V.S. Naipaul, nhà văn với vết thương hở và chủ nhân giải Nobel, qua đời ở tuổi 85

12/08/2018 14:56 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) – Nổi tiếng nhất có lẽ với cuốn tiểu thuyết A Bend in the River (Khúc quanh của dòng sông), V.S. Naipaul là nhân vật gây tranh cãi ồn ào trong giới văn chương. Tác giả đoạt giải Nobel vừ qua đời hôm thứ Bảy tại nhà riêng ở London, hãng đại diện xác nhận với NPR. Ông thọ 85 tuổi.

Vợ ông, bà Nadira Naipaul, người túc trực cạnh chồng khi ông qua đời, ca ngợi ông là “người phi thường trong mọi thành tựu đạt được. Ông ra đi trong vinh quang và đã đã sống một đời đầy sáng tạo và nỗ lực tuyệt vời”, The Associated dẫn lời.

Chú thích ảnh
Naipaul với nụ cười ngạo nghễ quen thuộc

 Mối quan hệ của Naipaul với Trinidad, nơi ông sinh ra, vô cùng phức tạp. Ông bà ông di cư từ Ấn Độ theo dạng đầy tớ, và Naipaul nói rằng ông nghĩ thật sai lầm khi bị sinh ra ở đó. Đây là cách ông miêu tả Trinidad trong một cuộc phỏng vấn năm 1994: “Sau những tàn phá của dân thổ địa, nơi đây thật hoang tàn. Rồi sau đó, trên đống hoang tàn đó bắt đầu hình thành một đồn điền. Tôi sợ đó là cách chúng ta phải nghĩ về nơi này. Nó không phải là một đất nước theo cách mọi người nghĩ… Thổ Nhĩ Kỳ thì là một đất nước”.

Nhưng trong cuốn tiểu thuyết năm 1961 của Naipaul, A House for Mr. Biswas (Căn nhà cho ông Biswas), nhân vật dựa trên cha đẻ của mình, ông trình bày cái nhìn khác về Trinidad. Nhà phê bình của trang New Yorker là James Wood bình luận: “Nó cực kỳ hài, thật sự là một cuốn tiểu thuyết hài hước. Nó là lá thư dịu dàng gửi Trinidad, trong đó rõ ràng Naipaul trẻ đã đi quanh đảo, nuốt mọi thông tin ông kiếm được. Nó cực kỳ chi tiết. Thật sự là một bài thơ cho hòn đảo”.

Chú thích ảnh
Naipaul nhận giải Nobel Văn học năm 2001

Tuy nhiên, Naipaul không muốn bị mắc kẹt ở Trinidad như cha mình, vì vậy, ông đã nỗ lực để kiếm được học bổng tới Oxford. Tuổi trẻ của ông ở Anh rất khó khăn. Nhà văn đau đớn vì trầm cảm và cô đơn. Wood nói rằng tuyển tập các bức thư Naipaul gửi về nhà đã tiết lộ cuộc đời của chàng sinh viên trẻ: “Tất nhiên, vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc quanh đó, và ông chỉ viết rất phớt qua cho cha mẹ ở Trinidad nghe về những khinh khỉnh ông vấp phải ở Oxford. Ông cũng thích nói trong những bức thư này về quyết tâm đứng đầu lớp và viết văn hay hơn bất cứ người Anh nào”.

Khi tuyển tập thư được xuất bản năm 2000, Naipaul nói với NPR rằng ông nghĩ không đắm chìm quá vào những cảm xúc cá nhân mãnh liệt.

“Điều quan trọng là đừng để bị chìm”, ông nói. “Độc giả sẽ khó chịu. Đọc giả cảm thấy: Cái này cá nhân quá, chẳng liên quan gì tới tôi. Qua trải nghiệm, quan trọng là tìm ra các điểm phổ quát. Từ trải nghiệm, anh phải lùi lại và xem ở đó có gì dành cho những người khác”.

Nhưng theo Wood, những trải nghiệm đầy cảm xúc đầu đời đã khiến Naipaul bị tổn thương. “Tôi nghĩ nguồn gốc của tổn thương là xấu hổ. Đặc biệt là sự xấu hổ về nguồn gốc thuộc địa”. Naipaul bị kẹt giữa hai thế giới – thế giới thực dân và thế giới thuộc địa – và cái nhìn của ông về thuộc địa có thể hơi khắc nghiệt. Naipaul thường bị chỉ trích vì cách ông miêu tả các nước đang phát triển trong tiểu thuyết của mình. Ông có thể đã bị tổn thương, những cũng biết cách gây tổn thương.

“Có nhiều thịnh nộ ở đây”, Wood nói, “và ở nhiều dạng. Đôi khi, ông sẽ viết về Ấn Độ hoặc về Caribbea và, như nhiều nhà phê bình lưu ý, ông viết đầy tác ác và thành kiến – thậm chí đôi khi, tôi nghĩ, có mùi phân biệt chủng tộc nhất định”.

Naipaul cảm thấy mình không có quê hương, và ông viết về điều đó trong tiểu thuyết pha tự truyện Half a Life (Một nửa đời). Trong đó, ông viết về những khủng hoảng trong chuyến du hành đầu tiên tới một vùng đất xa lạ.

Theo Wood, sự mất gốc và bất mãn của Naipaul giúp các sáng tác của ông sắc nét và trung thực, những điều thường dẫn tới sự vĩ đại. “Có gì đó sắc nét, đau đớn và cảm mến không dứt trước một nhà văn, người không thể vượt qua những đau thương, không thể chữa lành nó, người đi xuống phố với vết thương mở banh, không gì che đậy”, Wood chia sẻ.

Chú thích ảnh
Naipaul sống những năm cuối đời bên vợ hai ở Anh

Naipaul sống những năm cuối đời với người vợ thứ hai ở vùng nông thôn nước Anh, cách xa quê nhà Trinidad của ông.

Thủ phạm làm 'sụp đổ' giải Nobel Văn học chính thức ra tòa với cáo buộc cưỡng hiếp

Thủ phạm làm 'sụp đổ' giải Nobel Văn học chính thức ra tòa với cáo buộc cưỡng hiếp

Nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault, chồng thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển Katarina Frostenson, sẽ đối mặt với sáu năm tù nếu bị kết tội.

Thư Vĩ (Theo NPR)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm