24/10/2019 07:30 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Truyện tranh nói chung có tốt cho trẻ không? Đó là cuộc tranh cãi kéo dài trong rất nhiều năm qua, giữa các fan của thể loại này và… một số bậc phụ huynh khó tính. Tất nhiên, cuộc tranh luận ấy không bao giờ có thể đi tới một kết luận cuối cùng, khi nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau - trong đó có cả những khác biệt về thế hệ.
Thế nhưng, chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi khác: Điều gì tạo ra sức tác động của truyện tranh tới các độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi?
Tối qua, 23/10, tại TP.HCM, buổi thảo luận “Sống qua lăng kính truyện tranh” đã được tổ chức với diễn giả là Phan Kim Thanh. Cô từng có truyện tranh Chuyện tào lao của Vàng Vàng, được xuất bản nhiều lần, với các câu chuyện rất ngắn về văn hóa và thời sự thế giới trong các năm 2014 - 2015 và bộ truyện tranh Afterlife, viết về cuộc sống sau khi chết.
Và từ phân tích về cách nhìn đời sống của một tác giả truyện tranh, cũng như việc lăng kính của người đọc tác động đến người viết truyện tranh, chúng ta gián tiếp hiểu được vì sao truyện tranh có thể tác động trực tiếp và nhanh chóng đến đời sống, cả ở góc độ tích cực và tiêu cực.
Theo đó, sự đơn giản, dễ nắm bắt - vốn là đặc thù của thể loại này - sẽ giúp truyện tranh tác động đến người đọc, đặc biệt trẻ em, một cách mạnh mẽ, nhanh chóng. Và không chỉ có vậy, rất nhiều vấn đề tưởng chừng phức tạp, sâu sắc, lại được truyền đạt qua truyện tranh một cách đơn giản, ngắn gọn - như Phan Kim Thanh từng làm.
Và chính từ sức mạnh ấy, chuyện nhiều độc giả “sống qua lăng kính truyện tranh” là có thật.
Có hai hiện tượng phổ biến, đầu tiên là những người “nhập thế”, theo nghĩa vào vai các nhân vật truyện tranh đến mức ăn mặc, hành xử giống như truyện tranh ở ngay ngoài đời. Còn nhớ cuối năm 2014 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), hàng ngàn bạn trẻ đã phục trang y như nhiều nhân vật để tham dự một sự kiện truyện tranh, số lượng này nhiều đến mức mà ban tổ chức cũng không ngờ tới.
Hiện tượng thứ hai là tình trạng “ẩn sĩ”, mà tiếng Nhật gọi là “hikikomori”, nhằm để chỉ những người cuồng truyện tranh đến mức tự cô lập mình trong phòng ngủ từ vài tháng đến vài năm, có nhiều trường hợp kéo dài vài chục năm. Theo một số liệu công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2015 thì có khoảng 1% dân số Nhật sống theo kiểu hikikomori hoặc ở những trạng thái tương tự, đa số là nam giới và đã tốt nghiệp đại học. Tình trạng ẩn sĩ hikikomori này ở Việt Nam chưa phải là phổ biến, nhưng cũng đang nhiều lên gần đây.
Một lăng kính khác của việc ảnh hưởng truyện tranh là giới trẻ Việt dù nhập thế hoặc ẩn sĩ thì cũng mang nhiều dáng dấp của Nhật Bản, sau này thêm của Mỹ. Lý do rất dễ hiểu, vì đa số truyện tranh phổ biến tại Việt Nam có xuất xứ từ Nhật Bản. Và xét từ khía cạnh giáo dục và định hướng, trong một hội thảo tại TP.HCM, GS-TS Jacqueline Berndt (Đại học Kyoto Seika, Nhật Bản) nói rằng nếu mỗi nước không biết bóc tách từ chính nền văn hóa, lịch sử của nước mình để viết nên truyện tranh, thì việc mô phỏng, ảnh hưởng của nước khác là điều khó tránh khỏi.
***
Muốn hay không, truyện tranh vẫn tồn tại trong đời sống của chúng ta. Và, thay vào việc tranh cãi về những mặt tiêu cực/tích cực của nó, rõ ràng điều quan trọng nhất là sự chủ động sáng tạo, dựa trên những ưu thế của truyện tranh để cho ra những sản phẩm tốt, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Và chắc chắn, sự tìm tòi, phát triển truyện tranh không chỉ là công việc riêng của giới họa sĩ, mà còn cần những nghiên cứu rộng rãi, đa diện hơn, thậm chí coi đó là một loại hình văn học thật sự bình đẳng so với các thể loại khác. Có như vậy mới mong truyện tranh Việt Nam thực sự có con đường phát triển riêng, tạo ra được lăng kính riêng.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất