Vĩnh biệt nhà văn Lê Minh: Con gái theo nghề cha Nguyễn Công Hoan

17/06/2021 07:59 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nghe tin nhà văn Lê Minh – con gái út của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 1957-1958) - đã vĩnh biệt dương thế vào hồi 17h15 ngày 11/6, hưởng thọ 94 tuổi, tôi đã chia sẻ trên trang Facebook của mình và nhận được bao lời chia sẻ của các văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

Trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020

Trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020.

1. NSND Đặng Nhật Minh gửi lời chia buồn “Nam mô a di đà Phật! Cầu xin chị yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng bên cụ thân sinh - nhà văn Nguyễn Công Hoan”. Còn trong ký ức của nhà văn Lê Phương Liên, “Chị Lê Minh luôn là người chị lớn, không hẳn vì chị là con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một nhà văn lớn của đất nước, mà hơn thế, là hình ảnh đại diện của một thế hệ phụ nữ Việt Nam thanh lịch, trí tuệ, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến tuổi trẻ cho cách mạng. Vĩnh biệt nhà văn Lê Minh, một nhà văn nữ rất tâm huyết với văn học Việt Nam, trong đó có văn học thiếu nhi…”.

Nhà văn Lê Minh tên khai sinh là Nguyễn Thị Tài Hồng, sinh ngày 29/10/1928 trong gia đình có truyền thống yêu nước. Bút danh Lê Minh là tên bí danh thời kỳ hoạt động cách mạng của bà.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Minh

Bà kể: “Cha tôi sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trước khi là một nhà văn, cha tôi đã là một nhà giáo yêu nước. Năm 1926, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ông dạy học ở Hải Dương, Lào Cai, Nam Định. Năm 1939, tôi biết cha bị bắt giữa giờ dạy học về tội tàng trữ tài liệu của Đệ tam quốc tế, tuyên truyền cộng sản. Năm 1940, nửa đêm, mật thám tây, ta lại xô vào nhà lục soát đồ dùng, sách vở tung tóe, nhà cửa tan hoang. Chú Bông và anh Khoái tôi bị chúng xích tay cướp đi mất. Anh Nguyễn Tài Khoái bị tra tấn ba tháng ở Sở mật thám Nam Định rồi mới được tha, đến năm 1942 lại bị bắt ngay trong giờ học và bị kết án một năm tù…”.

Là cô con gái duy nhất trong ba anh em theo nghề văn của cha, được gần gũi với cha nhất, được cha yêu thương, cưng nựng gọi yêu là Bống, ngoài ảnh hưởng từ truyền thống yêu nước cách mạng từ cha và gia đình, nhà văn Lê Minh không bị trùm lấp cái bóng quá lớn của cha. Bằng tâm tuệ, cá tính sáng tạo, vượt lên chính mình, khẳng định bản thân tạo nên một con đường văn chương riêng, bà đã tập trung ngòi bút của hướng về nhiều đề tài: chiến tranh cách mạng, giai cấp công nhân, phụ nữ gia đình, thiếu nhi…

Ngày 27/8/2012, tôi đã dự hội thảo “Nhà văn Lê Minh với đề tài về cách mạng, kháng chiến và giai cấp công nhân” tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá toàn bộ những đóng góp của bà cho nền văn học nước nhà. Một điều được khẳng định, bà là nhà văn nữ bền bỉ và năng động với hơn 50 đầu sách văn học và nghiên cứu khoa học về đề tài phụ nữ và gia đình. Sự nghiệp sáng tác của bà phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tạp văn, nghiên cứu.

Là nhà văn nữ năng động, quả cảm, bà dũng cảm đi thực tế, đi vào đề tài công nghiệp bằng bản lĩnh nhà văn. Tiểu thuyết Tiếng gió hoàn thành năm 1969 nhưng đến năm 1976 mới xuất bản (NXB Lao Động). Tác phẩm viết về công nhân lò cao – khu Gang Thép Thái Nguyên trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Mang cảm hứng sử thi như văn học thời kỳ đó, nhưng cách viết của bà đầy cảm xúc, lãng mạn vượt lên những tiếng gào rú hung hãn của máy bay, tiếng nổ, đạn rốc-két, vượt lên cái chết, vượt lên sự tàn phá là người công nhân, kỹ sư bảo vệ lò cao bất chấp bom đạn giặc: “Gió lò cao đưa về, tiếng trầm tiếng bổng, có lúc dội mạnh như những đợt sóng. Tiếng gió thân thuộc ấy đương nói gì với anh? Nó hỏi anh đã lúc nào quên nó? Không, chỉ có điều anh nghe quen quá, nên có lúc tưởng như không có nó bên mình”.

Viết tiểu thuyết Hòn đảo một mình (NXB Lao Động, 1984) bà đã dự báo những vấn đề của gia đình Việt Nam trước những khủng hoảng. Mang vỏ bọc bên ngoài hai chữ hạnh phúc mà bên trong là giông gió, mâu thuẫn, là tan tác, chia lìa. Bà đặt hai nhân vật là vợ chồng trước một cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Người vợ tìm cách cứu vớt gia đình khỏi sự lìa tan; cứu chồng ra khỏi vực thẳm của toan tính, mưu mô, tham vọng, tận dụng mọi cơ hội tiến thân. Nhưng cuối cùng, người vợ chua xót thốt lên: “Anh là một hòn đảo, hòn đảo một mình!”. Như vậy, ngoài lìa tan đời sống gia đình, bà còn nêu bật một thông điệp quan trọng là lìa tan trong đời sống xã hội, lìa tan trong sản xuất, kinh doanh…

Nội dung của tiểu thuyết Hòn đảo một mình vẫn luôn có tính thời sự cho đến hôm nay và qua đó ta thêm trân trọng tính dự báo và tâm huyết nhà văn trên từng trang viết.

Chú thích ảnh
“Khúc hát vườn trầu” của Lê Minh

2. Lê Minh được đánh giá là nhà văn thành công với thể loại truyện ký, nhất là về truyện ký các nhân vật anh hùng cách mạng. Tác phẩm Người thợ máy Tôn Đức Thắng, Khúc hát vườn trầu… là một minh chứng cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ký và truyện, không cần sử dụng đến hư cấu văn chương mà vẫn cuốn hút và đầy sức thuyết phục.

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu đánh giá cao khả năng kết hợp của nhà văn Lê Minh: "Viết về một tác phẩm dài hơi về người thật việc thật, nhà văn vẫn giữ nguyên thể loại truyện ký mà không mượn thể loại khác, là một việc làm thật dũng cảm. Nó vừa chứng tỏ sự tự tin của nhà văn, vừa chứng tỏ vốn liếng hiện thực phong phú, dày dặn, đủ giúp nhà văn dùng thể loại này để thể hiện tác phẩm của mình. Với cách nhìn đó, tôi cho rằng Người thợ máy Tôn Đức Thắng và nhà văn Lê Minh là một trường hợp như vậy… Đây là một thành công đáng trân trọng của nhà văn Lê Minh...".

Ngoài văn học công nhân, nhà văn Lê Minh còn dành cho thiếu nhi nhiều tác phẩm văn chương trong sáng, hồn nhiên, đưa tâm hồn thơ trẻ vào thế giới của cái đẹp, cái thiện, như: Con mèo rét, Ô cửa sổ, Ngôi sao đỏ, Đốm hoa tím, Lẵng hạt ngọc, Hạt chò chỉ... Trong đó truyện ngắn Con sóng lan xa đã được tuyển chọn vào Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam cho thiếu nhi (NXB Trẻ, 2009); tác phẩm Con mèo rét đã được đưa vào Tủ sách vàng cho nhi đồng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Chú thích ảnh
Hội thảo “Nhà văn Lê Minh với đề tài về cách mạng, kháng chiến và giai cấp công nhân” tại Hội Nhà văn Việt Nam

3. Là người con gái út được gần gũi cha, vào những năm đầu thế kỷ XXI thấy tuổi đã cao, sức khỏe có phần yếu, nhà văn Lê Minh đã nghĩ đến việc sưu tầm, biên soạn những bộ sách cha bà để lại. Sau nhiều năm âm thầm, lặng lẽ làm nhiệm vụ tìm tòi, thu thập, bà tìm được 81 đầu sách, cùng bộ toàn tập (9 tập) tại NXB Văn học và bộ toàn tập (14 tập) tại NXB Thanh niên. Cuốn Nguyễn Công Hoan - Nhà văn chiến sĩ là tài liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng và viết văn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tự truyện Cánh buồm nhỏ được bà hoàn thành năm 2007. Mở đầu cuốn tự truyện Cánh buồm nhỏ, nhà văn Lê Minh viết dòng tâm sự của mình:

Con thuyền mang cánh buồm nhỏ

Có sức vượt mọi thác ghềnh

Gió đưa sóng vỗ

Mặt trời, ánh trăng…

Ta mang ơn tất cả.

"Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…".

Văn phong trong sáng tác của bà đẹp, rất mực tinh tế. Yếu tố địa - văn hóa của các vùng quê như miền quê Kinh Bắc tổ quán, cùng những nơi ghi dấu bà, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã thấm đẫm trong từng trang viết.

Nhà văn tả cây mai trong vườn nhà thơ Tú Mỡ: “Hoa mai trắng bây giờ rất hiếm, và vì thế, nhiều người đã gọi lẫn hoa mận, hoa song mai, với hoa mai. Hoa mai trắng cánh kép, bông to như hoa đào, nhưng thơm, rất thơm. Trong vườn có một cây mai thì chỉ cần đến ngõ đã biết, nó phảng phất như phấn như hương mà không bắt được. Mai hoa không kết quả. Những cánh hoa mai trắng rập rờn bay trước gió rồi đậu xuống bờ cỏ quanh gốc. Cành mai khẳng khiu, dáng cây gầy guộc, nhưng hoa trắng phủ kín cành và những cánh hoa rơi đậu tản dưới gốc. Mùa đông dưới nắng hanh, màu trắng lấp loáng rực rỡ và tinh khiết”.

Với những đóng góp cho nền văn học nước nhà, nhà văn Lê Minh đã đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất Cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1962 với tác phẩm Kỷ niệm về Khu Đông; Giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969 với truyện Nắng; Giải A Giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980-1984) với tiểu thuyết Hòn đảo một mình; Giải A 5 năm Văn học đề tài công nhân (1991-1995) với tiểu thuyết Hồi.

Năm 2017, nhà văn Lê Minh đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Tang lễ nhà văn Lê Minh được tổ chức từ 9h30 ngày 17/6/2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Lê Minh

Năm 14 tuổi (1942) nhà văn Lê Minh đã tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại Thái Bình. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, bà vận động công nhân ở Hà Nội, làm Phó ban Công vận tỉnh Nam Định. Ngày 19/12/1946, bà tham gia chiến đấu tại khu ga Hàng Cỏ; phụ trách tờ báo hàng ngày của Quận VI (Mê Linh Kháng Chiến).

Sau 1954, nhà văn Lê Minh chuyển sang hoạt động văn học với nhiều công việc như: Biên tập văn xuôi các báo Văn học, Văn, Văn Nghệ, Tạp chí Tác phẩm Mới. Uy tín chuyên môn, bà được giao giữ những trọng trách của cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam, như: Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên Hội đồng Văn học công nhân, Trưởng ban Văn hoá – Văn nghệ (Báo Nhân Dân), Giám đốc Quỹ Văn hoá Việt Nam của Bộ Văn hoá (nay là Bộ VH,TT&DL).

Năm 1959, bà trình làng tập truyện ngắn đầu tiên có tựa đề Cu Dũng và sau đó là các tập truyện được xuất bản, đó là: Anh công dân mới (1962), Lớp học (1964), Ngày mai sắp đến (1969), Con mèo rét (1974), Ô cửa sổ (1974), Má (1976), Ngôi sao đỏ (1976), Đốm hoa tím (1980), Lẵng hạt ngọc (1984), Cái tát (1990), Săn đuổi một tia chớp (1993), Nắng (1998), Trăng lên (2004), Tuyển truyện ngắn (2011), Chép được ở ngoài đời (truyện ngắn, 2012).

Xác định truyện ngắn được coi là “viên trinh sát bọc đường” tiếp cận mau lẹ đời sống bằng ưu thế phản ứng nhanh của thể loại, nhưng tiểu thuyết được coi là “máy cái của văn học”, bà tiếp tục dấn thân với thể loại tiểu thuyết, truyện dài ghi nhận bằng các tác phẩm: Chị Tư Già (1966), Cô giáo trường Pa Nù (1969), Người chị – Nguyễn Thị Minh Khai (1976), Tiếng gió (1976), Hạt chò chỉ (1978), Người thợ máy Tôn Đức Thắng (1981-1987), Khúc hát vườn trầu (1982), Rừng đước (1992), Hòn đảo một mình (1984), Hồi (1995).

Tiếp cận đời sống hiện thực, bà viết thể ký và tạp văn. Năm 1965, bà viết Mẻ gang đầu và hơn 30 năm sau trở lại thể loại này với tác phẩm Mà sao đó là cuộc đời mình (1996), Ngọn lửa ấm (2003), Người đàn bà cầm bút (2004), Cánh buồm nhỏ (Tự truyện, 2007).

Không chỉ sáng tác, nhà văn Lê Minh còn chủ biên một số công trình nghiên cứu lý luận phê bình, như: Chân dung văn học (1992), Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực lớn (1993), Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (1995).

Bà còn là tác giả của nghiên cứu vấn đề gia đình, phụ nữ từ góc nhìn văn hóa. Đó là cuốn sách Văn hoá nghệ thuật và phụ nữ Việt Nam (1989), Văn hoá gia đình Việt Nam (1992), Hai mươi năm một chặng đường phát triển của phụ nữ Việt Nam (1996), Gia đình và người phụ nữ (2000), Gia đình của cả hai người (2003).

Ngoài ra, nhà văn Lê Minh còn là tác giả kịch bản điện ảnh: Nhà văn của những người cùng khổ (1994, 1995), Mặt bằng yên tĩnh (1996), Nguyễn Thị Minh Khai (1996).

PTS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm