Nhức nhối nạn hiếp dâm ở Ấn Độ

06/01/2013 07:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Vụ hiếp dâm và đánh đập tàn bạo một cô gái trẻ ở thủ đô New Delhi ở Ấn Độ hồi tháng trước đã thu hút sự chú ý của công chúng, gây phẫn nộ lan rộng. Nhưng hiếp dâm đã không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà còn là một vấn nạn ở Ấn Độ, với nhiều vụ hiếp dâm đã từng được đưa lên mặt báo, nhưng đã nhanh chóng phai lạt trong ký ức của công chúng.

Không khó để tìm thấy các tin tức giật gân liên quan tới hiếp dâm vẫn đăng trên báo chí Ấn Độ gần như mỗi ngày: một bé gái 10 tháng tuổi bị hàng xóm cưỡng hiếp ở Delhi; một đứa trẻ 18 tháng tuổi khác bị cưỡng hiếp và bỏ rơi trên phố ở Calcutta; một gã chồng dàn xếp để những kẻ khác hiếp dâm vợ mình tại Howrah.

21 phút lại có một vụ hiếp dâm

Nhưng trong một đất nước, nơi cứ sau 21 phút lại có một vụ hiếp dâm được báo cáo, ngay cả những tội ác kinh hoàng nhất cũng sẽ sớm bị lãng quên, ngoại trừ các nạn nhân và gia đình họ. Họ phải tham gia vào các cuộc chiến giành giật công lý kéo dài dai dẳng.

Một trong những trường hợp đau lòng nhất và kéo dài dai dẳng nhất là của y tá Aruna Shanbaug, người sống và làm việc tại Mumbai.

Cô gái 25 tuổi bị Sohanlal Bharta Walmiki, một gã lao công trong bệnh viện nơi cô làm việc, hiếp dâm rồi xiết cổ bằng xích sắt trong ngày 27/11/1973. Aruna may mắn được cứu và sống sót. Nhưng trong 39 năm qua, cô đã nằm bất động trên giường bệnh, trong tình trạng sống thực vật vì chết não. Cô không thể nhận ra bất kỳ ai, không thể nói và thực hiện ngay cả các hoạt động đơn giản nhất.

Điều quan trọng là kẻ gây án lại không bị pháp luật trừng trị. "Hắn ta thậm chí còn không bị khởi tố với tội hiếp dâm" - phóng viên Pinki Virani, người đã viết một cuốn sách về Aruna cho biết. Walmiki chỉ bị tuyên phạt 7 năm tù vì tội cướp của và âm mưu giết người.

Và nghịch lý là trong khi Aruna gần như sống cảnh giam cầm trên giường bệnh, kẻ gây hại cho cô lại được tự do sau khi ra tù và đã sống một cuộc đời mới. Phóng viên Virani đã cố theo dấu Walkimi nhưng không thành công.

Và Aruna không phải nạn nhân duy nhất. Những người lâm vào số phận giống như cô xuất hiện rất nhiều tại Ấn Độ.

Nỗi hổ thẹn của Ấn Độ

Bạo lực với phụ nữ đã ăn sâu vào một xã hội nổi tiếng gia trưởng của Ấn Độ, nơi mọi người phụ nữ đều có thể trở thành nạn nhân của những gã đàn ông đốn mạt.

Năm 2003, đất nước này đã được phen mất mặt khi một nhà ngoại giao 28 tuổi người Thụy Sĩ bị 2 gã đàn ông ở khu vực Siri Fort ở Delhi ép lên xe và rồi một kẻ trong đó đã cưỡng hiếp cô. Cô gái sau đó mô tả thủ phạm là một kẻ nói trôi chảy tiếng Anh, thậm chí còn nói chuyện với cô về đất nước Thụy Sĩ trước khi chuyển đề tài sang vấn đề văn hóa Ấn Độ!

Năm ngoái, cô bé Sonam, 14 tuổi, đã bị cưỡng hiếp và sát hại trong một đồn cảnh sát ở Uttar Pradesh. Còn trong các cuộc bạo động hồi năm 2002 ở bang Gujarat, một lượng lớn phụ nữ Hồi giáo đã bị hiếp dâm tập thể. Các nhóm vận động vì nhân quyền thường buộc tội lực lượng an ninh ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý hay sử dụng hiếp dâm như một vũ khí để trừng phạt cả cộng đồng. Tháng 5/2009, vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý đã chứng kiến 47 ngày biểu tình bạo lực sau khi hai cô gái trẻ bị cảnh sát hiếp dâm và sát hại.

Còn tại Chhattisgarh, Soni Sori đã bị cảnh sát bắt giam kể từ tháng 10/2011 với các cáo buộc làm liên lạc viên cho lực lượng Maoist. Khi ra tòa, cô tố cáo việc mình bị hiếp dâm và người ta còn tìm cách nhét đá vào âm đạo của cô.

Không có công thức thần kỳ

Luật pháp sẽ không đủ để giải quyết vấn đề hiếp dâm trong một xã hội vẫn coi phụ nữ là công dân hạng hai, là kém cỏi hơn so với đàn ông.

Phần lớn các nạn nhân đã nói ở trên vẫn đang chờ ngày công lý được thực thi. Đôi khi họ phải chờ tới hàng năm sau khi tội ác đã diễn ra. Những kẻ phạm tội đôi khi trốn thoát với một bản án nhẹ nhàng. Thẩm phán dễ dàng chấp nhận các lý lẽ do kẻ phạm tội đưa ra, kiểu như chúng chỉ hiếp dâm vì say xỉn, vì sống xa gia đình hoặc còn có gia đình phải chăm nom, hoặc chúng là người đẳng cấp cao nên sẽ không đời nào chạm vào cơ thể một người phụ nữ Dalit thuộc đẳng cấp thấp.

Luật sư Indira Jaisingh ở Ấn Độ nói rằng luật chống hiếp dâm ở nước này hiện đã quá đỗi lạc hậu và tiến trình xét xử chậm chạp, tỷ lệ những kẻ phạm tội bị kết án thấp. "Chúng ta phải cải thiện phương thức điều tra hình sự, phải có các hoạt động nhanh chóng hơn, khoa học hơn" - bà nói.

Nhưng bà cũng chỉ ra rằng thay đổi luật chưa đủ bởi tư tưởng trong xã hội cũng có vai trò quan trọng không kém. Theo bà, nhiều vụ hiếp dâm đã không được báo cáo ra với nhà chức trách bởi các nạn nhân sợ định kiến xã hội. Ngoài ra các gia đình cũng khuyên những người con gái của họ không nên tố cáo khi gặp nạn.

"Không thể có công thức thần kỳ nào giúp xử lý vấn đề hiếp dâm. Có những định kiến vẫn tồn tại trong đầu óc những người hoạch định chính sách, như rập khuôn những người phụ nữ, đổ lỗi cho nạn nhân, cố tìm cớ để chứng minh nạn nhân mời gọi việc bị hiếp dâm" - bà nói.

Các nhà hoạt động cũng cho rằng chỉ có luật pháp sẽ không đủ để giải quyết vấn đề hiếp dâm trong một xã hội vẫn coi phụ nữ là công dân hạng hai, là kém cỏi hơn so với đàn ông. Theo họ, trừ phi thái độ xã hội thay đổi và phụ nữ được tôn trọng, được đối xử bình đẳng, nếu không, những gì thu được từ các cuộc biểu tình theo sau cái chết của nạn nhân hiếp dâm ở Delhi sẽ chẳng kéo dài được lâu.


Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm