27/08/2013 13:29 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau khi biết về vụ một nữ sinh viên bị hiếp dâm tập thể ở New Delhi hồi năm ngoái, nhà soạn kịch Nam Phi Yael Farber (42 tuổi) đã quyết định dàn dựng vở kịch về sự việc, mang tựa đề Nirbhaya (tạm dịch: Can đảm).
Quá sốc khi đọc những thông tin về vụ hiếp dâm tập thể, từ Nam Phi, Farber đã viết những cảm xúc của mình trên trang Facebook. Khi nữ diễn viên Ấn Độ Poorna Jagannathan đọc được, cô đã mời Farber tới Ấn Độ. Tại đây, Farber đã nảy sinh ý tưởng viết một vở kịch về nạn bạo lực tình dục.
“Những câu chuyện như vậy chỉ lưu lại trong ký ức công chúng một thời gian ngắn, vậy nên bạn phải nắm bắt ngay thời điểm” - Farber giải thích lý do tại sao cô lại quyết định dàn dựng vở kịch chỉ 8 tháng sau khi xảy ra vụ hiếp dâm tập thể nêu trên.
Vụ việc gây chấn động thế giới
Vở kịch đã được nhiều lời ca ngợi khi trình diễn tại Liên hoan Edinburgh và đoạt giải Scotsman Fringe First vở kịch mới xuất sắc. Farber cho biết, cô thấy ấn tượng khi chứng kiến sự phản ứng của công chúng Ấn Độ về vụ hiếp dâm. “Lúc đó, tôi tự hỏi, nếu trường hợp này xảy ra ở Nam Phi, liệu những người dân ở đất nước tôi có xuống đường phản đối như vậy không? Phải có sự việc gì đó xảy ra mới phá tan được tình trạng lãnh đạm hiện nay".
Tên vở kịch là biệt danh của cô sinh viên Ấn Độ 23 tuổi, người đã bị một nhóm 5 gã đàn ông tấn công tình dục, song cô vẫn kiên cường chống chọi với chúng để giành lấy sự sống. Vụ việc đã gây chấn động thế giới.
“Mọi người đều ủng hộ cô gái. Trước khi qua đời, cô ấy đã 2 lần cung cấp chứng cứ trong bệnh viện, mặc dù bị thương rất nặng. Cô đã dũng cảm đi ngược lại với những quan điểm cho rằng nạn nhân bị cưỡng hiếp nên giữ kín vụ việc và luôn có cảm giác xấu hổ với những gì mà họ đã phải trải qua. Đó chính là lý do tại sao tinh thần của cô đã gây xúc động đối với công chúng” - Farber nói.
Thân phận người phụ nữ
Vụ hiếp dâm tập thể xảy ra vào ngày 16/12/2012 ở Ấn Độ là trọng tâm của vở kịch Nirbhaya, bên cạnh đó còn có 4 câu chuyện khác.
Dàn diễn viên gồm có nữ diễn viên Ấn Độ Poorna Jagannathan và 4 nữ diễn viên khác. Cả 5 câu chuyện trong vở kịch đều đề cập đến những trải nghiệm cá nhân, liên quan đến các vụ lạm dụng hoặc bị tấn công tình dục khi còn nhỏ và cả khi đã trưởng thành.
Chẳng hạn như những lời kể chi tiết của nhà chiêm tinh Sneha Jawale về cuộc hôn nhân của bà với người một gã chồng vũ phu, kẻ đổ dầu vào người bà rồi châm lửa khiến bà bị bỏng mặt. Khi còn sống bên nhau, gã cũng tìm mọi cách để moi được nhiều của hồi môn của cha mẹ bà.
Vụ hiếp dâm tập thể kể trên gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt về thân phận và sự an toàn của phụ nữ ở Ấn Độ. Vấn đề này lại bùng nổ trở lại khi hôm 22/8, khi tiếp tục xảy ra vụ 5 người đàn ông hiếp dâm một nữ phóng viên 23 tuổi ở trung tâm tài chính Mumbai.
“Sẽ là một sai lầm lớn nếu như chỉ xới vấn đề bạo lực tình dục ở Ấn Độ lên rồi để đó. Bạo lực tình dục không chỉ xảy ra ở Ấn Độ. Ở Nam Phi cũng xảy ra các vụ hiếp dâm, ở Italia cũng vậy” - Farber nói.
Bản thân nhà soạn kịch Farber cũng từng bị quấy rối tình dục ở Mumbai khi cô học tập ở đây. Farber rất háo hức đưa vở kịch của mình tới Ấn Độ.
“Nói theo một cách nào đó, đây là một sản phẩm Ấn Độ và tôi là người nước ngoài duy nhất tham gia vào vở kịch này. Tôi hy vọng có thể giới thiệu vở kịch ở thủ đô New Delhi vào đúng dịp 1 năm xảy ra vụ án hiếp dâm” - Farber bày tỏ.
Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất