01/10/2015 07:04 GMT+7 | Champions League
(giaidauscholar.com) - Trước giờ bóng lăn chỉ một ngày, Mourinho đã thừa nhận rằng vấn đề lo ngại nhất của ông chính là khát vọng của các cầu thủ.
1. Việc Mourinho nhắc đến khát vọng, thậm chí còn gọi vài người trong số họ bằng biệt danh ‘nhà vô địch hàng loạt’ (serial champions) nhằm kích thích cái tôi của họ, nếu liên hệ với những chỉ trích của ông rằng “có khoảng 6 cầu thủ đang chơi ở dưới mức phong độ trung bình” cho thấy rắc rối của Chelsea chính là vấn đề tâm lý. Người ta nói Mourinho là bậc thầy tâm lý nhưng có lẽ đó chỉ là những ngoa ngôn ca ngợi khi đối diện hào quang chiến quả lẫy lừng của ông mà thôi. Còn thực tế, ở đa số các đội bóng mà ông từng dẫn dắt, luôn có một khoảng thời gian tâm lý tập thể trở thành rào cản lớn.
“Nếu phong độ của họ không tốt, tôi sẽ sử dụng lũ trẻ ra sân”, Mourinho từng cảnh báo các trụ cột của mình như thế vài lần trong thời gian gần đây. Và khi ông quyết định trảm thêm hai cá nhân nữa ở trận gặp Porto (Hazard và Matic), ông tiếp tục trả giá. Porto đã quần Chelsea nát nhừ và nếu như những cầu thủ Porto may mắn hơn, bình tĩnh hơn, có thể họ đã có một trận thắng rất đậm.
2. Hàng thủ, điểm tự hào nhất của Mourinho ở mỗi nơi ông đến, đã chơi như những kẻ nghiệp dư thực sự. Tuyến giữa có tính chiến đấu cao, một đặc tính chung của các đội bóng kiểu Mou, cũng bị đối thủ bóp nghẹt bằng cả sự cơ động, thể lực tốt, kỹ thuật tốt. Những đường chuyền phát động tấn công của Porto như những lưỡi dao hiểm hóc lóc vào cơ thể của Chelsea trong một đêm mà Mikel gần như hoàn toàn biến mất và Ramires thì chỉ biết lăng xăng như một cậu bé.
Trong khi đó, Cahill và Zouma đều bộc lộ điểm yếu khi không có một người như Terry bên cạnh. Họ mất bình tĩnh, thiếu tự tin, lúc nào cũng ngơ ngác trước những cầu thủ tấn công dũng mãnh của Porto. Mourinho, người vốn dĩ có quan điểm ‘biến trận đấu thành cuộc chiến’ rốt cuộc đã thất bại khi ông quên mất rằng chính cái nôi bóng đá Bồ Đào Nha mới tạo cho ông thứ triết lý đó. Các cầu thủ Porto thừa biết cách làm chủ cuộc chiến như một nghệ thuật chiến tranh thực sự chứ không phải chỉ có vài trò ranh mãnh của Diego Costa. Hoá ra, Costa chỉ phát tác tốt trước các cầu thủ Premier League. Còn trước những cầu thủ latin láu cá, anh ta không tạo được hiệu quả nào hơn cú cứa lòng dội xà ngang.
Trong khi đó, Wenger dù không sa vào vũng lầy tâm lý tập thể của Mourinho nhưng lại mắc một sai lầm tâm lý cá nhân. Sự tự tin đến ngạo mạn đã khiến ông phải trả giá đắt. Quyết định thay Cech bằng Ospina và đưa Gibbs vào chơi thay một Monreal đang rất ổn định là sai lầm phá hỏng cả tham vọng Champions League của Arsenal mùa này. Dù Wenger đã nói trong buổi họp báo rằng “Nếu Cech ở khung gỗ thì cũng sẽ xử lý như Ospina mà thôi” thì ai cũng nhận ra rằng đó chỉ là một sự lấp liếm. Thậm chí, Wenger còn xảo ngôn tới mức nhận định ‘chẳng có thủ thành nào là miễn nhiễm với sai lầm cả’ nhưng vô tình chính câu nói ấy lại là đáp trả đanh thép nhất cho lấp liếm kia của ông. Điều đó chứng tỏ ông thừa nhận rằng Ospina đã sai lầm và nếu vậy, sai lầm cơ bản phải đến từ chính ông, khi ông chọn một phương án kém an toàn hơn.
3. Vòng bảng Champions League còn 4 lượt đấu nữa và nếu cứ tiếp tục cái đà này, sẽ còn những thất bại nữa cho Chelsea và Arsenal, những thất bại tiếp tục được báo trước. Trừ phi, cả Mourinho lẫn Wenger đều phải biết thay đổi chính mình, ít ra là để tiếp cận từng trận trước mắt như từng trận chiến thực sự. Tất nhiên, đó không phải là kiểu trận chiến của tiểu xảo và tháu cáy như cái cách mà Mourinho vẫn gầy dựng cho tất cả các đội bóng mà ông đã kinh qua, từ chính cái nôi Porto cho tới Chelsea, Inter và Real Madrid.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất