Khung cảnh tang thương trong xác phà Sewol

26/04/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước


(giaidauscholar.com) - Những người thợ lặn mò mẫm trong làn nước đục, chầm chậm tiến lên qua các hành lang, các căn phòng tối om của con phà Sewol bị đắm. Từ bóng tối, các thi thể đột nhiên xuất hiện, trôi lững lờ trong làn nước đục ngầu, gương mặt của họ vẫn còn nguyên nét sợ hãi, hoảng loạn và sốc.

Trong gần 1 tuần qua, hàng chục thợ lặn Hàn Quốc đã phải nỗ lực chống chọi với tình trạng nước biển lạnh và dòng biển chảy nhanh, sự mệt mỏi và cả nỗi sợ hãi, để mang ra rất nhiều thi thể các nạn nhân.

Những người đầu tiên tiếp xúc với thi thể

Khi đi sâu hơn vào trong lòng phà Sewol - một ngôi mộ khổng lồ nằm dưới nước, họ dần nắm bắt được rõ hơn những khoảnh khắc cuối của con phà trong ngày 16/4. Hơn 300 nạn nhân, phần lớn là học sinh trung học, đã thiệt mạng khi con phà nghiêng về một bên rồi đắm.

"Các thợ lặn có thể thấy sự biểu cảm trên gương mặt nhiều nạn nhân vào khoảnh khắc con phà chìm" - Hwang Dae-sik nói về đội 30 thợ lặn của Hiệp hội cứu hộ và trục vớt biển mà ông đang phụ trách giám sát - "Từ những biểu cảm ấy, anh có thể thấy các nạn nhân đang đối mặt với hiểm nguy và cái chết.


Thi thể do thợ lặn tìm thấy từ phà Sewol được đưa lên tàu hỗ trợ chờ sẵn

Để vào được lòng phà, thợ lặn phải đi xuống độ sâu khoảng 30 mét. Họ vào trong con phà thông qua các ô cửa sổ đã bị đập vỡ bằng búa. Tuy nhiên đây không phải công việc dễ dàng.

Han Yong Duk, một thợ lặn 33 tuổi nói rằng tầm nhìn thường rất tồi, tới mức thợ lặn phải sờ tay dọc theo thành tàu để tìm cửa sổ và đập. Có lần một thợ lặn đã liên tục đập búa vào con phà, nhưng cây búa chỉ va chạm với kim loại thay vì kính.

Một thợ lặn khác kể rằng đôi khi tầm nhìn dưới biển hoàn toàn bằng không và môi trường trước mắt anh hoàn toàn tối đen. Cũng có lúc thợ lặn có được tầm nhìn chỉ chưa đầy 20 cm. "Tôi di chuyển bằng cách mò mẫm trong bóng tối, cố tìm mọi thứ bằng đôi tay của mình" - Cha Soon-cheol, người đã có 5 ngày giúp đỡ hoạt động tìm kiếm, thu hồi xác nạn nhân cho biết. Cha chia sẻ rằng bơi ngược lại dòng biển chảy mạnh đã khiến ông vô cùng mệt mỏi.

Công việc đòi hỏi sự khéo léo

Một khi đã vào được trong tàu, thợ lặn phải tránh né vô số vật thể trôi nổi, gồm đồ đạc của hành khách, hàng hóa, dây thừng, ghế và cả thi thể. "Con tàu lật úp khi chìm nên hãy cứ tưởng tượng khung cảnh của một căn phòng bị lật ngược" - Hwang nói - "Mọi thứ đều trôi lung tung và rất khó để xác định vị trí chính xác của chúng".

Trong bối cảnh ấy, thợ lặn phải hết sức khéo léo để tìm kiếm, thu hồi thi thể. Họ phải nhanh chóng tìm ra các thi thể đang phân hủy, đồng thời vẫn phải cẩn trọng để bản thân tránh khỏi bị thương hoặc chết ngạt vì ống dẫn oxy bị cắt đứt. Thợ lặn xuống phà Sewol bằng ống dẫn oxy thường chỉ làm việc được chừng 1 tiếng đồng hồ là phải nghỉ vì quá mệt mỏi. Một số thợ lặn có dùng bình oxy, nhưng công cụ này chỉ giúp họ ở dưới nước khoảng 20 phút.


Khi thợ lặn kiểm tra các hành lang của con phà, các thi thể mặc áo phao cứu sinh thường trôi ngay trên đầu họ, gần nơi từng là sàn nhà. Thợ lặn phải giơ tay lên kéo lấy thi thể tới gần mình, trước khi thông báo với các cộng sự ở trên mặt nước. Tiếp đó họ cẩn trọng đẩy thi thể qua một cửa sổ của phà đã không còn kính vỡ và để nó tự nổi lên trên mặt biển, nơi người ta đã chờ sẵn để đón lấy.

Hwang nói rằng thợ lặn phải chăm sóc đặc biệt với các thi thể đang phân hủy mạnh để đảm bảo họ không gây hư hại nhiều tới chúng. Ví dụ khi một thi thể không mặc áo phao được tìm thấy, thợ lặn thường vòng tay ôm lấy thân nạn nhân và để một cộng sự kéo lấy mình cùng cái xác lên mặt biển bằng dây thừng.

Kiệt sức về tinh thần

Khỏi phải nói về mức độ nguy hiểm mà các thợ lặn phải đối mặt. Các vấn đề liên quan tới nguồn dưỡng khí gần đây đã khiến 2 thành viên trong đội của Hwang phải nhanh chóng nổi lên mặt nước một cách đầy rủi ro, từ độ sâu 30 mét. Các chuyên gia nói rằng việc nổi lên quá nhanh khiến thợ lặn dễ bị ốm do thay đổi áp suất, với ca nặng có thể dẫn tới tử vong. 2 thợ lặn trên hiện đang được điều trị trong phòng giảm áp.

Công việc cũng khiến thợ lặn kiệt sức về tinh thần. Sau mỗi ca làm việc, thợ lặn thường suy nghĩ rất nhiều về các nạn nhân. Hwang nói rằng các thợ lặn của ông thường tránh nhìn vào đôi mắt của các thi thể mà họ thu hồi, để giảm thiểu cú sốc mà họ nhận về mình.

Tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được. "Dù các thợ lặn có rất nhiều kinh nghiệm, họ đã thực sự kinh hãi khi lần đầu đối mặt với các thi thể" - Hwang nói. Ông cho biết thêm rất nhiều thi thể học sinh được phát hiện trong tình trạng ôm chặt lấy nhau.

"Tình thế thật khó khăn biết bao với lũ trẻ, khi nước lạnh ùa vào và bóng tối dần bao phủ lấy chúng" - Hwang nói - "Ngày hôm trước tôi đã thấy nghẹn trong cổ khi nói về chuyện này. Tôi tự nhủ mình: Làm sao tôi dám nói với người khác rằng bản thân rất giàu kinh nghiệm, có thể giúp đỡ hoạt động cứu hộ , trong khi tôi đã không thể cứu nổi bất kỳ ai trong những con người đó?"

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm