Bảng đấu nào với U23 Việt Nam cũng là 'tử thần'

02/07/2015 12:26 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Với U23 Việt Nam, có bảng đấu nào ở cấp độ châu lục không phải bảng “tử thần”? Đã đến lúc chúng ta phải quên đi khái niệm này.

1. Tại VCK giải U19 châu Á 2014, U19 Việt Nam bị loại từ vòng bảng, chỉ giành được đúng 1 điểm, thua 10 bàn sau 3 trận, sở hữu hiệu số bàn thắng bại thấp nhất trong 16 đội tham dự vòng bảng (-8, ngang với U19 Oman).

Ở vòng loại giải U23 châu Á hồi tháng 3, U23 Việt Nam xếp thứ 2 ở bảng I, xếp hạng 3/5 đội hạng nhì có thành tích tốt nhất. Trong 16 đội giành vé tới VCK, U23 Việt Nam xếp hạng 14/16.

Tại bảng xếp hạng FIFA tháng 6/2015, ĐT Việt Nam xếp hạng 17 châu Á (127 thế giới). Đó là còn chưa kể tới 3 ĐT “không hiểu tại sao” lại xếp dưới dưới ĐT Việt Nam là Thái Lan, CHDCND Triều Tiên và Yemen.

Với những thống kê ấy, U23 Việt Nam chắc chắn là một trong số những ĐT bị xem là yếu nhất tại VCK giải U23 châu Á 2016 tổ chức ở Qatar tháng 1 năm sau. Với đội bóng yếu nhất, bảng đấu nào chẳng là bảng “tử thần”?

2. Đã đến lúc giới truyền thông và các nhà chuyên môn nên quên đi khái niệm “tử thần” dành cho các ĐT Việt Nam ở sân chơi châu lục. Vì khi khái niệm này còn tồn tại, chúng ta còn mặc định, thậm chí huyễn hoặc về sức mạnh của bóng đá Việt Nam ở sân chơi châu Á. Thất bại nặng nề của U19 Việt Nam hồi năm 2014 từng là trải nghiệm đau thương đến sau sự ảo tưởng ấy.

Quên đi khái niệm “tử thần” cũng đồng thời với việc thừa nhận tư cách “cửa dưới” cho bóng đá Việt Nam ở mọi sân chơi cấp châu lục. Một đội bóng biết rõ mình yếu, ra sân với sự hiểu biết đầy đủ và chính xác nhất về bản thân không bao giờ là một tập thể dễ bị đánh bại. Trong sự tự nhận thức ấy, chúng ta mới tìm ra được những phương án phù hợp nhất để khỏa lấp các hạn chế (còn rất nhiều) và phát huy các điểm mạnh (dù rất ít) của mình.

Trong khoảng nửa năm qua, HLV Toshiya Miura đã từng bước chuyển hóa quan điểm ấy tới các ĐT Việt Nam. Chúng ta đã có các trận hòa trước những đối thủ mạnh từ Hàn Quốc, Uzbekistan, CHDCND Triều Tiên, có những trận chơi ngang ngửa trước Nhật Bản, Thái Lan.

3. Đương nhiên, tư tưởng “cửa dưới” không đồng nghĩa với một lối chơi tiêu cực, chặt chém, đề cao quá mức thành tích. Các đội bóng ở kèo dưới vẫn có cách riêng để thể hiện bản sắc, duy trì phong cách. Lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, điển hình là Đan Mạch tại EURO 1992 và Hàn Quốc ở World Cup 2002. Riêng về khía cạnh bản sắc này, HLV Miura có vẻ chưa tạo được nhiều dấu ấn.

Tóm lại, chừng nào chúng ta quên đi khái niệm “tử thần”, chừng ấy U23 Việt Nam và các ĐTQG mới có thể tiến xa hơn được.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm