Với thầy thuốc, hãy tri ân và sẻ chia đủ 365 ngày

28/02/2018 07:32 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Hôm qua 27/2 là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Và, chúng ta đã được nghe rất nhiều lời tôn vinh, cũng như những tri ân đầy xúc động được dành cho những người đang làm nghề nghiệp cao quý này. Cao quý, bởi dù ở thời đại nào,  họ mặc định được gắn với một thiên chức vô cùng quan trọng: cứu người.

Thế nhưng, bên cạnh 2 chữ "cao quý" ấy, có một thực tế khác: những bác sĩ của chúng ta đang làm một nghề nguy hiểm – khi những vụ hành hung bác sĩ đang ngày một gia tăng tại các bệnh viện và trung tâm y tế.

Đơn cử, đúng một tuần trước ngày 27/2 năm nay, người nhà của một sản phụ tại Yên Bái đã hành hung dã man hai bác sĩ thực hiện ca mổ đẻ cho vợ mình, dù ca mổ hoàn toàn thành công.

Và lý do việc hành hung ấy cũng khiến người ta không thể tin nổi: Người nhà sản phụ được yêu cầu không trèo lên cửa sổ và ghi hình lại cảnh mổ đẻ cho bệnh nhân.

Rồi gần hơn, đêm ngày 25/2 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình), sau khi đưa người vào cấp cứu, một nhóm côn đồ đã đập phá bệnh viện và đuổi đánh các bác sĩ đang thực hiện ca trực, khiến họ phải bỏ chạy.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch nơi xảy ra vụ việc trên. Ảnh: Internet

Hai vụ việc gần nhất ấy chỉ là điển hình của hàng trăm vụ hành hung bác sĩ, tấn công bệnh viện tại nước ta trong vài năm gần đây. Thực tế, chỉ cần tìm kiếm trên mạng Internet, bạn có thể tìm được vô số câu chuyện kiểu này. Và đáng buồn, mức độ hung hiểm của mỗi vụ việc càng lúc càng tăng cao chứ chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Bởi thế, dù nhiều bệnh viện ở nước ta đã tăng cường thêm biện pháp an ninh nhưng sự an toàn của các bác sĩ dường như vẫn ở tình trạng luôn thấp thỏm. Nhiều người nói vui mà ngẫm thật xót xa rằng, có lẽ không đâu như Việt Nam khi mà bác sĩ, nhân viên ngành y sau khi học xong chuyên ngành, ra hành nghề còn phải đi học thêm... võ tự vệ.

Chuyện như đùa nhưng là sự thật. Đó là câu lạc bộ võ thuật Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), thành lập cách đây 3 năm. Và cứ đà này, hẳn các lớp võ thuật dành cho y, bác sĩ sẽ tiếp tục được mở ở nhiều nơi - ngoài mục đích rèn luyện thân thể, có khi còn có thêm mục tiêu giúp họ phải tìm cách tự bảo vệ mình trước hành vi bạo lực, côn đồ đến từ người nhà bệnh nhân và các đối tượng quá khích.

    ***

Nhiều người nhắc tới câu chuyện này, với những phân tích về thực trạng bạo lực, hay sự bất an trong xã hội. Điều đó đúng.

Nhưng, cũng phải thẳng thắn để nói rằng: Trong nghề nghiệp của mình, ngoài thiên chức cứu người, các bác sĩ còn được trao cho một "thiên chức" khó khăn khác - đối diện với nỗi đau và sự hoảng loạn của bệnh nhân, hoặc người nhà bệnh nhân. Ở những thời điểm đặc biệt ấy, mọi ranh giới về đạo đức và sự tự kiềm chế đều có thể dễ dàng bị xóa bỏ.

Bởi thế, chúng ta hãy thông cảm hơn với các bác sĩ. Họ cũng là những người cần được bảo vệ, trong bối cảnh mà đội ngũ nhân viên y tế tại Việt Nam hiện nay cũng đang chịu áp lực từ sự quá tải của hạ tầng, số lượng người bệnh hay điều kiện khám bệnh.

Đồng ý rằng, có những "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong ngành y. Nhưng chúng ta hãy gắng nhìn nhận về họ một cách bình tĩnh và nhiều chia sẻ hơn, thay vì quá bị chi phối bởi những gam màu xám.

Và sự chia sẻ ấy cần có đủ ở 365 ngày, chứ không thể chỉ được nhắc đến trong ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Điều cần hơn những lời chúc: Đừng để bác sĩ 'sống trong sợ hãi'

Điều cần hơn những lời chúc: Đừng để bác sĩ 'sống trong sợ hãi'

Ngày tôn vinh những người Thầy thuốc, lại đi nói về chuyện bác sĩ bị đánh, kể ra cũng chẳng thật hay ho gì. Nhưng, không thể im lặng và cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một trong những nỗi lo lắng nhất hiện nay của ngành Y, đó là vấn đề an ninh, an toàn trong bệnh viện.

Văn Đồng – Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm