16/01/2011 11:23 GMT+7 | Phim
(TT&VH Online) - Clint Eastwood hiển nhiên là một người "bát thập" nhưng không hề "cổ lai hy" chút nào khi ông nhanh nhẹn vươn người ra khỏi chiếc SUV màu đen của mình rồi vừa thoăn thoắt bước vào khách sạn Regency, New York, vừa vẫy tay đáp lại sự chào mừng của nhân viên ở đây.
Ai đó đã thốt lên kinh ngạc: “Ông ấy không thể đang 80 tuổi được. Không đời nào”.
Clint Eastwood không ngừng làm việc dù sự nghiệp đã thành công rực rỡ (Ảnh: AP)
Thật khó tin, thế nhưng trong khi đã bước vào thập niên thứ chín của cuộc đời, Eastwood vẫn tập trung, có nhiều tham vọng và động lực như khi ông đạo diễn bộ phim đầu tiên ở độ tuổi 41. Ông đã được trao giải thưởng thành tựu trọn đời từ những năm 90, trước cả khi ông đạt được những thành công trong giai đoạn sau của sự nghiệp, mà theo đánh giá của nhiều người còn năng suất và giàu tính sáng tạo hơn cả giai đoạn trước đó.
Ông đến New York để dự lễ công chiếu và bữa tiệc mừng cho bộ phim mới nhất, Hereafter, một bộ phim được chấp bút bởi biên kịch người Anh Peter Morgan với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Matt Damon, người cũng xuất hiện trong bộ phim gần đây nhất của ông, Invictus.
Trong những bộ phim gần đây như Mystic River, Flags of Our Fathers, Gran Torino, Invictus, Eastwood đã buộc khán giả phải trải nghiệm những vấn đề khó khăn và đôi khi là cả khó chịu. Lần này ông lại đưa ra cho khán giả một câu hỏi về những gì sẽ xảy ra sau cái chết. Hereafter là một bộ phim có nội dung xoay quanh cuộc hành trình khám phá cuộc sống của ba nhân vật nhưng lại từ góc nhìn từ phía bên kia của cuộc sống.
Một ông đồng bất đắc dĩ (Matt Damon thủ vai) cố gắng thoát khỏi sự quấy rối của những tang quyến đang muốn liên lạc với thân nhân đã qua đời, một nhà báo (Cecile de France thủ vai) lâm vào tình huống thập tử nhất sinh trong một đợt sóng thần, và một người mất đi người anh em song sinh vốn vẫn thường chỉ dẫn mình.
Eastwood cho biết: “Chúng ta không biết có gì ở phía bên kia. Con người có những đức tin về việc có gì hay không có gì ở đó, thế nhưng sẽ chẳng ai biết cho đến tận khi đến được đó”. Tuy nhiên đó không phải là điều Eastwood trăn trở hoặc lo lắng, ông nói tiếp: “Ở đó có gì thì nó sẽ vẫn ở đó thôi. Tôi không suy nghĩ nhiều về đề tài sau cái chết bởi tôi thấy chúng ta chỉ được trao cơ hội duy nhất để sống trong thế giới này, và chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với cuộc sống mà chúng ta đang có”.
Nhà biên kịch Morgan, người được 2 lần đề cử Oscar cho kịch bản phim The Queen và Frost/Nixon, viết Hereafter 4 năm trước sau khi một người bạn của ông đột ngột qua đời vì tai nạn trượt tuyết. Morgan nói: “Ông ấy qua đời quá đột ngột và khủng khiếp. Linh hồn của ông ấy vẫn lẩn khuất quanh chúng tôi. Tất cả bạn bè của ông ấy đều nghĩ ‘Ông ấy đã đi đâu?’”.
Trên thực tế kịch bản này đã tìm được đường đến với đạo diễn Steven Spielberg trước tiên, tuy nhiên Spielberg đã trao lại kịch bản này cho Eastwood. Eastwood nói: “Tôi thích cách trình bày của kịch bản này. Nó có những chiều và song đề tuyệt vời, và tôi thích thực tế là có đến 3 câu chuyện đứng độc lập nhưng lại được kết nối với nhau trong cùng một thời gian”.
Như thường lệ, Eastwood đã thực hiện bộ phim với một tốc độ đáng kinh ngạc. Với vốn liếng hơn 30 bộ phim trên cương vị đạo diễn, ông có thừa kinh nghiệm làm phim một cách kinh tế nhất. Ông giảm thiểu tối đa quá trình tập dượt để có được cảm giác thật hơn trong diễn xuất, và hiếm khi nào ông thực hiện một cảnh phim nhiều hơn một đúp quay. Ông tiết lộ bí quyết của mình: “Tất cả những gì tôi làm trên cương vị đạo diễn đều dựa trên những gì tôi muốn trên cương vị diễn viên”.
Rõ ràng Eastwood đang có một tâm trạng rất tốt. Mặc dù được biết đến như một người kiệm lời thời trai trẻ, thế nhưng hiện giờ ông lại có thể nói say sưa và thoải mái về bản thân, về tác phẩm và gia đình của mình, thể hiện một khiếu hài hước tinh tế và một trí thông minh sắc sảo. Ông đã trở thành một thứ gì đó tương tự như một thứ tài sản quốc gia ở Mỹ, nơi ông xuất hiện trong những bộ phim đầu tiên gần 60 năm về trước và giành tới 4 giải Oscar, và ở cái tuổi mà tất cả đạo diễn đều đã nghỉ hưu từ lâu, ông vẫn tiếp tục sản xuất ra những bộ phim chất lượng cao và nhiều ý nghĩa.
Sự nghiệp của ông được tô điểm không chỉ bởi tuổi thọ mà còn bởi năng suất và sự đa dạng phi thường. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp đạo diễn, ông đã làm phim về cảnh sát, cao bồi, người tình, người cô độc và thậm chí về cả vượn. Cái bóng của lịch sử nước Mỹ cũng đã bao trùm lên sự nghiệp của ông với những phim về cuộc nội chiến, chiến tranh thế giới, chiến tranh Triều Tiên và cả chiến tranh Việt Nam.
Hiện ông cũng đã bắt tay vào bộ phim mới, một bộ phim chưa được đặt tên nói về cuộc đời của Edgar Hoover, người sáng lập Cục điều tra liên bang FBI. Nam diễn viên Leonardo DiCaprio đã được chọn để đóng vai này.
Đối với Eastwood, nghỉ hưu là một vấn đề chưa được xét tới, ông nói: “Tôi lúc nào cũng thắc mắc tại sao những người như Billy Wilder lại thôi làm phim ở độ tuổi 60 trong khi những người khác như John Huston tiếp tục làm công việc đạo diễn khi ngồi trên xe lăn. Điều đó phụ thuộc vào khả năng của con người vào thời điểm cụ thể đó. Con người có những đỉnh cao tại những thời điểm khác nhau trong đời. Có một đạo diễn người Bồ Đào Nha đến 104 tuổi vẫn còn làm phim”.
Rõ ràng Eastwood đang cạnh tranh với người đạo diễn đó.
Trần Việt (Theo Telegraph)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất