Thể thao Việt Nam tại ASIAD 17: Tuy gần mà xa!

19/09/2014 14:18 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Ngày 15/9, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã lên đường sang Incheon (Hàn Quốc) tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 17. Đây là sân chơi quen thuộc với thể thao Việt Nam, nhưng đồng thời cũng được xem là đấu trường xa tít tắp, bởi cơ hội giành HCV của TTVN ở ASIAD là không nhiều.

Kể từ ASIAD 2002 đến nay, thành tích của thể thao Việt Nam ở sân chơi châu lục đang ở trạng thái xuống dần đều, và kỳ ASIAD 2014 cũng được dự báo là sẽ rất khó khăn với TTVN.

Cách đây 4 năm, đoàn TTVN đã phải chờ tới những ngày cuối cùng mới giành được chiếc HCV duy nhất do công của võ sỹ karatedo Lê Bích Phương.

Tại kỳ Đại hội diễn ra tại Quảng Châu khi ấy, có rất nhiều trường hợp VĐV Việt Nam đã chỉ còn cách HCV trong gang tấc nhưng cuối cùng đều thất bại, điển hình như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh, khi chỉ cần bắn trúng bia ở loạt cuối cùng là sẽ giành HCV nhưng cuối cùng lại mất HCV vì bắn trượt hoàn toàn.

Ở thời điểm đấy và cả mãi về sau này, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam, đều bày tỏ thái độ tiếc nuối đến cùng cực vì trường hợp để tuột HCV trong gang tấc của Hoàng Xuân Vinh, và ở ASIAD Quảng Châu năm 2010, Hoàng Xuân Vinh không phải là trường hợp duy nhất đã tiến rất gần tới thời khắc vinh quang rồi cuối cùng lại “xôi hỏng bỏng không” như vậy.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên môn, việc VĐV giữ được sự bình tĩnh và phong độ thi đấu ổn định trong thời khắc sinh tử quyết định đến thành bại không đơn giản chỉ trông chờ vào may mắn, mà đấy là kết quả của cả 1 quá trình khổ luyện và tích luỹ, mà người ta hay nói nôm na là đẳng cấp!

Chúng ta có thể đặt câu hỏi vì sao chuyện bắn trượt ở loạt quyết định ít khi hoặc không xảy ra với các xạ thủ Trung Quốc, Hàn Quốc hay CHDCND Triều Tiên, và vì sao hầu như ở kỳ Đại hội thể thao châu lục nào chúng ta cũng đều phải trải qua những chuyện đánh rơi HCV trong gang tấc như vậy.

Mặc dù ASIAD 17 còn chưa chính thức khởi tranh, nhưng ngay từ thời điểm này chúng ta cũng có thể điểm ra được những gương mặt có thể tranh chấp HCV cho TTVN, và rất tiếc số này chỉ đếm được trên 1 bàn tay với những cái tên như Nguyễn Thị Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh, Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn…

Tuy nhiên, với sự hiện diện của cường quốc thể thao hàng đầu thế giới là Trung Quốc và ASIAD được xem là sân chơi có độ khó không hề thua kém Olympic, ngay cả những niềm hy vọng vàng hàng đầu này của thể thao Việt Nam cũng không có nhiều cơ hội bước lên vị trí số 1.

Điều này đã thể hiện rất rõ qua các kỳ ASIAD gần đây, khi số lượng HCV hiếm hoi mà các VĐV Việt Nam giành được hiếm khi rơi vào những môn thi đấu thuộc hệ thống Olympic mà chỉ là các môn nằm ngoài hệ thống Olympic như karatedo hay cầu mây.

Ngay cả ở sân chơi khu vực như SEA Games thì TTVN cũng không có được ưu thế nổi trội ở những môn Olympic như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, nên khi đến với đấu trường khu vực, TTVN luôn rất chật vật với nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu giành HCV, và ở 2 kỳ ASIAD gần đây, TTVN đều rơi vào hoàn cảnh hạn hán HCV tới mức đỉnh điểm.

Ai cũng biết đầu tư cho những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic là 1 quá trình rất dài lâu và tốn kém, nhưng khi thể thao Việt Nam mới bắt đầu xác định lấy thể thao Olympic làm hướng đi thì các quốc gia Đông Nam Á khác đã làm điều đó từ rất lâu.

Chẳng hạn, Thái Lan trong 3 kỳ ASIAD gần đây nhất đều là quốc gia Đông Nam Á có vị trí tốt nhất trên bảng xếp hạng huy chương với việc liên tục góp mặt trong top 10, riêng ở kỳ ASIAD 2002 và ASIAD 2006, thể thao Thái Lan còn vươn lên xếp hạng 5 và hạng 6.

Ngay cả khi rơi xuống vị trí thứ 9 ở ASIAD 2010 thì Thái Lan cũng có tới 11 HCV, trong khi chúng ta chỉ giành được vỏn vẹn 1 HCV, còn đứng sau cả Myanmar (2 HCV) hay Philippines (3 HCV). Nói vậy để thấy vị trí thứ 3 chung cuộc mà thể thao Việt Nam thường giành được ở các kỳ SEA Games không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác năng lực của thể thao Việt Nam.

Sở dĩ có ý kiến như vậy là bởi thể thao Việt Nam có thể đứng ở tốp đầu của SEA Games, nhưng khi vươn ra đấu trường châu lục hoặc Olympic thì thể thao Việt Nam phải xếp sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore với khoảng cách ngày một bị kéo dài.

Có lẽ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là vì một thời gian quá dài chúng ta dành nhiều công sức đầu tư cho những môn thể thao không quá phổ biến hoặc chưa được đưa vào hệ thống thi đấu Olympic như cầu mây, wushu, pencak silat... để nhanh chóng tiến vào nhóm đầu của Đông Nam Á, mà chưa dành sự quan tâm thực sự nghiêm túc và lâu dài cho những môn thể thao cơ bản của hệ thống Olympic, tuy rất khó khăn và tốn công tốn của nhưng lại có nhiều bộ huy chương và ít khi phải chịu sự thiên vị của trọng tài.

Trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây, khi những môn thể thao kiểu “đi tắt đón đầu” như cầu mây, wushu, pencak silat rơi vào tình trạng bão hòa thì thể thao Việt Nam đã có sự đi xuống trông thấy ở sân chơi châu lục, mà bằng chứng là ở 2 kỳ ASIAD 2010 và ASIAD 2006, tổng số HCV mà thể thao Việt Nam giành được chỉ bằng số HCV ở ASIAD 2002.

Ở kỳ ASIAD năm nay, TTVN mang tới Đại hội một số tài năng xuất sắc của các môn thuộc hệ thống Olympic như bơi lội (Ánh Viên) hay cử tạ (Thạch Kim Tuấn), nhưng cơ hội giành HCV của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ, bởi đây đều là những môn mà Trung Quốc cực mạnh. Vì thế, sẽ không ai ngạc nhiên nếu như ASIAD 2014 sẽ lại là 1 kỳ Đại hội mà thể thao Việt Nam phải rất chật vật với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu HCV.

Hoàng Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm