Phở Việt hớp hồn cầu thủ ngoại ở Viettel World Cup 2016

13/10/2016 06:24 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Không chỉ là món ăn được yêu thích của người Việt Nam, phở còn là món ăn ưa thích của các cầu thủ nước ngoài dự Giải bóng đá Viettel World Cup 2016. Trước khi đến Việt Nam nhiều người trong số họ còn chưa có khái niệm về phở.  

Phục vụ đồ ăn cho một giải đấu quốc tế có sự tham dự của cầu thủ từ 4 lục địa là điều không đơn giản. Với Giải bóng đá Viettel toàn cầu, 10 đội bóng nước ngoài từ các thị trường Haiti, Peru, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Burundi, Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor… mang theo 10 nét văn hóa ẩm thực khác nhau, nhưng có một món đáp ứng được hầu hết thực khách là phở.

Người phụ trách công tác hậu cầu giải đấu Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Có khoảng 135 cầu thủ nước ngoài dự giải, trong đó chúng tôi chuẩn bị khoảng 150-160 bát phở vào mỗi bữa sáng, nhưng cuối buổi hầu như không còn bát nào”.

Anh Sơn lý giải “sức nóng” của món phở là do nhiều cầu thủ nước ngoài từng được nghe đến món quốc hồn, quốc túy của Việt Nam từ trước nên rất muốn thử phở ở trên quê hương của nó. Người này giới thiệu với người kia nên quầy phục vụ phở ở nhà ăn Trung tâm Thể thao Viettel luôn tấp nập.

135 VĐV quốc tế dự giải phong trào ở Việt Nam

135 VĐV quốc tế dự giải phong trào ở Việt Nam

Sau khoảng 3 tháng thi đấu tại vòng loại, đã có 17 đội bóng đến từ 11 quốc gia thuộc 3 châu lục góp mặt tại VCK giải bóng đá toàn cầu của Tập đoàn Viettel mang tên Viettel World Cup 2016.


Để tạo ra sức hấp dẫn của phở, các đầu bếp của trung tâm đã dành nhiều thời gian nghiên cứu gu ẩm thực của các vị khách quốc tế nên đã gia giảm hương liệu.

“Có một số mùi của phở mà nếu nấu đúng theo kiểu Việt Nam sẽ khiến người nước ngoài không dám ăn vì họ sợ. Thế nên, đầu bếp của chúng tôi phải thay đổi công thức, giảm bớt các mùi lạ đối với họ để món ăn hấp dẫn hơn”, anh Sơn bật mí.

Cầu thủ Noe Chicuate của đội Mozambique là tín đồ trung thành của món phở Việt. Anh từng ăn món này trong suốt 5 năm học ở Đại học Nông nghiệp và sau hơn 1 năm gián đoạn vì về nước làm cho Movitel đã lập tức tìm đến phở để giải tỏa cơn thèm.

“Với tôi, phở lúc nào cũng là món số 1 và không có số 2 trong danh sách ẩm thực Việt Nam. Vị của phở rất thơm, bánh phở quyện vào nước dùng, ngọt vị xương cộng thêm các gia vị, rau mùi biến nó trở thành món ăn hoàn hảo”, Noe nói như một chuyên gia ẩm thực bằng giọng tiếng Việt rõ ràng.

Sau đó, Noe giới thiệu phở với các đồng đội đến từ Mozambique và ai cũng gật gù thưởng thức. Nhiều người tranh thủ ăn liền 2 bát vì khó có cơ hội ăn phở khi phải về Mozambique sau giải đấu.


Cầu thủ Noe Chicuate của đội Mozambique là tín đồ trung thành của món phở Việt. Ảnh: Nam Long

Không chỉ các vị khách châu Phi, những thành viên gia đình Viettel đến từ châu Á, Trung Mỹ hay Nam Mỹ cũng đều hưởng ứng nhiệt tình món này. Phó Giám đốc công ty Bitel tại Peru, ông Raul Galdo, lần đầu đến Việt Nam và cũng chưa từng ăn phở trước đó.

“Trước khi “cập bến” Bitel, tôi từng được nghe đến lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam hay những thành tựu kinh tế trong quá trình hội nhập. Chỉ khi có mặt ở Việt Nam, tôi mới được cảm nhận đầy đủ những nét văn hóa độc đáo của các bạn, trong đó có văn hóa ẩm thực phong phú”, ông Raul Galdo chia sẻ.

Ông Raul cho biết các thành viên trong đội Bitel rất thích ăn các món chế biến từ thịt gà, lợn… của đội ngũ đầu bếp. Đến khi thử dùng “món canh có sợi màu trắng cùng vài lát thịt bò” thì tất cả đều thay đổi. “Họ rất thích món canh đó mà không biết tên là gì”, người đứng đầu đội bóng Bitel vui vẻ cho biết.

Khoảng cách địa lý xa xôi giữa Việt Nam và một quốc gia Nam Mỹ như Peru khiến cho việc giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia rất ít. Thế nên, khi tìm hiểu và biết đó là món phở, một ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam, ông Raul cùng các đồng nghiệp đều dùng nhiều lần và sẽ giới thiệu với những người đồng hương khi về nước.

Với những người làm hậu cần như anh Nguyễn Trường Sơn, việc thực khách dùng hết món ăn chính là lời khen lớn nhất. “Chúng tôi chuẩn bị rất nhiều món theo đặc trưng từng nước nhưng không ngờ, những món thuần Việt lại thành công nhất. Đến ngay cả nước mắm, vốn bị coi là có mùi khiến người nước ngoài sợ, cũng được sử dụng nhiều đến không ngờ”.

Nguyễn Hòa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm