21/01/2017 14:05 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Rạng sáng 21/1 theo giờ Việt Nam, Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 (WEF 2017) đã bế mạc tại Davos, Thụy Sỹ sau bốn ngày làm việc với hàng trăm phiên thảo luận.
Ông Trump trước đó đã cam kết thảo luận lại các thỏa thuận thương mại tự do và thậm chí là đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điều được hội nghị quan tâm là liệu ông Trump có đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa hay không. Điểm mấu chốt là ông sẽ thực thi những chính sách nào và liệu các nước khác có dựng lên các rào cản lớn hơn đối với thương mại hay không.
Tại hội nghị năm nay, thông điệp mà các nước đang phát triển muốn chuyển đến ông D.Trump là toàn cầu hóa mang lại nhiều lợi ích cho các nước.
Những nước này lo ngại việc quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ sẽ xóa bỏ thành tựu tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên nhờ vào thương mại, điều đã giúp cho hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Những lợi ích của toàn cầu hóa được kể đến là lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp thấp, những điều mà người Mỹ cũng được hưởng.
Bộ trưởng các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại hội nghị đã kêu gọi các nước tiếp tục hướng tới mục tiêu thương mại tự do và tăng trưởng toàn diện, cũng như bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ.
Chủ tịch G20, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, cho rằng G20 nên tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện như một phần của thương mại tự do.
Theo ông, tăng trưởng toàn diện tạo cơ hội cho mọi tầng lớp người dân, cũng như chia đều lợi ích từ sự thịnh vượng chung. Bộ trưởng Schauble cho rằng, để các nền kinh tế có thể ổn định sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), thì hướng đi duy nhất là đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử nhờ cam kết về chính sách chống nhập cư và chủ nghĩa bảo hộ, ông Trump đã không ít lần gây ra những xáo trộn trên các thị trường tài chính của các quốc gia đang phát triển khi dọa sẽ hủy bỏ các hiệp định thương mại tự do và đánh thuế cao đối với một số hàng hóa nhập khẩu.
Tham dự hội nghị lần đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc giữ vững cam kết thúc đẩy thương mại tự do và đầu tư thông qua sự mở cửa nền kinh tế và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời cho rằng không nước nào có lợi trong một cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức tỏ ý hoài nghi về khả năng phương Tây sẽ để Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong việc bảo vệ tự do thương mại.
Theo n gười sáng lập quỹ Bridgewater Associates, Ray Dalio, toàn cầu hóa đang đi đến chỗ cáo chung. Còn Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, Roberto Azevedo cảnh báo: một kết thúc đối với toàn cầu hóa là điều không mong muốn, là một thảm họa khó lường.
Theo số liệu của Liên hợp quốc vừa được công bố, khối lượng thương mại toàn cầu năm ngoái tăng 1,2%, mức tăng thấp nhất trong 30 năm.
Chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trong cộng đồng thương mại thế giới sau khi nước Anh quyết định rời EU cũng như tương lai không chắc chắn về chính quyền mới ở Mỹ.
Trong năm nay, Vương quốc Anh sẽ thảo luận về quan hệ thương mại với các nước còn lại trong EU, khu vực mà nước này có quan hệ thương mại lớn nhất. Trong khi đó, chủ nghĩa dân túy đang ngày càng lớn mạnh ở các nước như Philippines và cũng đang được phô trương ở các nước giàu như Pháp, Hà Lan và Italy.
Lê Minh (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất