Vụ hiếp dâm ở New Delhi: Sức ép dồn vào phiên tòa

27/01/2013 07:06 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Theo ý kiến dư luận, những kẻ tham gia vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh viên 23 tuổi ở New Delhi phải bị treo cổ tại một quảng trường công cộng. Trước tình hình đó, giới quan sát lo ngại những kẻ phạm tội khó có khả năng được xét xử công bằng.

Thực tế, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy công bằng sẽ khó có thể xuất hiện trong phiên tòa đang diễn ra nhằm vào 5/6 bị cáo đã tham gia vào vụ hiếp dâm gây chấn động.

Cảm tính và lý trí

Đơn cử như khi dư luận vẫn còn chưa hết phẫn nộ, một đoàn luật sư ở New Delhi đã ngăn không cho các thành viên của họ đại diện cho các bị cáo, với lý do các đối tượng này ra tay quá tàn độc. Ngoài ra, phiên tòa hiện đang được xét xử bởi một tòa án tốc độ nhanh. Tòa án mới tinh này đã được thành lập sau khi vụ hiếp dâm xảy ra để xử lý các vụ tấn công tình dục ở thủ đô.

Tòa cũng đang chịu sức ép phải đưa ra phán quyết trong vòng vài tuần.

Cuối cùng, bất kỳ những gì được nói ra hoặc đệ trình trước tòa án sẽ chỉ có những người hiện diện tại tòa được biết. Thông tin của tòa sẽ không được phép lọt ra ngoài. Một thẩm phán ở Ấn Độ cũng ra lệnh cấm báo chí đưa tin về phiên tòa. 

"Tuy nhiên cho dù xã hội xem một kẻ nào đó là xấu xa, độc ác tới đâu, anh ta vẫn có quyền được nhận một phiên tòa công bằng. Anh ta có quyền được bào chữa thật tốt" - Markandey Katju, cựu chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố.

Ông nói rằng khả năng một số kẻ bị khởi tố là thủ phạm thực và một số là vô tội. Theo ông, cảnh sát Ấn Độ đã "bủa lưới quá rộng" và biết đâu sai sót sẽ xảy ra trong quá trình truy tìm kẻ phạm tội.

Khi chi tiết về vụ hãm hiếp tập thể xuất hiện, Katju đã bày tỏ lo ngại phiên tòa sẽ bị tràn ngập bởi các xúc cảm thay vì lý trí. "Anh không thể ra phán quyết dựa trên cảm tính. Đó là thứ luật giang hồ chứ không phải luật pháp thực sự" - ông nói.

"Công lý phải mất thời gian để thực thi. Tòa án không phải là một cây đèn thần mà chỉ với một cú vuốt nhẹ, có thể xử lý xong một vụ án" (Nhận xét của Markandey Katju, cựu chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ).

Tòa án “tốc độ cao”

Vụ việc xảy ra vào ngày 16/12 năm ngoái khiến người Ấn Độ nổi giận, bởi những kẻ phạm tội đã ra tay quá tàn độc.

Chỉ trong vòng 2 ngày kể từ khi vụ tấn công diễn ra, cảnh sát Ấn Độ đã bắt được 6 kẻ phạm tội. Theo cảnh sát, cả sáu tên đã thừa nhận tội ác. Cơ quan điều tra cũng nói rằng chứng cứ di truyền thu được từ những gã đàn ông cho thấy tất cả đều có liên quan tới vụ phạm tội.

Hồ sơ cảnh sát ghi nhận máu, nước dãi của các đối tượng trùng khớp với các vết thương hiện diện trên người nạn nhân. Máu của nạn nhân cũng dính trên quần áo, quần lót và dép của những kẻ phạm tội.

Vụ tấn công diễn ra ở thủ đô Ấn Độ đã khiến người biểu tình xuống phố, yêu cầu chính quyền bảo vệ phụ nữ và đảm bảo rằng những kẻ tấn công phải bị trừng phạt.

Để đối phó với cơn giận của công chúng, chính quyền thành phố đã lần đầu thành lập 5 tòa án tốc độ cao để xét xử nhanh các vụ phạm tội tình dục, trong bối cảnh hệ thống tòa án ở nơi đây có tốc độ xét xử chậm chạp, thường kéo dài hàng năm, thậm chí là hàng chục năm.

Khi cảnh sát chuẩn bị khởi tố những kẻ phạm tội, đoàn luật sư quận Saket, nơi sẽ diễn ra phiên xét xử các bị cáo, đã tuyên bố rằng các thành viên của họ sẽ không tham gia bào chữa. Họ đã làm theo một tiền lệ giống các đoàn luật sư khác ở Ấn Độ vẫn thực hiện trong mấy năm gần đây, đó là cấm các thành viên bào chữa cho những kẻ phạm tội khủng bố hoặc các tội ác kinh khủng.

"Hành vi đó là hoàn toàn vi hiến và phi đạo đức. Các luật sư có tư tưởng đúng đắn phải vượt lên trên những quy định như thế" - Katju nói. 

Cám cảnh với hoạt động bào chữa

3 luật sư đại diện cho các bị cáo hiện không phải thành viên của các đoàn luật sư. Tuy nhiên họ đã dành nhiều thời gian để chống lại nhau hơn là hợp tác để bào chữa.

Một luật sư nói rằng ông sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao chuyển phiên tòa ra khỏi Delhi bởi cảm xúc của dư luận hiện đã quá cao, khó có thể tổ chức một phiên tòa công bằng ở đây. Nhưng khi một luật sư thứ hai đưa ra kiến nghị tương tự, nhân vật đầu tiên đã đổi ý và phản đối kịch liệt kiến nghị này.

Một luật sư có tên M.L. Sharma đã cáo buộc cảnh sát đang có kế hoạch gài hai luật sư kia vào để đảm bảo việc các bị cáo phải nhận tội. "Tôi giờ là vật cản duy nhất đứng chắn đường" - Sharma nói hồi dầu tuần này. Tuy nhiên ngay sau đó đồng nghiệp V.K. Anand đã lên tiếng cho biết thân chủ của Sharma đã quyết định sa thải ông này để thuê ông bào chữa.

Tranh cãi về việc ai có quyền đại diện pháp lý cuối cùng chỉ được giải quyết vào ngày thứ Năm tuần trước, thời điểm phiên tòa bắt đầu. Nhưng trong ngày hôm đó, Sharma đã rời khỏi tòa, nói rằng thân chủ của ông có thể đã bị tra tấn để yêu cầu việc thay luật sư. Anand là người thay thế ông.

Sharma từng cáo buộc cảnh sát đã tra tấn cả năm kẻ phạm tội để lấy lời khai của họ. Nhưng sau đó ông rút lại lời khai, nói rằng chỉ có các thân chủ của mình bị ép cung. Ông này cũng gây tranh cãi khi bình luận rằng bạn trai của nạn nhân cũng có lỗi trong vụ hãm hiếp tập thể, nhưng sau đó đã rút lại tuyên bố của mình.

Một luật sư khác tên A.P. Singh nói rằng lý do duy nhất để ông bào chữa cho 2 bị cáo là vì gia đình họ đã cầu xin mẹ ông giúp đỡ. "Mẹ tôi có trái tim nhân hậu và một mệnh lệnh từ bà cũng giống như một mệnh lệnh từ Thượng đế vậy" - ông nói và tạo dáng khá đẹp trước máy ảnh.

Anand hiện chưa nói gì về chiến lược bào chữa của mình, nhưng cả Sharma và Singh đều nói rằng các thân chủ của họ không có mặt trên chiếc xe vào thời điểm xảy ra vụ tấn công!

Theo giới phân tích, hoạt động bào chữa sẽ diễn ra khó khăn bởi thực tế rằng phiên xử diễn ra tại một tòa án tốc độ cao.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm