Việt Nam - Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả

22/07/2025 15:51 GMT+7 | Tin tức 24h

Nằm ở Tây phi, bên bờ Đại Tây Dương, Senegal có vị trí chiến lược, là cửa ngõ vào Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, nơi có dân số trẻ, nhiều tài nguyên, tiềm năng kinh tế lớn. 

Cùng đó, Moaroc ở Bắc Phi, tiếp giáp biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, là quốc gia gần châu Âu nhất, đồng thời là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Mỹ, Liên minh châu Phi.

Do đó, cả hai nước đều là cửa ngõ lý tưởng để hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Tây Phi, Bắc Phi, EU cũng như tiếp cận thị trường toàn lục địa châu Phi.

Việt Nam-Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả - Ảnh 1.

Lễ tiễn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vì vậy, chuyến thăm chính thức Senegal và Maroc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam với Senegal, Maroc nói riêng và khu vực châu Phi nói chung.

Thị trường tiềm năng

Đánh giá từ các chuyên gia thương mại, Senegal là cửa ngõ thương mại quan trọng tại khu vực Tây Phi, với cảng biển Dakar giữ vai trò trung chuyển hàng hóa chủ lực cho các quốc gia không giáp biển trong tiểu vùng. Hơn nữa, nhờ việc đưa vào khai thác các mỏ dầu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và cải cách kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng quốc nội (GDP) của Senegal năm 2025 có thể đạt tới 8,4%, mức cao nhất tại châu Phi.

Đáng lưu ý, nền kinh tế Senegal đang phát triển nhanh chóng, sở hữu chính sách thương mại cởi mở và là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi - tổ chức có ảnh hưởng trong cộng đồng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Senegal cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cơ chế hội nhập đang mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn lục địa châu Phi với hơn 1 tỷ dân.

Bởi thế, Senegal có thể đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể là điểm trung chuyển và bàn đạp quan trọng giúp Senegal tiếp cận thị trường ASEAN, từ đó mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù Việt Nam và Senegal có nhiều tiềm năng và thế mạnh để thúc đẩy hợp tác, song trên thực tế, trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 81,16 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 43,91 triệu USD chủ yếu là hạt tiêu, hàng dệt may, rau quả và nhập khẩu 37,25 triệu USD chủ yếu là hạt điều, thức ăn gia súc.

Riêng 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đã đạt 43,43 triệu USD, gần bằng cả năm 2024 (43,91 triệu USD). Các mặt hàng chủ lực bao gồm: gạo (25,67 triệu USD), hạt tiêu (6,8 triệu USD), rau quả (1,7 triệu USD), cùng các sản phẩm khác như bánh kẹo, linh kiện ô tô - xe máy, thủy sản…

Việt Nam-Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả - Ảnh 2.

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal. Ảnh: TTXVN phát

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết: Senegal là nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba tại châu Phi, sau Nigeria và Côte d'Ivoire. Nhu cầu nhập khẩu hàng năm dao động từ 800.000 đến 1 triệu tấn, với hơn 90% là gạo 100% tấm. Gạo thơm Việt Nam đã xuất hiện rộng rãi tại các siêu thị Senegal, đóng gói trong bao bì 5kg và 25kg, với giá trung bình khoảng 1,3 USD/kg.

Ngoài gạo, các doanh nghiệp Senegal còn quan tâm mạnh mẽ đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: gia vị, cà phê, trà, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, bao bì, thiết bị học tập... Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại Senegal đang tìm kiếm nguồn cung các sản phẩm khô như bánh tráng, bún, phở, nước mắm… nhằm phục vụ hệ thống nhà hàng châu Á đang phát triển tại nước này.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Senegal mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng chủ lực như hạt điều thô, bông, hải sản, bột cá phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...

Ông Hoàng Đức Nhuận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế như Vietnam Expo, Vietnam International Sourcing Expo, Vietnam Food Expo tại Việt Nam hoặc Hội chợ Quốc tế Dakar tại Senegal. Đặc biệt, hai bên cần đẩy mạnh phối hợp trong việc chia sẻ thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xác minh năng lực đối tác và tư vấn xử lý tranh chấp thương mại khi cần thiết, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Senegal phát triển bền vững.

Ông Mbaye Chimère Ndiaye - Tổng Thư ký Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Nông nghiệp Thủ đô Dakar cho rằng: Hai nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư. Việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Senegal cũng như tổ chức xúc tiến thương mại, hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và khai thác tiềm năng của cả hai bên.

Việt Nam-Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Mbaye Chimère Ndiaye - Tổng Thư ký Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Nông nghiệp Thủ đô Dakar. Ảnh: challengeseconomiques.com

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mong muốn mở rộng hợp tác với đối tác có tiềm lực và thị trường ổn định và Senegal được đánh giá là điểm đến tiềm năng tại khu vực Tây Phi. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết đang tìm kiếm đối tác nhập khẩu gạo và các mặt hàng nông sản tại Senegal. Hiện tại, Hapro đang sở hữu nhà máy xay xát gạo đạt chuẩn quốc tế tại Đồng Tháp với năng lực chế biến lớn và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Sản phẩm của Hapro đã có mặt tại hơn 70 thị trường trên toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng sang thị trường châu Phi.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Chè Việt Nam mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với doanh nghiệp bản địa trong lĩnh vực xuất khẩu chè đen và chè xanh, đây là những mặt hàng có thế mạnh và truyền thống của Việt Nam. Cùng đó, Công ty Nông sản Ngôi sao Phương Nam – một doanh nghiệp khởi nghiệp với dòng sản phẩm rau, quả sấy khô hữu cơ như bột rau má, bột tía tô đang nỗ lực tiếp cận các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ tại Senegal. Đây là minh chứng cho thấy không chỉ ông lớn xuất khẩu mà cả doanh nghiệp nhỏ, sáng tạo cũng nhìn thấy tiềm năng tại thị trường châu Phi.

Khai thác thế mạnh

Trong khi đó, nằm ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Maroc ghi nhận nhiều tiến triển đáng kể. Với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ USD, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường quốc tế. Maroc nhờ kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực chứng nhận Halal sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có chứng nhận Halal, đặc biệt hướng tới quốc gia Hồi giáo ở châu Phi và Trung Đông cũng như quốc gia châu Âu có cộng đồng Hồi giáo lớn.

Việt Nam-Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả - Ảnh 4.

Maroc nằm ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Ảnh: Internet

Hơn nữa, thông qua việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Maroc, các bên có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh. Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng hành của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp các bên, Việt Nam và Maroc có thể trở thành những cầu nối kinh tế và hợp tác hiệu quả không chỉ trên bình diện song phương mà còn ở cấp độ tiểu khu vực và khu vực.

Thống kê cho thấy: Năm 2024, tổng trao đổi thương mại hai chiều ước khoảng 300 triệu USD, tăng 19%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 275 triệu USD và nhập khẩu khoảng 25 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Maroc các mặt hàng chủ lực bao gồm điện thoại di động và linh kiện, hạt điều, cà phê, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may… Tuy nhiên, chủng loại hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Maroc nhìn chung còn đơn điệu, giá trị không lớn, bao gồm nguyên phụ liệu dệt may và da giày, sản phẩm hóa chất cùng một số hàng hóa khác.

Tại Kỳ họp lần 2 Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp Việt Nam – Maroc tổ chức tại Rabat, Maroc, ông Omar Hejira, Quốc vụ khanh Bộ Công Thương Maroc ghi nhận sự tăng trưởng về trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua và cho biết phía Maroc coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Cùng đó, đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, trên cơ sở cùng có lợi.

Việt Nam-Senegal, Maroc: Mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng và hiệu quả - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng. Ảnh: moit.gov.vn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Kỳ họp lần hai là dịp để hai bên cùng phối hợp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội hợp tác phát triển trong tình hình mới. Cụ thể, cơ hội gia tăng kim ngạch hai chiều lên 500 triệu USD vào năm 2026; cụ thể hóa hợp tác công nghiệp thông qua các dự án tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh như hóa chất, phân bón, nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày... Ngoài ra, hai bên cần thúc đẩy hợp tác về sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ Halal; tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ bên thứ ba trong khuôn khổ đa phương mà Việt Nam và Maroc là thành viên.

Để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai bên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề xuất tiếp tục khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau. Cùng đó, đổi mới hình thức trao đổi thông tin về thị trường, ngành hàng, quy định xuất nhập khẩu thông qua giới thiệu trang thông tin trực tuyến để tiện tra cứu và chủ động cập nhật; tăng cường giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư tại mỗi nước, hoan nghênh doanh nghiệp Maroc tham dự sự kiện tổ chức thường niên tại Việt Nam.

Mặt khác, hai bên cần thúc đẩy hợp tác về logistics, ngân hàng để đẩy mạnh xuất nhập khẩu; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên doanh; khai thác cơ hội hợp tác sản xuất, xuất khẩu sang nước thứ ba, là thị trường mà mỗi bên có lợi thế tiếp cận theo FTA mà mỗi bên là thành viên.

Uyên Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm