(giaidauscholar.com) – Maya Angelou, nữ thi sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Phi, đã qua đời ở tuổi 86. Bà ra đi lặng lẽ tại nhà riêng ở Winston-Salem, North Carolina (Mỹ) ngày 28/5 (giờ địa phương).
Maya Angelou có một sự nghiệp rất đa dạng và đáng nể. Bà là một nhà thơ, nhà viết kịch, giáo sư, diễn viên, ca sĩ, vũ công và nhà hoạt động dân quyền, chống phân biệt chủng tộc. giaidauscholar.com xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Elizabeth Alexander trên tờ New York Times.
“Bị xâm hại từ khi chỉ là một cô bé, Maya đã không hề nói ra trong 5 năm sau đó. Và Maya nhận ra rằng lời nói có một sức mạnh đặc biệt khi bản thân biết lên tiếng để tự bảo vệ chính mình”. Đó là những lời nhà thơ Elizabeth Alexander viết về thi sĩ hàng đầu nước Mỹ Maya Angelou.
Maya Angelou (sinh ngày 4/4/1928 - mất ngày 28/5/2014) là một nhà thơ, người viết hồi ký, một diễn viên người Mỹ đa tài từng nhận được hàng chục giải thưởng và 30 bằng tiến sĩ danh dự. Maya được biết đến nhiều nhất với loạt bài gồm 7 tự truyện, trong đó tập trung vào thời thơ ấu của bản thân và trải nghiệm đầu trưởng thành.
“Bằng những từ ngữ đanh thép, Maya không chỉ đem đến cho độc giả sự hình dung về đời mình mà còn mang lại những hình ảnh của lịch sử các phong trào đấu tranh trong xã hội đen tối nửa sau thế kỷ 20 của bà, một phụ nữ dũng cảm và hàng triệu phụ nữ dũng cảm khác”, Elizabeth viết trên New York Times.
Thi sĩ hàng đầu nước Mỹ đã mãi mãi ra đi ở tuổi 86.
Sự thành công của hồi ký Maya không những mở ra con đường cho sự bùng nổ bằng văn chương của người phụ nữ da màu nước Mỹ mà còn đem lại sự thành công trong những tác phẩm của các cây bút khác như Toni Morrison, Alice Walker, Ntozake Shange, Gloria Naylor hay Toni Cade Bambara...
“Viết về cuộc sống làm mẹ đơn thân, tình yêu sâu sắc dành cho anh trai Bailey, sự tôn trọng dành cho người mẹ yêu dấu, về những nỗ lực không ngừng nghỉ làm thay đổi xã hội và cả cơn ác mộng của vụ ám sát hay những thất bại của chính bản thân mình, bằng giọng văn cá nhân súc tích, hào sảng, có phần chịu ảnh hưởng của Shakespeare và Dunbar, Maya đã đem lại cái nhìn đầy chân thực về những cuộc đấu tranh quyết liệt của một phụ nữ người Mỹ gốc Phi”, nhà thơ Elizabeth cảm kích.
Trong mắt nhà thơ Elizabeth và thế giới, Maya Angelou là một nhà hoạt động theo chủ nghĩa quốc tế và “một phụ nữ da đen đến từ một nơi bé nhỏ”. Thơ của Maya, bằng chất nhạc và tính truyền thống đã kể lại những câu chuyện trong góc tối xã hội thế kỷ 20 một cách liền mạch và không bị đứt quãng.
“Áng thơ của Maya được đọc và cảm theo cách cảm cổ điển trong nhà thờ, trường học màu đen hay xung quanh bàn bếp. Và Maya sáng tác thơ để cất lên như những bài hát”.
Tổng thống Barack Obama trao huân chương công dân danh dự hạng nhất của Mỹ và ôm hôn tỏ lòng tôn vinh bà Maya Angelou tại Nhà Trắng (Washington, Mỹ) vào ngày 15/2/2011 - Ảnh: Reuters
Elizabeth chia sẻ, bà chưa bao giờ được gặp Maya Angelou. Năm 2008, khi vinh hạnh được chọn là người đọc thơ khai mạc lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà được Maya gọi điện thoại và trò chuyện lần đầu tiên. Đó là lần Elizabeth thấy được “sự nhìn nhận về lịch sử và cộng đồng Maya thể hiện trong từng lời nói”.
“Trước khi Maya giới thiệu tên thì tôi đã nhận ra giọng bà, một giọng nói rạng rỡ nhưng cẩn trọng, khúc chiết. Với tôi, dù bà không phải là một người có giọng nói tuyệt vời nhưng nó nhịp độ, mang màu sắc của sự lôi cuốn và ấm áp như khi hát ru”.
“Khi được bà gọi là ‘con’, cảm giác như Maya kéo tôi lại gần mình bằng giọng nói ấy. Trong lúc việc sáng tác bài thơ khai mạc lễ nhậm chức của Tổng thống còn đang ngổn ngang, tôi thực sự rất rối trí. Và chúng tôi đã nói chuyện khá lâu. Tôi không nhớ rõ những gì Maya đã nói, tôi chỉ nhớ giọng điệu của bà, bà khiến tôi yên tâm và tin rằng tôi có thể làm được. Maya nói, thơ ca gần với con người cũng như những bài hát, nó cũng giống như việc hát ca khúc của mình theo cách của mình, tự nhiên như hơi thở, như những gì Maya đã làm để đấu tranh giành lại tiếng nói”.
“Khi tôi hỏi Maya có đến Washington tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống không, bà đã cười và nói: Ồ, không, con thân yêu. Ta đã từng làm điều đó rồi. Ta sẽ bật tivi, mở một chai rượu vang và thưởng thức món súp ta đã chuẩn bị và cười, và khóc, và hát!”.
Elizabeth nhớ lại, trong cuộc trò chuyện, Maya đã nói rất nhiều lần câu “Ta đã từng làm điều đó”, đó dường như là cách nhìn nhận ‘cuộc sống là phải có kinh nghiệm, chúng ta phải bước ra ngoài thực hiện những dự định mới và không bao giờ bị mắc kẹt trong quá khứ’. Thi sĩ người Mỹ cũng phân tích, những câu "Tôi sẽ" được lặp lại nhiều lần của Maya giống như hình thức tinh tế của đặc trưng trong văn xuôi cũng như thơ ca của bà”.