Inter hậu Stamford Bridge: Từ “chủ nghĩa nạn nhân” đến “chủ nghĩa người hùng”

20/03/2010 12:30 GMT+7 | Italy

(TT&VH) -  Sau những bàn thắng vào lưới Chelsea ở San Siro và Stamford Bridge, là những bàn thắng vào lưới của chính Inter và Moratti, theo một kiểu cách không kém gì Balotelli và người đại diện Raiola trong việc làm rối loạn Inter. Chúng ta đang nói về Mourinho.

Sau chiến thắng Chelsea, Mourinho lại là vua nước Anh như những năm tháng ông cầm quân ở Stamford Bridge, và theo cách nghĩ của nhiều fan cũ của ông, chiến thắng này là của cá nhân ông, chứ không phải Inter hay bất cứ điều gì dính líu đến Italia. Trong khi báo chí Anh đưa ông lên mây với những lời ca ngợi quen thuộc hệt như ông vẫn là người của họ (truyền thông xứ sở sương mù làm thế không hẳn có ý ấy, mà thực ra họ vẫn muốn lôi kéo ông trở về) và báo chí Italia phụ họa bằng những dòng tít không kém phần ngoạn mục, thì ngay sau trận đấu, Mourinho bắt đầu thòng dây vào mũi dư luận Italia cũng như chính Moratti bằng việc phát động một cuộc chiến truyền thông với mục đích duy nhất là làm lợi cho mình. Sau trận đấu, ông bảo rằng, dù ông có thắng, người Ý vẫn không thay đổi cách đối xử đối với ông, nghĩa là không yêu ông. Một ngày sau, ông tiếp tục leo thang trong cuộc chiến của mình, khi tuyên bố (với báo Anh, không phải báo Italia), rằng ông sẽ tập trung tất cả cho phần còn lại của mùa giải, “sau đó sẽ xem xét tiếp” và nữa, cụ thể hơn, “trong tương lai có thể tôi sẽ cầm quân một đội bóng Anh”, và “tôi luôn thích làm HLV ở TBN”.

Bây giờ Mourinho sẽ "tấn công" Moratti và Inter

Chiến thuật “làm hàng” này dường như không có gì mới. Mùa trước, Moratti đã từng phải chống chọi với cùng lúc 2 đối thủ trong thế giới Inter, những người mà ai cũng biết là ông yêu mến. Người đầu tiên là Ibrahimovic, người thứ hai chính là Mourinho. Kẻ thất bại cay đắng ở Champions League ấy hóa ra lại là người chiến thắng rực rỡ với mái đầu ngẩng cao, coi khinh tất cả những lời chỉ trích táp vào mặt, khi cũng như Ibra, bắt đầu “đau bụng” trong suốt mấy tháng, khi sử dụng báo chí TBN như một công cụ khiêu khích (phao tin rằng Real Madrid đang muốn có ông bằng mọi giá) và khẳng định tình yêu của mình với Inter theo kiểu con số (“khả năng ở lại của tôi là 99,9%”). Ibra đã đạt được mục đích của anh: sang Barcelona. Mourinho cũng đạt được mục đích của ông: để có tình yêu 100% của ông với Inter (nghĩa là thêm 0,1% nữa), Moratti phải tăng lương cho ông thêm 1 triệu euro và gia hạn thêm cho ông 1 năm hợp đồng. Một năm sau, cũng đúng vào dịp này, Moratti lại đụng phải 2 hạt sạn lớn trong chiếc tiramisu ngọt ngào mà ông đã ăn sau trận thắng Chelsea. Ở chỗ của Ibra là Balotelli, với những trò “vặn vẹo mình mẩy” không khác gì Ibra. Ở chỗ của Mourinho vẫn là Mourinho, không phải ai khác.

Sự khác biệt duy nhất của 2 thời kì, là mùa trước Inter bị loại khỏi Champions League từ vòng 1/8, còn mùa này là Inter đã lần đầu tiên sau 4 năm vào tứ kết. Phải, tứ kết chứ chưa phải chung kết và thắng Chelsea không có nghĩa là Mou đã đoạt Cúp VĐ như hồi năm 2004, càng không có nghĩa ông đã là một vị vua thực sự của bóng đá thế giới. Đó là chưa tính đến việc Inter có thể mất Scudetto. Nhưng Mou đã nhanh chóng dựa theo dư luận đang coi ông như một “hiện tượng” (trên thực tế, cái cách mà Laurent Blanc đã đưa Bordeaux lên đỉnh cao còn đáng được coi là hiện tượng hơn) để làm lợi cho mình và đi trước thời gian trong việc đón đầu khả năng thất bại ở Champions League. Sau khi phát động cuộc chiến chống trọng tài và Lega Calcio mấy ngày trước trận gặp Chelsea ở lượt đi nhằm đổ vấy trách nhiệm cho cả nền bóng đá Italia cũng như dư luận chống đối (vì ông khiêu khích họ trước) trong trường hợp Inter có thể bị loại, Mourinho dùng chiến thuật tương tự để bắt tất cả cùng chơi với ông trong cuộc chơi này.

Các khả năng: 1) Nếu Inter vô địch Champions League (không nói đến Scudetto), Mourinho sẽ được tăng lương và kéo dài HĐ thêm nữa, dù hiện tại ông là HLV được trả lương cao nhất thế giới, 2) Nếu Inter bị loại khỏi Champions League, cuối mùa Mourinho sẽ ra đi, đến Madrid (Real) hoặc Manchester (City), 3) Kiểu gì ông cũng ra đi, nhưng để có được “nguyện vọng” ấy, cần phải đạt được thỏa thuận về tiền bạc với Moratti, hoặc để cho Moratti sa thải. Nhưng có lẽ Mourinho có trong đầu nhiều toan tính hơn thế.

Hai mùa xuân liên tiếp, người ta tiếp tục hỏi mùa hè tới Mourinho sẽ làm việc ở đâu. Tự tạo cho mình tư cách của một kẻ bị người Ý ghét bỏ, Mou đã đặt mình trên bệ phóng của một cuộc ra đi tới những vương quốc thực sự của bóng đá vẫn còn trên đỉnh hoàng kim của ánh sáng và tiền bạc, Premier League và La Liga. Ra đi như một người hùng. Vấn đề là khi nào, và với giá bao nhiêu.

Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm