Nguy cơ bão tiếp bão

26/09/2011 09:43 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bão số 4 được dự báo là cơn bão lớn nhất từ đầu mùa đang đổ bộ vào nước ta, chiều 25/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn các biện pháp phòng chống bão, lũ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 25/9, tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng trên 400 km về phía Đông, mạnh cấp 8. Dự báo sáng nay 26/9, bão đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tốc độ 15 km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến chiều ngày 26/9, tâm bão cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 200 km, mạnh thêm một cấp.

Bão số 4 đang đến, lại tiếp cơn bão nối đuôi

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tối ngày 25/9, khu vực Bắc và giữa biển Đông, phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6- 9, giật cấp 10-11. Từ 26/9, ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 9. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa to, nhiều nơi mưa rất to.


Người dân Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh thu hoạch lúa chạy bão

Ông Bùi Minh Tăng cho biết, hiện miền Trung vẫn đang mưa to, khả năng rạng sáng nay 26/9 mưa ở miền Trung giảm do cơn bão hút hết mây, song sau đó mưa to dần. Mưa sẽ dồn dập trong 24 giờ từ trưa 26 tới trưa 27/9, trước khi bão đổ bộ. Sau khi bão vào bờ, mưa sẽ giảm. Lượng mưa dự báo trong khoảng 100-300 mm, một số điểm cục bộ có thể lên tới 500 mm.

Đáng lo ngại hơn, theo ông Bùi Minh Tăng, hiện ngoài khơi Philippines xuất hiện cơn bão tên quốc tế Nesat có cường độ rất mạnh, có thể đạt cấp 13-14 trong những ngày tới. “Hiện chưa có dự báo chính xác về diễn biến sắp tới của cơn bão này, song có khả năng nó sẽ ảnh hưởng tới nước ta”.

Vẫn còn nhiều tàu thuyền chưa liên lạc được

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Bão số 4 quét dọc ven biển miền Trung, vì thế, công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú đang cực kỳ cấp thiết. Hiện vẫn còn 36 tàu cùng hơn 300 lao động kẹt ở vùng biển Hoàng Sa”.


Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tránh bão số 4

Tỉnh Bình Định, đến tối 25/9, đã có 5.115 tàu thuyền với 30.782 lao động đã lên bờ và neo đậu an toàn. 2.882 tàu thuyền với 19.912 lao động đang hoạt động đánh bắt ở vùng ngoài ảnh hưởng của bão số 4, trong đó đã có 421 tàu đã liên lạc được và hiện vẫn còn 2.261 tàu chưa liên lạc được.

Đối với khu vực đất liền, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương trong hôm nay 26/9 phải gặt hết lúa, thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nếu không diện tích lúa đang thu hoạch sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Thời gian cấp bách

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thời gian ứng phó với bão không còn nhiều, chỉ còn đến chiều 26/9. Trước tình huống hai cơn bão xuất hiện song song, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác dự báo phải hết sức chú ý vì sự tương tác sẽ khiến đường đi của bão trở nên phức tạp, khó đoán định. Nhiệm vụ số một lúc này là phải lo cho tàu thuyền trên biển, ngoài 36 tàu ở Hoàng Sa, 92 tàu Trường Sa còn hơn 26.000 tàu thuyền ven bờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định vùng nguy hiểm gió bão mạnh cấp 7-8 từ Nghệ An cho tới Khánh Hòa: “Kinh nghiệm cho thấy ta chống bão tốt nhưng mưa lũ khiến nhiều người thiệt mạng. Cần tăng cường chống lũ, đề phòng tai nạn trong mưa bão”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, cần hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các địa phương tổ chức trực bão 24/24, cập nhật báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Tử Yến - Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm