28/09/2014 06:14 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Isabella Tanikumi, một nhà văn nữ gốc Peru, vừa đâm đơn kiện hãng Disney đòi 250 triệu USD, vì cho rằng siêu phẩm hoạt hình Frozen (Nữ hoàng băng giá) của hãng đã ăn cắp nội dung từ tự truyện của mình.
Cụ thể, Tanikumi cho rằng nội dung của Frozen đạo từ 2 cuốn tự truyện Living My Truth (Sống với sự thật) và Yearnings of the Heart (Mong ước từ trái tim tôi). Trong 2 cuốn, Yearnings of the Heart đang được bán trên Amazon còn Living My Truth thì không.
Guardian cho biết hôm 21/9, nữ nhà văn đã nộp đơn lên Tòa án bang New Jersey (Mỹ), nơi bà đang sống, liệt kê 17 chi tiết bà cho rằng Disney đã ăn cắp từ tự truyện của mình để làm nên bộ phim. Đó là những chi tiết kể về trải nghiệm thời thơ ấu bên dãy núi Andes của Peru.
Hàng loạt điểm giống nhau đáng nghi vấn
Theo giới thiệu của Amazon, Yearnings of the Heart là một câu chuyện đời về 2 chị em là Isabella Tanikumi và em gái Laura. Gia đình họ gặp tai họa trong một trận động đất ở Huaraz, Peru, vào năm 1970. “Gần đây tôi mua đĩa phim Frozen để xem cùng con gái và phát hoảng vì những gì hiện ra trên màn ảnh” – Tanikumi viết trong thư gửi kèm đơn kiện.
Vụ kiện khiến giới truyền thông bất ngờ vì lâu nay Frozen vẫn được khẳng định là dựa trên truyện cổ tích kinh điển Bà Chúa Tuyết (The Snow Queen), một tác phẩm của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, ra đời từ năm 1844. Tuy nhiên, theo các liệt kê của Tanikumi trong đơn kiện thì khả năng ăn cắp ý tưởng là có cơ sở.
Cụ thể, cả trong tự truyện của nữ nhà văn lẫn trong Frozen đều có những người chị em thương yêu nhau và một trong 2 người đã làm tổn thương người kia, trước khi trốn tránh cộng đồng vì xấu hổ. Và giống như chị em Elsa – Anna, chị em Isabella – Laura cũng có màu tóc một nâu một vàng. Họ đều biết cưỡi ngựa và đều sống trong một ngôi làng cạnh những dãy núi phủ tuyết quanh năm.
Cặp chị em tình cờ gặp lại nhau sau một tai nạn khủng khiếp, mà trong tự truyện là một vụ động đất, còn trong Frozen là một cơn bão tuyết. Họ cũng mất người thân trong tai họa.
Một chi tiết giống nhau nữa rất đáng chú ý là trong sách, người em gái có 2 chàng trai cầu hôn tên là Hans và Cristoff. Trong Frozen, cô em gái Anna có mối quan hệ lãng mạn với 2 nhân vật nam cũng tên là Hans và Cristoff.
Thêm một chi tiết nữa, bìa đĩa DVD của Frozen là hình ảnh là nhân vật “nữ hoàng băng giá” Elsa đưa 2 bàn tay lên trời và đứng trong khung cảnh ngập tuyết còn bìa cuốn tự truyện cũng có nội dung tương tự.
Frozen thêm gia vị hiện đại vào truyện cổ Andersen
Đến nay, hãng Disney vẫn chưa lên tiếng về vụ việc. Để phủ nhận cáo buộc của Tanikumi, hãng có thể chỉ ra những điểm khác nhau giữa phim và sách. Chẳng hạn, các nhân vật chính trong cuốn tự truyện không phải là những công chúa, người tuyết hay nữ hoàng tuyết có sức mạnh siêu nhiên. Trong khi đó ở Frozen, những yếu tố này đều là trung tâm của câu chuyện.
Mặc dù vậy, nhà sản xuất của Frozen là Peter Del Vecho từng thừa nhận bộ phim không hẳn là một phiên bản chuyển thể từ truyện cổ tích Andersen. Ông này nói với Bleeding Cool hồi năm ngoái: “Bản gốc truyện cổ của Hans Christian Andersen rất u ám và không dễ chuyển thể thành phim.
“ Chúng tôi cố gắng tạo ra đột phá bằng cách đưa phẩm chất của con người vào các nhân vật trong Frozen. Vì thế chúng tôi quyết định biến Nữ hoàng tuyết Elsa và người kể chuyện Anna thành chị em ruột, điều này giúp kết nối các nhân vật, khiến người xem hiểu được câu chuyện của mỗi người và dễ đồng cảm với họ hơn” – Vecho cho biết.
Trong các thông tin trước đây, Disney cho biết họ có 2 lần định chuyển thể truyện Bà Chúa Tuyết thành phim hoạt hình, nhưng đều thất bại vì muốn bám sát tác phẩm gốc.
Vì thế, họ đã đơn giản hóa câu chuyện, giữ nguyên thông điệp gốc về tình cảm con người nhưng cách thể hiện thấm đẫm cảm xúc hơn. Sản phẩm là Frozen thành công vang dội.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất