10/11/2020 07:28 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Dù khá khỏe mạnh, nhưng nhà văn - dịch giả Nguyễn Thành Nhân đã đột ngột qua đời lúc 21h ngày 7/11/2020, hưởng dương 57 tuổi. Anh sinh 1964 tại Sài Gòn. Tang lễ quàn tại tư gia ở 29 Lê Trực (quận Bình Thạnh, TP.HCM), lễ di quan lúc 7h ngày 10/11/2020, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Ngoài tiểu thuyết nổi tiếng Mùa xa nhà và các sáng tác như Lục bình, Nhà văn già và em mọi nhỏ, Vũ điệu buồn của chữ…, Nguyễn Thành Nhân đã dịch hơn 40 đầu sách. Trong các kiệt tác mà Nguyễn Thành Nhân đã dịch của Virginia Woolf (1882-1941), đã xuất bản được 5 cuốn là Orlando, Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng, Ba đồng ghi-nê, Căn phòng của Jacob. Nhiều bản thảo đã dịch xong của Nguyễn Thành Nhân vẫn chưa được xuất bản.
Nguyễn Thành Nhân viết bài thơ đầu tay năm lên 8 hoặc 9 tuổi. Nhưng làm thơ nhiều nhất là quãng thời gian lớp 8, 9, rồi lớp 12, dĩ nhiên phần lớn là thơ tình, viết cho những người tình rất mơ hồ. Mấy năm ở chiến trường K, thi thoảng anh có làm thơ, nhưng không nhiều lắm, vì… không có giấy! Cuốn sổ nhật ký còn giữ lại được một ít trang, những bài tâm đắc nhất mới được chép lại. Đa phần viết trên những chỗ còn trống sau những lá thư của gia đình, bè bạn, rồi sau đó những lá thư này được dùng để vấn thuốc rê hút.
Sinh thời, Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: “Tôi viết những truyện ngắn đầu tiên năm lớp 12. Do nhà trường tổ chức thi bích báo, nhỏ bạn lớp phó phụ trách văn-thể-mỹ biết tài lẻ của tôi nên năn nỉ. Tôi viết cho tờ đó 2 truyện và vài bài thơ, sau đó tờ này được giải nhất. Từ đó, tôi thôi không viết gì thêm, cho tới năm 1992 mới viết lại. Khoảng thời gian này trở đi, thỉnh thoảng tôi viết một truyện ngắn. Truyện nào ưng ý tôi đưa lên các trang mạng văn học. Đến năm 1997, tôi bắt tay vào viết Mùa xa nhà. Thật sự ý tưởng viết lại đời lính tôi đã nung nấu từ trước đó rất lâu, nhưng chưa có thời gian rỗi để viết. Cũng như do một vài truyện ngắn không thể tải hết những điều muốn nói, tôi tập hợp những dữ kiện có thật, xây dựng các nhân vật dựa trên các sự kiện, các trận đánh thật sự diễn ra, viết dưới hình thức tiểu thuyết”.
Nguyễn Thành Nhân quan niệm khá rành mạch giữa thơ và văn xuôi. Anh nói: “Làm thơ, với tôi mang tính chất riêng tư, nên thiên hẳn về hướng lãng mạn, lắm lúc điên khùng, ba trợn ba trạo, vì tôi chỉ viết cho chính mình, cũng chỉ viết được khi có cảm hứng. Tôi làm thơ rất nhanh, có những bài hơn trăm câu chỉ viết liền một mạch. Còn viết văn là viết cho người đọc, nó đòi hỏi một sự tỉnh táo, nghiêm túc hơn, lao động công phu hơn. Nhưng ai nếu hỏi tôi yêu thơ hoặc văn hơn, xin trả lời thật tình tôi không biết. Và nhiều phen tôi đã muốn từ bỏ văn thơ, nhưng đó chỉ là suy nghĩ, ý muốn nhất thời. Thiếu thơ văn, đời tôi có lẽ cũng chẳng còn ý nghĩa gì để sống”.
Thời gian gần đây, Nguyễn Thành Nhân có ước mơ dành dụm được chừng một hai trăm triệu đồng, để có thể ra một đảo nhỏ nào đó, thuê căn phòng nhỏ, hoàn thành tiểu thuyết Mùa về nhà đã ôm ấp trong nhiều năm qua. Nay thì không kịp nữa rồi.
Với Nguyễn Thành Nhân, chiến tranh đã có trong Mùa xa nhà, nhưng đời cựu binh đâu chỉ có chiến trường, mà còn có cả đời thường. Nhiều người ra chiến trường là dũng sĩ, nhưng khi về nhà thì lóng cóng, không hòa nhập được. Đó cũng chính là chủ đề của cuốn Mùa về nhà còn đang dang dở của anh.
Nguyễn Thành Nhân nhập ngũ tháng 3/1984, thuộc trung đội súng 12 li 7, trung đoàn BB4, sư đoàn 5 Mặt trận 479. Anh giải ngũ năm 1987 với cấp bậc thượng sĩ. Giải ngũ, anh thi đậu khoa điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, nhưng do thiếu tiền đóng học phí, phải nghỉ để đi làm thợ hồ, rồi bảo vệ tại sân Thống Nhất. Anh lấy bằng cử nhân luật năm 1994, tự học tiếng Anh. Sau một thời gian ngắn làm việc tại văn phòng Liên đoàn Bóng đá TP.HCM và hành nghề luật, anh nghỉ ở nhà để viết văn, dịch sách.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất