(giaidauscholar.com) -
Gần đây, việc hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn Hà Nội đã dần đi vào thói quen và ý thức của mỗi người dân Thủ đô, thể hiện cả trong sinh hoạt hàng ngày và khi đi mua sắm hàng hóa.
Qua khảo sát, 100% người dân khẳng định, sẽ sử dụng túi thân thiện với môi trường nếu giá thành hợp lý và chất lượng tốt hơn túi ni lông. Song, hiện tại do các sản phẩm tiện dụng như túi thân thiện với môi trường có giá thành rẻ để thay thế túi ni lông vẫn còn hạn chế, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự đồng thuận và quyết tâm của mỗi người dân để tạo nên sự thay đổi lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, để triển khai rộng khắp chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường" và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thay thế, thành phố tập trung mở rộng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của túi ni lông đối với môi trường, cụ thể đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư và hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học trên địa bàn.
Từ nay đến năm 2020, để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Cục Thuế và Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy để bảo đảm công bằng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các loại túi ni lông thân thiện với môi trường. Sở Công thương khẩn trương hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn kiểm soát, giảm sản xuất và sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích việc sản xuất, sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường đã được cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức các cuộc thi tìm các biện pháp giảm thiểu túi ni lông tại các cấp quận, huyện, xã, phường; đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chia sẻ thông tin và kỹ năng truyền thông thông qua các sản phẩm như áp phích, tờ rơi, các chương trình chuyên biệt về tác hại của túi ni lông trên các kênh truyền hình.
Hiện, thành phố ưu tiên đến mức tối đa về cơ chế tài chính, đất đai, thuế… đối với các doanh nghiệp đã triển khai sản xuất túi thân thiện với môi trường nhằm giảm chi phí sản xuất để người tiêu dùng có thể chấp thuận được giá thành và đưa vào sử dụng hàng ngày.
Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện (2009 - 2013), Chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” đã được tuyên truyền và áp dụng rộng rãi từ nông thôn đến thành thị, từ các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến các hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, tại các siêu thị lớn và các trung tâm thương mại, việc sử dụng túi ni lông đã được hạn chế rất nhiều, thay vào đó là các loại túi sử dụng nhiều lần và các loại túi thân thiện với môi trường. Rất nhiều gia đình, những người nội trợ đã có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường như: không còn nhiều hiện tượng xin thêm túi ni lông khi đi mua sắm, tái sử dụng nhiều lần túi ni lông và giặt sạch túi ni lông để sử dụng lại...
Điều dễ nhận thấy là sự phối hợp triển khai từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn trong tổ chức thu gom túi ni lông thải loại, đổi lấy túi ni lông thân thiện với môi trường, tạo dựng các phong trào “nói không với túi ni lông” và bước đầu đã có những chuyển biến rõ rệt. Cán bộ Hội viên Phụ nữ ở cơ sở và nhiều gia đình ở địa phương đã đi đầu duy trì phong trào “nói không với túi ni lông”. Nhiều tổ dân phố, khu dân cư trong nội thành, các thôn, xóm ngoại thành đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông với tinh thần tự nguyện cao.
Theo Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội, 5 năm qua, Chương trình đã kêu gọi tài trợ được gần 1,2 tỷ đồng và thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, Chương trình đã phát miễn phí khoảng 90.000 túi thân thiện với môi trường cho nhân dân.
Nhiều hoạt động được tổ chức rộng rãi, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và học sinh, sinh viên như: Ngày chủ nhật không túi ni lông, đạp xe vì môi trường, trồng cây xanh, giao lưu với “Đại sứ xanh” – “Hiệp sỹ bảo vệ môi trường”, vệ sinh cộng đồng tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư; triển khai chiến dịch thu gom túi ni lông thải loại và đổi lấy túi thân thiện với môi trường...
Minh Nghĩa - TTXVN