U23 Việt Nam: Đi một ngày đàng…

12/09/2015 05:47 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Bên cạnh các kỳ Asian Games (hay còn gọi là ASIAD, được tổ chức 4 năm một lần), thì các VCK U23 châu Á (trước đây là U22) thực sự là sân chơi bổ ích cao nhất dành cho bóng đá trẻ. Đội tuyển U23 Việt Nam dưới quyền HLV Toshiya Miura đã xuất sắc vượt qua vòng bảng (có sự góp mặt của Nhật Bản) để giành quyền đến Doha (Qatar) vào đầu năm sau.

Trước đó, U19 Việt Nam cũng với lứa những Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải… đã giành quyền vào chơi VCK U19 châu Á (Myanmar 2014), sau các trận thắng tưng bừng ở vòng loại (phải kể đến trận thắng Australia 5-1), nhưng phải dừng chân sau vòng bảng.

1. Tại vòng loại bảng I, thầy trò HLV Toshiya Miura đã xuất sắc vượt qua chủ nhà Malaysia với tỷ số 2-1 ở thế bị dẫn trước. Huy Toàn cho thấy cái duyên ghi bàn trong các trận gặp Malaysia (trước đó, tại bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014, Toàn cũng đóng góp 1 trong 2 bàn thắng giúp Việt Nam hạ Malaysia cũng với tỷ số 2-1), mở đầu cho cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, với bàn còn lại thuộc về Công Phượng.

U23 Việt Nam thua U23 Nhật Bản với tỷ số 0-2 như điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu sau đó, bởi Nhật Bản ở một đẳng cấp khác, nhưng lượt trận cuối, chúng ta kịp thắng đậm đối thủ yếu nhất bảng là Macau (Trung Quốc) với tỷ số 7-0 (trong đó Công Phượng và Thanh Bình mỗi người đã ghi cho mình một hat-trick, bàn còn lại do công của Hồ Ngọc Thắng), qua đó ghi tên mình vào VCK sẽ diễn ra ở Doha (Qatar) vào tháng 1/2016.


U23 Việt Nam sẽ gặp toàn đối thủ mạnh tại VCK. Ảnh: Phạm Tuân

Sau thành công vang dội ở vòng loại giải châu lục, U23 Việt Nam nhận được nhiều kỳ vọng sẽ đổi màu huy chương ở kỳ SEA Games 28 diễn ra sau đó 2 tháng tại Singapore. Nhưng tại quốc đảo sư tử, HLV Toshiya Miura và các học trò của ông phải dừng chân ở bán kết, sau khi để thua U23 Myanmar với tỷ số 1-2. Trong trận tranh HCĐ, chúng ta gỡ lại được chút thể diện khi vượt qua U23 Indonesia 5-0.

2. Cách đây hơn 10 năm, khi U23 Việt Nam dưới triều đại Alfred Riedl chuẩn bị cho kỳ SEA Games 22 trên sân nhà, ông thầy người Áo đã quyết định bê nguyên đội hình gồm toàn những người trẻ đi đá vòng loại Asian Cup 2004. Và trên đất Oman, Văn Quyến đã có bàn thắng đầy tinh tế (sau đường chuyền của Tuấn Phong) vào lưới đương kim đệ tứ anh hào thế giới Hàn Quốc để giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 1-0.

Cho đến bây giờ, cùng với chiến thắng lịch sử 2-0 trước UAE ở vòng bảng Asian Cup 2007 trên sân nhà, qua đó giúp bóng đá Việt Nam lần đầu tiên ghi tên mình vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục (tứ kết thua Iraq 0-2), thì trận thắng Hàn Quốc 1-0 ở Muscat (Oman) năm 2003 thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử nền bóng đá. Tuy nhiên, tất cả những chiến tích ấy chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất.

Cần chắc rằng thành tích tại các giải đấu trẻ (U23 trở xuống) không giống và không có nghĩa là sẽ đồng bộ với sân chơi ĐTQG. U23 Việt Nam của HLV Alfred Riedl từng làm nên kỳ tích trước Hàn Quốc nhờ chất lượng và chiều sâu đội hình. Thành công được nối dài ở SEA Games 23 (Philippines 2005) và “thế hệ vàng” thực sự của bóng đá Việt Nam đã vào đến tứ kết Asian Cup 2007, rồi vô địch AFF Cup 2008.  

Đừng kỳ vọng U23 Việt Nam sẽ rơi vào bảng đấu dễ sau lễ bốc thăm vào chiều nay. Khi chúng ta phải nằm ở nhóm 4 (yếu nhất), thì bảng đấu nào không là “tử thần”?! Chỉ một điều chắc chắn, đây là cơ hội tuyệt vời để các cầu thủ trẻ được cọ xát và học hỏi.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm