CLB Việt Nam toàn thua tại AFC Champions League: Vừa lên sàn đã tung cờ trắng

24/03/2015 15:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Sau 3 trận thua liên tiếp (ghi được 3 bàn và để lọt lưới đến 11 bàn), cửa đi tiếp của nhà vô địch V-League 2014 B.Bình Dương tại bảng E coi như đã khép lại.

Cùng với trận thảm bại tỷ số 0-7 của Hà Nội T&T trước FC Seoul ở vòng sơ loại thứ 2 trước đó, bóng đá Việt Nam vẫn còn ở quá xa so với sân chơi cao nhất châu lục cấp CLB.

Sau 10 năm, kể từ ngày Đà Nẵng (tên gọi tiền thân của SHB Đà Nẵng bây giờ) để thua Gamba Osaka (Nhật Bản) với tỷ số không tưởng 0-15 cũng tại AFC Champions League, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho sân chơi này.

Từ giấc mơ đổi đời của B.Bình Dương…

Trước chuyến hành quân đến xứ sở kim chi, ban huấn luyện B.Bình Dương cho biết họ đã chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng làm nên cơn địa chấn, bất kể đối thủ là CLB Jeonbuk Huyndai Motors, nhà vô địch Hàn Quốc.

Trên sân Jeonju World Cup, học trò ông Hải “lơ” không chủ hoà, khi xuất phát với cặp tiền đạo Abass Dieng - Oseni, cùng sự hỗ trợ của Tiến Thành, Moses, Trọng Hoàng và Anh Đức ở tuyến 2. Thêm trung vệ David Vrankovic, Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert và Quốc Thiện Esele, đội hình B.Bình Dương được "Tây hoá" đến 2/3. Tuy nhiên…

B.Bình Dương dù không mấy lép vế về thời lượng kiểm soát bóng, nhưng cơ hội tiếp cận cầu môn Jeonbuk Huyndai Motors là thứ xa xỉ. Trong lúc đó, với 3/4 lần tung ra các đợt tấn công, đội chủ nhà dễ dàng có 3 bàn thắng, với 2 trong số đó là những siêu phẩm của Enio Junior (mở tỷ số) và bàn thắng thứ 2 của Lee Dong Gok ở cuối trận: Nhanh như điện và cực kỳ chính xác.

Sự khác biệt về đẳng cấp chơi bóng có đôi khi chỉ là vẻ đẹp (và tính hiệu quả) của phép tính cộng đơn giản mà không cần đao to búa lớn. B.Bình Dương đã thôi hão huyền để trở lại mặt đất sau 3 trận toàn thua.

Đến giấc mộng không thành của bóng đá Việt Nam

Với tiềm lực tài chính cực mạnh cùng cơ chế thông thoáng được mở ra, B.Bình Dương luôn sở hữu đội hình mạnh nhất của V-League. Trong chuyến hành quân đến Hàn Quốc vừa qua, dù Công Vinh, Phước Tứ và Hoàng Văn Bình phải ngồi nhà vì chấn thương, thì B.Bình Dương vẫn không hề yếu đi, khi liếc qua danh sách dự bị, họ vẫn còn cả Tấn Tài, Quang Vinh, Tăng Tuấn, Xuân Thành, Minh Đức, Đặng Văn Thành và Tấn Trường, toàn ngôi sao từng khoác áo các ĐTQG. Nhưng cỡ như B.Bình Dương mà còn chưa đủ trình độ để tranh chấp ở AFC Champions League thì nói gì tới các CLB khác ở V-League….

Khi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ, các giải bóng đá chuyên nghiệp như V-League và hạng Nhất quyết định luôn sức mạnh, cũng như năng lực chinh phục của các ĐTQG. Liên tưởng tới thành tích của Hà Nội.T&T và B.Bình Dương tại AFC Champions League với đội tuyển Việt Nam ở sân chơi tầm châu lục, có thể đưa ra ngay đáp án về tầm vóc của nền bóng đá xứ sở.

Suất chơi tứ kết Asian Cup 2007 của bóng đá Việt Nam thời HLV Alfred Riedl có lẽ vẫn là một cột mốc khó san bằng, ngay cả khi chúng ta một lần nữa được đặc cách dự VCK (với tư cách chủ nhà).

Với HLV Toshiya Miura và lứa cầu thủ được cho là tài năng bậc nhất trong nhiều năm đổ lại, nền bóng đá đang mang theo rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ về một giấc mơ đổi đời. Song ngay cả khi U23 Việt Nam lọt vào VCK U23 châu Á, vô địch SEA Games 28 và thậm chí giành vé đến Olympic Brazil vào mùa hè 2016 (thông qua thành tích tại VCK U23 châu Á tới đây), thì đó vẫn không phải tín hiệu bền vững. Đầu ra của các ĐTQG chỉ là phần ngọn được quyết định bởi cái gốc là V-League và hệ thống đào tạo trẻ.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm