26/03/2013 08:12 GMT+7 | Đức
(giaidauscholar.com) - Tuyển Đức đang vận hành khá suôn sẻ với sơ đồ không tiền đạo cắm nhưng liệu đây có phải chiếc chìa khóa vàng mở toang cánh cửa thành công cho “Die Mannschaft”?
*Lượt đi 3-0
Sự trở lại của Reus sẽ giúp các đợt tấn công của Đức sắc bén hơn.
Ngay từ những năm 1930, thời gian sơ đồ 5 tiền đạo đang chiếm ưu thế, ý tưởng về một lối chơi không tiền đạo cắm đã hình thành khi tuyển Áo, một thế lực của làng túc cầu lúc đó, trình diễn một diện mạo mới mẻ với các chân sút lùi về khá sâu thay vì cắm chốt trong vòng cấm địa đối phương. Đến những năm 1950, lối chơi này lại được tái hiện nhưng ở đẳng cấp cao hơn bởi Hungary.
Sự lên ngôi của 4-6-0
Nhưng phải tới World Cup 1994, sơ đồ 4-6-0 mới lần đầu được sử dụng bởi Romania trong trận đấu với Argentina. Chín năm sau, Carlos Alberto Parreira, HLV từng dẫn dắt Brazil vô địch USA 1994, đã phát biểu rằng 4-6-0 sẽ là sơ đồ của tương lai. Thực tế, AS Roma ở mùa 2005-06 hay Manchester United mùa 2007-08 cũng từng thành công ở các mức độ khác nhau với sơ đồ không tiền đạo cắm này.
Tuy nhiên, sơ đồ 4-6-0 chỉ thực sự được đánh giá cao khi HLV Pep Guardiola bắt đầu áp dụng tại Barcelona. Sau khi đẩy Samuel Etoo rồi Zlatan Ibrahimovic đi, Guardiola đã kéo Lionel Messi vào trung lộ và biến cầu thủ người Argentina thành một “số 9 ảo” siêu hạng. Là tiền đạo cắm trên lý thuyết nhưng Messi thường xuyên lùi sâu về tuyến giữa, phối hợp với các đồng đội rồi bất ngờ xông lên ghi bàn.
Sơ đồ 4-6-0 càng được chú ý khi được HLV Vicente del Bosque áp dụng thành công cho tuyển Tây Ban Nha tại EURO 2012. Sơ đồ này khởi đầu khá chậm chạp nhưng đã đạt đỉnh ở trận chung kết, giúp Tây Ban Nha đè bẹp Italia tới 4-0. Trong trận đó, Tây Ban Nha tung ra tới 780 đường chuyền với tỷ lệ thành công lên tới 88% còn Italia chỉ có 476 (76%).
Cứu cánh của người Đức?
Do sự khan hiếm các tiền đạo giỏi (chỉ có 2 gương mặt khả dĩ là Miroslav Klose và Mario Gomez) trong khi lại thừa các tiền vệ tài năng, HLV Joachim Loew cũng đã sử dụng sơ đồ 4-6-0 cho tuyển Đức trong 3 trận gần đây và đã gặt hái được những thành công nhất định (hòa 1, thắng 2, trong đó đánh bại được tuyển Pháp ngay trên sân nhà sau 26 năm chờ đợi).
Với sơ đồ mới, lối chơi của “Die Mannschaft” đa dạng hơn hẳn khi ai cũng có thể phát động tấn công và ai cũng có thể dứt điểm. Như trong trận gặp Kazakhstan, 3 bàn được thực hiện bởi 3 cái tên khác nhau. Điều này trái ngược hoàn toàn với trước đây khi các đường chuyền cuối cùng hầu hết đều nhằm tới Klose hay Gomez, giúp cho đối phương dễ bắt bài.
Ngoài ra, nhờ có đông tiền vệ, “Die Mannschaft” đã giữ bóng tốt hơn hẳn (như trận gặp Kazakhstan kiểm soát bóng tới 76%, có 854 đường chuyền với tỷ lệ thành công lên tới 94%) và do đó, hạn chế tối đa được số bàn thua. Ba trận vừa qua, thầy trò ông Loew chỉ thủng lưới một bàn trong khi 10 trận trước đó, phải nhận 16 bàn thua, chỉ 2 lần giữ sạch lưới.
Từ giờ tới World Cup 2014 vẫn còn 1,5 năm, tức thừa thời gian để HLV Loew thử nghiệm, hoàn chỉnh công thức mới mẻ. Đặc biệt, nếu mùa tới, Bayern và Dortmund, những đội đóng góp phần lớn trụ cột của tuyển Đức, cũng thi đấu với sơ đồ 4-6-0, công việc của ông Loew càng thuận lợi và cơ hội để “Die Mannschaft” chấm dứt cơn hạn hán danh hiệu sẽ nhiều hơn gấp bội.
Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất