GS Trần Quang Hải, con trưởng GS Trần Văn Khê đang từ Pháp về lo tang lễ cha

24/06/2015 10:51 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sau gần một tháng nhập viện vì sức khỏe yếu, có những lúc hồi phục tốt dần nhưng do tuổi cao lại mang nhiều trọng bệnh nên sáng hôm nay,  24/6, giáo sư Trần Văn Khê đã qua đời tại bênh viện Nhân dân Gia Định.

Như gia đình cho biết, giáo sư Trần Văn Khê mất lúc 2h55 sáng nay vì bệnh tim và phổi.  Một tháng nữa, 24/7 ông sẽ kỉ niệm ngày sinh lần thứ 94.

Theo ước nguyện của giáo sư trước lúc lâm chung, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tang lễ được thực hiện theo nghi thức Phật giáo và sau đó sẽ hỏa táng. Hiện giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng và là trưởng ban lễ tang, đang bay từ Pháp về. Giáo sư Quang Hải cũng đã về Việt Nam thăm cha từ cuối tháng 5 vừa qua nhưng khi giáo sư Trần Văn Khê có những dấu hiệu hồi phục nên ông đã bay lại về Pháp hôm 21/6 để lo một số việc riêng. 


Tuy nhiên trong lúc này giáo sư Trần Quang Hải chưa đặt vé về Việt Nam kịp nên kế hoạch tang lễ cũng chưa được công bố chính thức. Hiện giáo sư Trần Văn Khê vẫn đang nằm tại bệnh viện, ngày mai gia đình sẽ đưa ông về.

Nhà báo Thế Thanh, người nằm trong ban tổ chức tang lễ cho biết trưởng ban tang lễ là Giáo sư Trần Quang Hải, tiểu ban sẽ gồm nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình 4 đời làm nhạc sĩ. Từ năm 6 tuổi, ông được cậu ruột Nguyễn Tri Khương (cháu nội ông Nguyễn Tri Phương), vốn là một thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng hát có tiếng, dạy chơi đàn nguyệt (đàn kìm), đàn cò (đàn nhị); được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện dạy đàn tranh. Từ đó ba cây đàn chẳng rời ông nửa bước, kể cả khi ông là một sinh viên Trường Y Hà Nội hay là một giáo sư danh tiếng ở Paris sau này.

Từ năm 13 tuổi ông đã cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường Trường Pétrus Ký và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên Scola Club của Hội Đức trí Thể dục (SAMIPIC). Tại Đại học Đông Dương, ông cùng các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Phan Huỳnh Tấng (tức Phạm Hữu Tùng)… hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội sinh viên, tham gia ban nhạc của trường, cùng nhau khuấy động nên phong trào thanh niên lành mạnh, cũng như khơi dậy tình dân tộc thể hiện qua các hành khúc đầu tay của Lưu Hữu Phước như Người xưa đâu tá, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng

Cuối năm 1954, ông theo học và chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Khoa Anh văn và Âm nhạc học, Trường Đại học Sorbonne (Pháp). Để lấy tiền sinh hoạt, ông đã làm nhiều công việc khác nhau như: thuyết trình về các đề tài âm nhạc, kịch nghệ, kể chuyện cổ tích Việt Nam cho đài BBC; đóng phim; lồng tiếng cho phim...

Tháng 6/1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài chính: Âm nhạc truyền thống Việt Nam và hai đề tài phụ: Khổng Tử và âm nhạc, Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam. Từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài mà mình đã chọn: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Năm 1975, ông trở về Việt Nam với tư cách Giám đốc nghiên cứu trong Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, một chuyên gia hàng đầu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Từ năm 1976 đến năm 1990, năm nào ông cũng về Việt Nam, lặn lội khắp các miền đất nước, ghi âm, chụp hình được trên 500 bài dân ca, dân nhạc các loại nhằm tìm hiểu cặn kẽ một nền âm nhạc đa dạng và sâu rộng, cố gắng ghi lại cũng như phục hồi những gì sắp bị chìm vào quên lãng; kêu gọi gìn giữ cái hay, cái đẹp cho thế hệ sau. Đồng thời, mỗi năm ông dành ra 2 - 3 tháng để thuyết trình tại các trường đại học trong cả nước.

Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc như: Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống, Hội đồng Quốc tế Giáo dục Âm nhạc… Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển âm nhạc thế giới, được tặng Giải thưởng đặc biệt về âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Văn hoá nghệ thuật của Chính phủ Pháp (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam (1999)…

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm