19/12/2011 11:05 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 18/12, những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Iraq đã rút khỏi nước này bằng đường bộ qua biên giới Kuwait. Sự kiện này chính thức đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, vốn kéo dài gần một thập kỷ và để lại vô số hệ quả.
Từ mờ sáng, đoàn xe gồm khoảng 110 chiếc, chở hơn 500 binh sĩ chủ yếu thuộc Lữ đoàn số 3, đã tới khu vực biên giới Iraq - Kuwaitt. Khi những chiếc xe lăn bánh qua biên giới, những người lính vội vã nhảy xuống, miệng hô vang những câu như “Về nhà!”,”Kết thúc rồi”, “Một lễ Giáng sinh thật ngọt ngào”.
Như vậy, sau 8 năm, 8 tháng và 28 ngày kể từ khi quân Mỹ tiến qua cùng cửa khẩu biên giới kể trên để phát động cuộc chiến lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Saddam Hussien, họ đã lại trở về nước, chấm dứt chiến dịch quân sự tại Iraq.
Nhìn từ khu vườn của một người Baghdad
Tuy nhiên người Mỹ đã bỏ lại sau lưng một di sản chiến tranh ngổn ngang, với cách nhìn của người dân hai phía về chiến tranh khác rất xa nhau.
Trung tướng Mỹ David Perkins và Ziad Taha chưa bao giờ gặp nhau, nhưng định mệnh đã khiến họ đụng nhau vào ngày 7/4/2003, khi lữ đoàn chiến đấu dưới quyền Perkins đã nổ súng vào một khu vườn ươm mà Taha quản lý ở Baghdad.
Vườn ươm này đã bị các chiến binh Hồi giáo tới từ Syria và lực lượng Vệ binh Cộng hoà Iraq trưng dụng để làm điểm phòng ngự. Khi đạo quân thiết giáp Mỹ tiến vào Iraq, vườn ươm này đã bị đạn pháo xe tăng và súng máy cày nát. Trong cuộc giao tranh, gia đình Taha chỉ còn biết trốn trong nhà họ, vốn nằm phía sau vườn ươm. Họ thấy một người hàng xóm bị bắn nổ tung thành nhiều mảnh khi cố gắng cứu chiếc xe hơi của mình. Họ cũng thấy những người lính Syria và Iraq bị đạn pháo cắt nát cơ thể. Khi giao tranh kết thúc, gia đình Taha còn sống, nhưng vườn ươm thì hoàn toàn bị phá huỷ.
Đoàn xe cuối cùng chở lính Mỹ tiến qua biên giới Iraq – Kuwait
Cuộc tiến quân nhanh như chớp của Perkins, người khi đó mới là đại tá, vào Baghdad giúp chiếm Dinh Cộng hoà của Hussein và đánh dấu sự lật đổ chính quyền cũ, đã giúp ông leo lên được vị trí viên tướng hai sao. Trong nhiều năm sau thời điểm trên, ông đã chạy xe qua khu vườn ươm ngày nào nhiều lần, nhưng không hề biết về chuyện của Taha. Cá nhân Perkins luôn tự hào về những gì lính Mỹ đã làm được tại Iraq.
Về phần mình, Taha chưa bao giờ phục hồi sau sự kiện đó. Mẹ anh đã qua đời trong tháng 8/2003 và cha anh chết sau đó có 4 tháng, bởi sức ép tâm lý tới từ cuộc tấn công của lính Mỹ. Taha cố gây dựng lại vườn ươm, nhưng các cuộc giao tranh khiến nó nhiều lần hư hại. Cuối cùng, Taha bỏ hẳn vườn ươm vào năm 2009 và chuyển nghề thợ máy. Anh giờ đã có một gia đình nhỏ mới, nhưng sẽ còn rất lâu mới trở thành doanh nhân thành đạt như thời trước chiến tranh.
Anh tức giận trước việc bị lính Mỹ lục soát nhà cửa vào ban đêm, khiến vợ con sợ hãi. Nhưng anh cũng có cảm giác lẫn lộn trước tin lính Mỹ rút về. “Nếu sự ra đi của họ khiến Iraq tốt đẹp hơn, đó sẽ là tin tốt. Song họ đã chiếm đất nước chúng tôi và thay đổi mọi thứ. Sẽ chẳng có gì tốt đẹp sinh ra từ những điều ấy” - anh nói.
Nhìn từ một thượng sĩ Mỹ
Tại Kuwait, thượng sĩ Karl Akama đang ngồi ủ rũ trên một chiếc ghế, mắt nhắm hờ mệt mỏi. Anh vừa trở về từ Iraq và đã có 4 lần được điều tới đây để chiến đấu. Giờ Akama đã có thể về nhà, nhưng rất nhiều bạn bè của anh đã không thể làm điều tương tự. Một người bạn thân của Akama, cha đỡ đầu của các con anh, vừa mới thiệt mạng vì bom vệ đường khi anh sắp được về nhà.
“Thật khó khăn cho tôi. Tôi không biết phải giải thích ra sao với các con, khi cha đỡ đầu của chúng không về” - Akama nói.
Akama may mắn vì đã ra khỏi chiến tranh không bị thương tật nặng, dù nhiều lần suýt chết như dính bom vệ đường, bị lính bắn tỉa đối phương vồ hụt, bị trúng rốc két và đạn pháo. "Tôi rất mừng vì đã thoát khỏi nơi này. Tôi mừng vì mọi chuyện đã kết lúc” – giọng Akama đượm vẻ buồn bã.
Lính Mỹ ôm nhau trong vui mừng bởi cuộc chiến đầy đau thương ở Iraq đã kết thúc
Kéo lùi lịch sử 1.000 năm?
Với Suhad Khadim, 38 tuổi, việc lính Mỹ bắn chết một đại uý quân đội Iraq và để thi thể anh ta thối rữa trong sân vườn nhà, là sự kiện cô nhớ nhất về cuộc sụp đổ của Baghdad trong tháng 4/2003. Nhưng đó chưa phải là những gì tệ nhất. Cuộc tấn công đã xáo trộn cả đất nước, khiến Khadim và gia đình cô phải bỏ nhà chạy trốn. Các tay súng Hồi giáo Sunni đã tiến hành một cuộc thanh trừng sắc tộc với khu Mansour vốn nhiều người Hồi giáo Shiite như Khadim và chồng cô, Jalal. Ngôi nhà tuyệt đẹp của họ, với một vườn hồng trước sân, giờ đã thuộc sở hữu của người khác. Cả gia đình dạt sang Syria tị nạn và khi về Baghdad, họ phải ở trong một căn hộ tồi tàn với 2 phòng ngủ.
Từng có thời là những người trung lưu giàu có, giờ họ sống cảnh nay đây mai đó. Họ sống trong không gian chật chội, cửa luôn đóng, then luôn cài vì sợ sự xuất hiện của các tay súng Sunni. Với họ, người Mỹ đã gây ra tất cả những sự bất hạnh này. “Chúng tôi tưởng người Mỹ sẽ mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng họ mang lại chẳng có thứ gì ngoài sự khổ đau” – cô nói.
Khadim đánh giá người Mỹ đã để khủng bố lẩn vào Iraq, dựng nên một chính quyền kém tài và tham nhũng, xúc phạm dân thường và đôi khi giết dân thường mà không phải chịu tội. "Chúng tôi mang hoa ra đón họ và giờ họ cười nhạo chúng tôi. Họ thường ném kẹo về phía trẻ con của chúng tôi rồi cười phá lên khi thấy chúng đánh nhau để tranh giành số kẹo” – cô cay đắng nói.
Và như không ít người khác, Khadim lại mơ về thời trước chiến tranh, khi mà ít nhất cô có thể ra phố trong an toàn và chồng cô có việc làm với thu nhập ổn định. “Chúng tôi đã bị kéo tụt sự phát triển tới cả 1.000 năm. Điều tốt đẹp chỉ có thể xảy ra, khi quân Mỹ rút hết về nước” – cô tuyên bố một cách tức giận.
Vẫn còn những nguy cơ về an ninh
Những người Mỹ trở về quê tự hào nói rằng họ đã tạo ra cái gọi là “nhà nước dân chủ mới” ở Iraq. Họ đã vũ trang và huấn luyện lực lượng an ninh mới của Iraq, vốn đang trưởng thành nhanh theo từng năm. Nếu lực lượng này không đủ sức trấn áp bạo lực thì ít nhất họ cũng đã giảm thiểu nó trong 4 năm qua.
Được biết hồi năm 2008, Baghdad và Wasington đã ký thỏa thuận về việc lực lượng Mỹ rút quân trước thời hạn chót là cuối năm nay. Mùa Hè năm ngoái, Mỹ cũng tuyên bố kết thúc các hoạt động chiến trường tại Iraq. Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad giờ sẽ chỉ duy trì một đội ngũ 157 lính Mỹ làm nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng Iraq và một nhóm lính thủy đánh bộ bảo vệ phái bộ ngoại giao.
Iraq hiện có một lực lượng an ninh khá đông đảo khoảng 900.000 người. Tuy nhiên, việc lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq cũng làm dấy lên nhiều lo ngại sẽ nảy sinh những bất ổn an ninh mới trong xã hội, nhất là khi khối chính trị của người Sunni tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki.
Tường Linh (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất