24/09/2020 08:18 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày hôm nay 24/9, nhạc sĩ Phó Đức Phương sẽ vĩnh viễn rời bỏ bạn hữu và nền âm nhạc Việt Nam để đến với cõi thiên thu tại công viên Thiên Đức (Phú Thọ). Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long về Tửu ca - một trong những ca khúc kỳ lạ của ông.
1. Tôi ngạc nhiên khi lần đầu nghe Tửu ca với cái cách trình diễn đến là lạ, mấy nghệ sĩ ngồi trên ghế, dàn hàng ngang, vừa xoay người lắc lư theo điệu nhạc vừa say sưa hát. Tửu ca hình như chẳng theo một lối một nếp nào đã có từ trước đó của nghệ thuật. Nghệ sĩ tham gia phần trình diễn này là những mảnh ghép đơn lẻ đã có cá tính riêng biệt và chừng như chẳng ăn nhập với nhau. Một Thanh Ngoan cá tính, “đanh” mà cũng rất duyên trong những vai tính cách của chèo; một Thanh Thanh Hiền cá tính trong những câu hát mang chất dân gian, có thể “kính thưa các thể loại” cải lương, vọng cổ, dân ca các vùng miền (!); một Mạnh Kha vẫn còn chưa phải cái tên quen với đại chúng; một Phó Đức Phương giọng không thể gọi là ca sĩ mà theo kiểu… thuốc lá đá thuốc lào (!)
Thực ra, những giọng ca ấy có một điểm chung: Đều ẩn chứa cái chất “điên” ở trong bản năng và cái chất này chảy trong dòng máu mỗi người. Cho nên khi mấy cái “điên” gặp nhau trong nhạc của nhạc sĩ họ Phó, lại được “nâng đỡ” bởi một bản hòa âm cũng của một “chất điên” khác nữa là Mạnh Tiến thì nó tạo nên một bản hòa ca lạ, cực lạ. Những mảnh ghép cứ nghĩ là không ăn nhập ấy bỗng quyện lại tạo thành một thứ âm nhạc vừa ồn ào, vừa tách biệt, vừa tào lao, lại vừa nhiều suy tư.
Tất nhiên cái lạ còn được tạo nên bởi chất liệu làm nên bài hát này. Để tạo thành một thứ âm nhạc của người say, ở chất liệu hát nói, đồng dao và nhiều hình thức hát khác nhau trong chèo, trong ca hát dân gian Bắc Bộ được khai thác vào khiến cho câu hát vừa như nói chuyện với đời theo kiểu: Nói cứ nói không có ai nghe cũng chẳng sao, vừa như nói chuyện với chính mình, vừa như bốn giọng hát đang cùng một lúc nói những suy nghĩ của riêng mình!
Cái chất hát nói với giai điệu cứ là là lại dễ tạo nên men say. Nó khiến cho người nghe như chìm trong một cơn say, cơn say của âm nhạc. Giả sử, những giai điệu ấy được cất lên một cách đầy ngẫu hứng trong một cuộc rượu nó sẽ làm cơn say tăng thêm độ say, sẽ biến chén rượu đế thành chén rượu đào, biến cuộc hội ngộ bình thường thành cuộc rượu ở chốn tiên cảnh.
Nhưng xưa nay ai chả biết, cơn say với những tao nhân, mặc khách không đơn giản như những cơn say của người thường. Liệu chăng chỉ “rượu đôi ba li” đã đủ để “uống cạn cái chữ tình” và đủ để “xoay đất trời về thuở bình minh”. Và say đấy nhưng sao lại “gạt đi âu lo những đợi với những chờ” và sao lại thênh thang: “Dong cánh buồm cho thuyền lộng gió”?
Rõ ràng đó không phải một cơn say đơn thuần. Và rõ ràng đó là một Phó Đức Phương ở một thời điểm mà tâm hồn chênh vênh, tâm hồn có những chống chếnh. Ông mượn âm nhạc làm men cho cơn say của lòng mình, để thoát ra khỏi những dồn nén bấy lâu trong tâm hồn .
Những lời tâm sự tiếp theo trong mạch nội dung ca khúc dường như cho thấy rõ hơn điều này: “Còn đợi chờ gì nữa, tỉnh lại thôi/ Men đây môi ấy vơi đầy đầy vơi/ Quên đi quên nữa sẽ tỉnh dần thôi…”. Có lạ không, khi trong cơn say mà lại vẫn hiển hiện những thôi thúc tỉnh lại và cái cách để tỉnh thì Phó Đức Phương đã nói rõ trong ca từ, là phải quên đi. Cũng có lẽ chẳng ngẫu nhiên Phó Đức Phương lại để những câu ca mở đầu Tửu ca thế này: “Thôi trút đi gánh nặng đường xa/ Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/ Đường trần quá hẹp (mà) lắm vực nhiều khe/ Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề”.
2. Tửu ca là một sáng tác ở giai đoạn cuối cuộc đời nhạc sĩ Phó Đức Phương. Như tôi biết, bên cạnh một đời sáng tạo âm nhạc sáng tác nên những ca khúc đẹp cho cuộc đời, nhạc sĩ còn dành tới cả gần hai chục năm cuối đời cho việc “chiến đấu” để đòi quyền lợi về tác quyền âm nhạc cho các nhạc sĩ ở Việt Nam. Thật ra, rong chơi và uống rượu cũng là một thú vui của vị nhạc sĩ. Tôi không phải dân uống rượu nên không có những cơ hội để ngồi cùng một cuộc rượu với ông, nhưng cái thói quen của ông rảnh lại về Kinh Bắc, lại rong ruổi với anh em văn nghệ sĩ ở Bắc Ninh, trong đó có người chú của tôi và là người em họ bên ngoại của nhạc sĩ, thì tôi đã biết từ khi còn rất nhỏ.
Có thể, Tửu ca được sáng tạo ra là khi Phó Đức Phương đã hoặc sẽ quyết định tạm dừng lại một hành trình cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho âm nhạc. Trong hành trình đó, đương nhiên có những thăng hoa, có những gian khó, có cả rượu và hoa. Và khi tâm hồn đã tạm dừng, một phần tâm hồn đã thoát được những vướng víu bụi trần, một phần vẫn còn những suy tư trăn trở để rồi tất cả lại được giãi bày trong Tửu ca.
Nghe nói Tửu ca được trình diễn đầu tiên năm 2014, nó cũng là thời điểm vị nhạc sĩ với tư cách Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đứng lên phê phán mạnh mẽ hiện tượng đạo nhạc một cách tinh vi trong giới nghệ sĩ trẻ.
Với Phó Đức Phương, triết lý âm nhạc của ông là giá trị Việt. Nó cũng là kim chỉ nam soi đường cho mọi sáng tạo của ông. Thông qua tác phẩm, ta có thể thấy quan điểm của ông, chỉ có sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, đề cao yếu tố Việt mới tạo nên những giá trị Việt cho hôm nay và để lại cho mai sau. Biết đâu, những thất vọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ cũng là một trong những nguồn cơn dẫn lối để rồi Tửu ca đến với cuộc đời này.
Xin nhắc tới một chi tiết, Tửu ca còn một tên gọi khác là Về nhà. Liệu, có phải đó cũng là lời nhắn nhủ quay lại với những giá trị Việt của vị nhạc sĩ tài ba này? Tất nhiên, đây chỉ là những suy luận mang tính chủ quan của người viết. Nhưng bất luận nó có lý, có trùng với suy nghĩ của tác giả hay không, Tửu ca vẫn là một ca khúc hay, một góc nhìn lạ, một thế giới nhiều suy tư như muốn giải thoát, như vương bụi trần của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Và nó sẽ còn sống cùng thời gian, trong lòng công chúng yêu vị nhạc sĩ tài ba, yêu những triết lý sống, yêu giá trị Việt.
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất