23/06/2014 13:16 GMT+7 | World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Neymar là một thương hiệu lớn ở Brazil và thậm chí là toàn thế giới, nhưng thương hiệu anh tạo ra cũng đặt lên vai tiền đạo này áp lực lớn chưa từng có. Hôm nay, chúng ta sẽ bàn chủ đề này với chuyên gia tư vấn thương hiệu Nguyễn Đức Sơn, nhạc sĩ Hà Quang Minh và nhà báo Đức Hoàng.
Phạm An: Chào các anh, Neymar dường như cũng đang ở vào tình cảnh tương tự Messi, tức là một siêu sao không may lại rơi vào một đội tuyển chưa thật sự định hình lối chơi?
Hà Quang Minh: Neymar đỡ khổ hơn Messi nhiều. Vì dù gì thì Brazil cũng còn chơi có miếng, có mảng hơn là Argentina. Hơn nữa, hàng thủ Brazil cũng chắc chắn hơn hàng thủ Argentina. Do đó, tuyến trên cũng an tâm hơn nhiều chứ, Phạm An.
Phạm An: Ý tôi là Neymar không chỉ chịu gánh nặng chuyên môn, mà còn là gánh nặng xã hội. Ở Argentina, Messi không hẳn được quan tâm về mặt xã hội, người ta chỉ khó chịu vì cậu ta chưa đóng góp cho Argentina nhiều như đóng góp cho Barcelona mà thôi.
Với Neymar, truyền thông còn cho rằng cậu ta có ý nghĩa quan trọng đối với… kinh tế Brazil.
Neymar với Brazil cũng như Steve Jobs với Apple?
Đức Hoàng: Anh Đức Sơn, tôi muốn hỏi thêm một ý thuộc lĩnh vực của anh, là trong trường hợp như thế nào thì thương hiệu cá nhân gây hại cho thương hiệu của công ty, và trong trường hợp như thế nào thì hai thứ này hòa hợp và nâng đỡ cho nhau (như trong trường hợp của Steve Jobs, Mark Zuckerberg)?
Tôi cảm thấy trong trường hợp của Neymar và nhiều ngôi sao khác, như Ronaldo chẳng hạn, thì có vẻ như có mâu thuẫn giữa personal branding và company branding, không biết tôi nghĩ thế có phải không? Hình như chính việc anh ta quá nổi tạo ra mâu thuẫn nào đó?
Đức Sơn: Hoàng hỏi về một vấn đề rất lớn trong branding: Personal brand (thương hiệu cá nhân) và corporate brand (thương hiệu tập đoàn).
Trong cuốn sách "Xây dựng để trường tồn" Collins chỉ ra rằng các thương hiệu lớn của nước Mỹ trong vòng 100 năm qua đều có một điểm chung rất lớn: Đa số corporate brand "trường tồn" không bị phụ thuộc vào một personal brand nào cả. Cụ thể là Chủ tịch hay Giám đốc điều hành có hết nhiệm kỳ thì không ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và sự phát triển của công ty. Tất nhiên sẽ có khá nhiều trường hợp ngoại lệ.
Quay trở lại câu chuyện trong bóng đá. Ở đây hơi khác một chút. Vai trò của siêu sao (thương hiệu cá nhân) trong bóng đá hầu như là tuyệt đối (cả về góc độ chuyên môn lẫn giá trị thương mại). Điều này thể hiện rất rõ ở World Cup lần này. Tuyển Anh là rõ nhất. Không tìm nổi một biểu tượng (cả về nghĩ đen lẫn nghĩa bóng) để dựa dẫm. Đến nỗi mấy mùa gần đây toàn phải tự động viên dựa vào anh chàng Rooney.
Phạm An: Tôi tò mò thêm một chuyện liên quan đến thương hiệu, anh Đức Sơn. Khi Neymar còn chơi cho Santos thì hình ảnh của cậu ta không chỉ nổi như cồn ở Brazil, mà cũng lừng danh cả ở châu Âu nữa, dù chỉ được mệnh danh là ngôi sao Youtube. Nhưng có rất nhiều ngôi sao Nam Mỹ ở trên Youtube, tại sao lại là Neymar?
Đức Sơn: Neymar được xem là hiện tượng thương hiệu thú vị thứ 2 sau Beckham. Ở cậu ta là hội tụ giữa hai con người: Cầu thủ tài năng và hình ảnh của một ngôi sao giới showbiz.
Không phải ai có tài cũng có hình ảnh này. Hiện nay chỉ có Cristiano Ronaldo có cùng vị thế của Neymar về điểm này. Messi không có được vế thứ hai.
Cái hơn của Neymar so với tiền bối Becks có thể là tài năng nhỉnh hơn (được hầu hết ngôi sao kỳ cựu công nhận, kể cả Pele và Maradona). Nhưng Neymar chưa chắc đã được như Becks về phương diện nổi tiếng ở mức toàn cầu (ở Brazil thì được).
Hà Quang Minh: Mình xin phép trả lời thêm câu hỏi của Phạm An nhé:
1. Nổi hay không, nó là VẬN rồi. Cậu này không chơi bóng đá mà vận của cậu ấy được vượng đường nổi tiếng thì cậu ấy sẽ nổi ở lĩnh vực khác.
2. Neymar là điển hình hình ảnh cool boy thời thượng của thế giới Latin. Văn hóa Latin không phổ biến ở Bắc Mỹ, và vì thế nó cũng không phổ cập được ở thị trường Anh quốc, một thị trường giải trí khá tương đồng và tương thông chặt chẽ. Nhưng văn hóa latin thì lại khá phổ biến ở châu Âu. Và hình ảnh Neymar phổ cập ở châu Âu thông qua cộng đồng latin ở đó cũng không lạ. Nó giống y như sự phổ cập của một hotboy khác, bạn của cậu ta, là Gusttavo Lima.
“Brazil có thất bại cũng ảnh hưởng đến thương hiệu Neymar”
Phạm An: Tôi cũng muốn nhờ các anh đưa ra một phán đoán: Nếu Brazil sụp đổ ở World Cup lần này, liệu thương hiệu ấy có bị quay lưng?
Hà Quang Minh: Không bao giờ. Chắc chắn. Bởi ít ra, cho đến lúc này, Neymar vẫn là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất của Brazil.
Phạm An: À vậy thì tôi thử nói đến điều tệ nhất: Anh ta đưa đội tiến sâu, nhưng lại đá hỏng 1 quả phạt đền vào thời khắc quyết định. Xin lỗi vì suy diễn quá chi tiết, nhưng bi kịch ấy luôn xảy ra thường xuyên trong bóng đá, phải không các anh?
Đức Hoàng: Tôi nghĩ thương hiệu Neymar có được tạo ra từ World Cup đâu mà mất đi bởi World Cup. Chính các anh cũng đã phân tích nó được tạo ra từ một phong cách thời trang và tài năng cá nhân rồi, có cần đến danh hiệu đâu.
Đức Sơn: Hoàng nói đúng: thương hiệu Neymar được tạo trước World Cup nên anh ta sẽ không "mất" vì World Cup tệ hại (nếu điều đó xảy ra). Nhưng những sự kiện như World Cup sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị thương hiệu của Neymar (ít nhất là về mặt chuyên môn). World Cup như cuộc thi sát hạch. Một cậu học sinh được tiếng "học giỏi" cần phải thi đỗ thậm chí thủ khoa thì mới được công nhận trọn vẹn.
Nếu không đỗ, cậu ta vẫn được xem là học sinh giỏi, nhưng thiếu cái chứng chỉ để thiên hạ khỏi quên.
Đức Hoàng: Chúng ta không nhất thiết phải chứng minh, vì đó là chuyện tương lai mà. Tôi ghi nhận phỏng đoán của anh Phạm An: Thương hiệu có thể sụp đổ. Chúng ta sẽ phải chờ đợi để biết điều gì sẽ diễn ra.
Nhưng chúng ta hình như đang lập luận trên một giả thiết khá mơ hồ rằng Brazil đang "gặp vấn đề" và có thể sẽ thất bại tại giải năm nay. Có ai nghĩ rằng họ có khả năng thành công lớn không?
Hà Quang Minh: Tại sao lại là "HÌNH NHƯ" hả Hoàng? Rõ ràng nãy giờ toàn giả thuyết mơ hồ mà???
Phạm An: Chúng ta có thể xoay luôn sang giả thiết mơ hồ đó vậy: Ngay cả khi Brazil vô địch, anh ta liệu có vượt qua được Ronaldo và Beckham không, thưa các anh?
Hà Quang Minh: Sự thành hay bại của một thương hiệu là nỗ lực của cá nhân, của những người xoay quanh anh ta nhưng quan trọng nhất, là phán quyết của số mệnh.
Phạm An: Tôi thấy giả thiết mơ hồ lại vừa được anh Minh giải thích một cách siêu mơ hồ.
Đức Hoàng: Tôi nghĩ giờ phút này Neymar đã hơi bị đẩy theo hướng play-boy với khá nhiều dèm pha về lối sống khi còn ở Brazil rồi. Cái quan trọng nhất làm nên thương hiệu huyền thoại của Becks vẫn là chữ "sạch". Thật khó để người Braizl, hay cụ thể hơn là cầu thủ Brazil sống được theo kiểu của Becks.
Phạm An: Tôi đồng ý với anh Đức Hoàng. Có lẽ bây giờ ngay cả khi Beckham vấp ngã, nhưng không tạo ấn tượng ngược lại với những gì anh ta đã định vị, thì khó có khả năng người ta quay lưng và trút giận dữ, bởi một chữ "sạch" trong thương hiệu của Becks. Với Neymar, chúng ta đành phải chờ vậy.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất