Việt Nam vượt mốc 200 triệu liều tiêm vaccine phòng Covid-19

13/03/2022 18:44 GMT+7 | Tin tức 24h

(giaidauscholar.com) - Hôm nay, 13/3/2022, Việt Nam đã vượt mốc 200 triệu liều tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự thành công của Chiến lược vaccine của Việt Nam, góp phần quan trọng để cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Dịch Covid-19 ngày 13/3: Cả nước có 166.968 ca mắc mới; Bắc Giang bổ sung 42.533 F0

Dịch Covid-19 ngày 13/3: Cả nước có 166.968 ca mắc mới; Bắc Giang bổ sung 42.533 F0

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

* 200.179. 247 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm

Theo Bộ Y tế, trong ngày 12/3 có 215.529 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 200.179. 247 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.133.205 (bao gồm cả mũi 1, mũi 2, mũi 3 và mũi bổ sung, mũi nhắc lại); số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.042 liều (bao gồm mũi 1 và mũi 2).

Hơn 2 năm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19. Chiến lược vaccine của Việt Nam tập trung vào các nội dung chính như: đẩy mạnh ngoại giao vaccine; tăng cường nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử...

Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay. Nhờ đó, đến ngày 6/3/2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau từ nhiều nguồn ngân sách nhà nước và nguồn viện trợ, tài trợ.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng ở Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Về việc thực hiện tiêm chủng, ngày 8/3/2021, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đã được tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Tiếp đến, ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 100% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (khoảng 75 triệu người), huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước. Thời điểm này, có những ngày Hà Nội đã thực hiện tiêm hơn 600.000 mũi vaccine phòng COVID-19, có những điểm tiêm chủng diễn ra tới 2, 3 giờ sáng với mục tiêu phủ rộng vaccine nhanh nhất, an toàn nhất đến mọi người dân. Đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Ngày 29/1/2022, cũng là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước bắt đầu Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ. Trong 30 ngày (từ 29/1 đến 28/2), cả nước đã tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc. Đến ngày 13/3/2022, Việt Nam đã vượt mốc 200 triệu liều. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược vaccine của Việt Nam.

Tại buổi Lễ phát động Chiến dịch “Hành trình an toàn,” diễn ra ngày 7/3, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Y tế và WHO phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau-về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở huyện Ninh Phước. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Trước đó, tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (diễn ra ngày 5/3), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, thời gian qua tỷ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp là do chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỷ lệ lên tới 98-99%. Điểm lại công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Đánh giá về tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam, bà Satoko Otsu, đại diện WHO tại Việt Nam đã nhấn mạnh, những thành quả tiêm chủng của Việt Nam là thực sự ấn tượng. Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch đã chứng minh sự hiệu quả của cách tiếp cận toàn dân, toàn hệ thống chính trị, các biện pháp và ý tưởng sáng tạo trong kiểm soát dịch…

* Góp phần quan trọng vào khôi phục và phát triển kinh tế

Với tỷ lệ tiêm chủng cao, dù số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố (so với tháng 1/2022, số ca cộng đồng cả nước tháng 2/2022 tăng 197,9%) nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Đặc biệt, tỷ lệ số ca tử vong/tổng số ca mắc đã giảm 0,8% (còn 0,2%) so với tháng trước (1%).

Thành công trong chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 không chỉ góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch mà còn làm cho cả nước "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả" song song với phát triển kinh tế-xã hội.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tình hình kinh tế-xã hội trong 2 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, chỉ số CPI 2 tháng tăng 1,68%. Thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký 2 tháng tăng 123,8%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta. Trong 2 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường đã tăng 46,2% so với cùng kỳ.

Đối với lĩnh vực du lịch - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 - cũng đã tái khởi động với các chương trình đón khách trong nước và quốc tế linh hoạt, an toàn, bước đầu đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Nếu như năm 2021, toàn ngành du lịch Việt Nam chỉ đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế, thì trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 17,6 triệu lượt. Riêng tháng 2/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ khách du lịch tháng 2/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau một thời gian thử nghiệm mở cửa du lịch ở một số địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã đưa ra kế hoạch mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, với độ phủ vaccine cao, Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch với số ca mắc dù lớn nhưng không có nhiều triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong không cao. Đây là lý do chúng ta có thể mở cửa du lịch.

Ghi nhận những kết quả tích cực trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 (diễn ra ngày 3/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I để tạo đà phục hồi nhanh, bền vững trong cả năm 2022.

Để tiếp tục thích ứng an toàn với dịch bệnh, ngày 12/3/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1195/BYT-DP về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó đẩy mạnh và thần tốc hơn vữa việc triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết Quý I/2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng…

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm