Godfather, Serpico, The Godfather: Part II Dog Day Afternoon cùng một số vai diễn khác, nhưng ông chỉ đoạt giải khi thủ vai một người đàn ông mù hay gắt gỏng trong phim Scent of a Woman (1982).

Bị Viện Hàn lâm phớt lờ

Một số tác phẩm điện ảnh được đánh giá là phim hay nhất mọi thời đại, song đã bị Viện Hàn lâm “phớt lờ”. Chẳng hạn như lễ trao giải năm 1941, phim Citizen Kane đã bị tuột khỏi tay giải Oscar Phim hay nhất khi giải này thuộc về How Green Was My Valley của John Ford.

Trở lại những năm 1950, người ta đã đưa ra nhiều lời chế nhạo khi giải Phim hay nhất được trao cho The Greatest Show on Earth (1952) của Cecil B. DeMille. Bộ phim này đã đánh bại các tác phẩm Ivanhoe, Moulin Rouge, The Quiet Man. Đáng nói nữa là năm đó, những tác phẩm - hiện được coi là phim ca nhạc hay nhất mọi thời đại - như High Noon Singin' in the Rain không được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất. Hay phim The Bad and the Beautiful cũng vậy, mặc dù phim này đoạt tới 5 giải Oscar ở các hạng mục khác.

Năm 1956, bộ phim ăn khách Around the World in 80 Days cũng không được ghi nhận tại lễ trao giải Oscar. Hay hồi năm 1958, phim Vertigo của A. Hitchcock thậm chí không được đề cử Oscar nào và giải Phim hay nhất năm đó thuộc về phim ca nhạc hài lãng mạn Gigi của đạo diễn Vincente Minnelli.

Những vị giám khảo "lạc điệu" với nền văn hóa Mỹ?

Nhiều người thấy chưa thỏa đáng khi những bộ phim như A Beautiful Mind (2001) hay Chicago (2002) đoạt giải hàng đầu. Đặc biệt rất nhiều người phản ứng khi phim Crash đoạt giải Phim hay nhất năm 2005, trong khi năm đó, nhiều chuyên gia cho rằng chiến thắng này đáng lẽ ra thuộc về phim mang đề tài đồng tính - Brokeback Mountain – của đạo diễn Lý An.

Viết trên tờ The Guardian, cây bút Annie Proulx đã chỉ trích Viện Hàn lâm đã không can đảm tôn vinh Brokeback Mountain là Phim hay nhất, mặc dù tác phẩm điện ảnh này “rinh” được 3 giải thưởng quan trọng khác, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

“Gần 6.000 thành viên bình chọn của Viện Hàn lâm, chủ yếu sống ở khu vực Los Angeles, có thể có cuộc sống khép kín trong những ngôi nhà kín cổng cao tường nên họ bị “lạc điệu” với nền văn hóa lớn hơn và sôi động hơn ở nước Mỹ hiện nay. Họ còn bị “lạc điệu” ở ngay chính thành phố của mình và do vậy thường có những quyết định chưa thuyết phục về các bộ phim hay”.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được năm đó phim Brokeback Mountain cần có được bao nhiêu số phiếu bình chọn nữa thì mới có được giải Phim hay nhất bởi Viện Hàn lâm không công bố chi tiết quá trình bình chọn. 


Việt Lâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm