02/08/2019 06:11 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - 4 chức vô địch V-League, suất chơi bán kết AFC Cup, không phải thành tích vĩ đại mà một đại diện V-League chưa thực hiện được. B.Bình Dương sau mùa giải 2015, họ đã vươn tới kỳ tích này. Thậm chí nếu tính cả Cúp quốc gia, đội bóng đất Thủ thực sự là vô đối ở Việt Nam. CLB Hà Nội, với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T, sinh sau đẻ muộn, nhưng lịch sử còn ở phía trước.
Nếu V-League 2004 đánh dấu sự xuất hiện của “Chelsea Việt Nam” B.Bình Dương, thì đến tận 2009, CLB Hà Nội mới thăng hạng chuyên nghiệp. Đội bóng đất Thủ cần 11 năm (2004-2015), để vươn lên trở thành số 1 ở kỷ nguyên V-League, cũng như lịch sử các đại diện của V-League bơi ra đấu trường châu lục, như đã nhắc. Bằng với khoảng thời gian đó, B.Bình Dương đã chi rất nhiều tiền sắm sao, nhiều hơn bất cứ CLB Việt Nam nào khác cùng thời của họ.
Gần chục năm, cảm giác như mọi con đường đều dẫn về Thủ Dầu Một. Khi B.Bình Dương nổi lên, cũng là thời điểm HAGL và Đồng Tâm Long An đi xuống. Đất Thủ trở thành đối trọng thực sự lớn, thách thức CLB Hà Nội và “gia đình T&T”. Một đối một, như ở trận chung kết Cúp quốc gia năm ngoái, B.Bình Dương còn trội hơn.
Xong, có cảm giác như kỷ nguyên vàng của đất Thủ đã và đang khép lại, sau trận chung kết lượt đi AFC Cup 2019 khu vực Đông Nam Á với CLB Hà Nội. “Cọp chết để da”, theo HLV Nguyễn Thanh Sơn, một bàn dẫn của Hà Nội không phải là vấn đề. Vấn đề lớn nhất của đội bóng đất Thủ là sự “chéo cẳng ngỗng” trong cabin BHL, cùng sự già cỗi về đội hình. Tre già, mà măng chưa kịp mọc, hoặc cmọc không đều, ít nhất so với dàn binh hùng tướng mạnh của Hà Nội, đội bóng cũng chỉ có 10 năm tuổi ở V-League.
Nói về CLB Hà Nội. Nguồn nội lực của họ có thể giúp đội bóng này chiếm lĩnh đỉnh cao thêm nhiều năm nữa, bằng cả những hậu thuẫn từ nhiều phía. Hà Nội cũng được xem là đội bóng duy nhất Việt Nam có thể “nói chuyện” sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu ở sân chơi AFC Cup, và cao hơn là AFC Champions League. Họ sở hữu những cầu thủ giỏi nhất, lối chơi kiểm soát hoa mỹ và hiệu quả nhất. Sau khi đã “thống lĩnh” giải quốc nội, tham vọng của đại diện Thủ đô là bơi ra và khẳng định ở đấu trường châu lục.
Những tinh tuý đã được giữ lại, Hà Nội không vướng vào bất cứ cuộc chảy máu nhân tài nào cả, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của đội bóng xuất phát từ giải hạng Ba, năm 2006, thời điểm B.Bình Dương có chức vô địch V-League đầu tiên. Nó phải bắt đầu bằng một chiến lược làm bóng đá nghiêm túc, có căn cơ.
Cựu HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam và CLB Quảng Nam, Hoàng Văn Phúc, đã được mời về phụ trách Trung tâm đào tạo trẻ và đưa ra các tham vấn như một Giám đốc kỹ thuật. Trước đó, anh em nhà cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thuỷ đã và đang cầm các tuyến vệ tinh; còn người em Văn Sỹ Sơn ngồi ghế trợ lý HLV đội 1 Hà Nội từ bao năm qua. Về mặt triết lý vận hành chiến thuật, Hà Nội của Chu Đình Nghiêm lúc này thừa hưởng những tinh tuý từ thời Phan Thanh Hùng, nhưng nâng cấp lên, nhờ các cầu thủ tài năng.
CLB Hà Nội đã chiếm ưu thế hoàn toàn trước B.Bình Dương, bằng chính nội lực của họ, mà vai trò ngoại lực chỉ là rất hạn chế, trong khi đối thủ xuất phát đến 5 Tây (4 ngoại binh và một Tây nhập tịch). “Chuyện nội bộ V-League” ở chung kết AFC Cup 2019 khu vực Đông Nam Á, sớm ngã ngũ, nhưng để chinh phục những cột mốc cao hơn ở đấu trường châu lục, thì CLB Hà Nội cũng sẽ phải tích cực hơn trên thị trường chuyển nhượng. Ngoài kia là phong ba bão tố.
Thời cơ vàng hay còn gọi là vận mệnh thay đổi lịch sử, đang mở ra trước mặt đội bóng của bầu Hiển. Nếu thành, họ sẽ trở thành huyền thoại, bằng không lại quay về "úp mặt sông quê" V-League vậy.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất