Vụ lộ ảnh nóng 100 sao nữ: Ngừng 'sexting' hay trừng trị kẻ phát tán?

03/09/2014 08:49 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Hôm 31/8, thế giới  tỉnh giấc trong ngỡ ngàng trước tin hơn 100 ca sĩ, diễn viên, người mẫu nữ của Mỹ và Anh bị tung ảnh khỏa thân. Điều gây ngạc nhiên không kém là công chúng và báo chí đã lập tức lên tiếng bênh vực các ngôi sao.

Cần phải đổ lỗi cho ai trong trường hợp này? Các ngôi sao nữ vì đã chụp ảnh “hư hỏng”  hoặc đã “sexting” (nhắn tin tình dục), hay hệ thống bảo mật iCloud của hãng Apple đã không vững chãi như người ta tưởng? “Đúng người đúng tội” nhất có lẽ là phải lên án những kẻ đã chủ động đánh cắp và phát tán các bức ảnh.

Khi công chúng hiểu ai là nạn nhân

Những bức ảnh bị người dùng nặc danh tung lên diễn đàn 4Chan vào tối 31/8, sau khi lấy cắp chúng bằng cách đột nhập hệ thống lưu trữ đám mây iCloud.  Ngoài sao Hollywood hạng A là Jennifer Lawrence, những sao nữ khác vướng bê bối còn có người mẫu Kate Upton, các diễn viên Mary Elizabeth Winstead.

Lawrence và Winstead đã khẳng định ảnh nóng của họ là có thật. Còn nữ ca sĩ đang lên Ariana Grande và nữ diễn viên Victoria Justice cũng bị đồn có liên quan nhưng đã lên tiếng phủ nhận.

Ngoài ra theo Independent, có thông tin ảnh của các người mẫu Kelly Brook, Cara Delevingne, Cat Deeley, diễn viên Kirsten Dunst, Kate Hudson và Selena Gomez cũng nằm trong loạt này. Thậm chí, kẻ phát tán (đến giờ vẫn chưa bị tìm ra) còn hứa hẹn cung cấp những bức ảnh “nặng đô” hơn nếu được trả tiền qua PayPal hay Bitcoin.


Truyền thông đứng về phía các ngôi sao như Jennifer Lawrence (trái) cho thấy thay đổi lớn trong cách nhìn nhận bê bối ảnh nóng.

Trong vụ bê bối này, báo chí Mỹ đã có chung quan điểm bênh vực các ngôi sao nữ và chẳng mấy tờ lên tiếng chỉ trích. Công chúng cũng không gay gắt lên án họ mà chỉ ái ngại.

Jennifer Lawrence được công chúng ủng hộ bằng những thông điệp động viên trên Twitter, thậm chí còn hơi trái khoáy khi đàn ông phát động phong trào... chụp ảnh khỏa thân giống cô để hài hước hóa chuyện này. Khác với nhiều trường hợp trước đây, họ bị chia rẽ giữa 2 luồng ý kiến bênh vực và chỉ trích các ngôi sao. Vì sao lại có hiện tượng đặc biệt này?

Câu trả lời thực ra khá đơn giản. Trong trường hợp này, công chúng và báo chí thực sự hiểu các ngôi sao chính là nạn nhân. Đây là một vụ phát tán ảnh nóng có hệ thống và có mục đích, với số lượng nạn nhân quá lớn, mỗi người đều có cộng đồng hâm mộ rộng và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.

Chẳng những thế, hành vi này còn nhắm vào hệ thống bảo mật tối tân của một hãng điện tử lớn. Điều này khác hoàn toàn với những vụ lộ ảnh nóng mang tính cá nhân của riêng Vanessa Hudgen hay Kim Kardashian trước đây.

Mỹ cũng thiếu luật

Theo CNN, vụ việc 100 ngôi sao nữ là trường hợp mới nhất và nghiêm trọng bậc nhất khi internet để người ta làm mọi thứ họ muốn, nhắm vào bất cứ ai mà họ muốn. Việc xảy ra không đơn giản là xâm phạm quyền riêng tư, mà đó là một tội ác. Luật pháp Mỹ vẫn chưa có điều luật xử lý đích danh tội danh này.

Trường hợp nặng nhất là một người đàn ông ở Florida bị bỏ tù 10 năm vì phát tán ảnh nóng của hơn 50 người nổi tiếng, nhưng tội danh vẫn được xác định dưới dạng “phát tán trái phép nội dung đồi trụy không có sự đồng ý của cá nhân người sở hữu”. Còn hầu hết các trang web đăng tải những bức ảnh lại được bảo vệ bởi luật liên bang cho phép họ vô can với những nội dung mà một bên thứ ba đăng tải.

Luật pháp không rõ ràng, cập nhật cùng với định kiến lâu năm dẫn đến sự tồn tại của văn hóa “đổ lỗi cho nạn nhân” trong những vụ việc như thế này. Thế nên, cách báo chí và công chúng phản ứng ngược lại trong trường hợp này cho thấy một sự tiến bộ.

Ảnh vẫn tồn tại và luật pháp phải khác đi

Quay lại vấn đề đổ lỗi, nữ diễn viên Mary Elizabeth Winstead, người xác nhận có ảnh nóng, đăng tin nhắn này lên Twitter hôm 31/8: “Gửi những người đang xem ảnh tôi chụp cho chồng trong ngôi nhà riêng của chúng tôi, hy vọng các bạn vẫn cảm thấy tự hào về bản thân mình”. Cô nhận được lời phản hồi: “Ngừng chụp ảnh khỏa thân đi, cô nàng ngốc nghếch. Chồng cô lại còn chưa biết đến thân thể cô hay sao? Học lấy bài học đi”.

Nhưng điều cần suy ngẫm là: Winstead có đáng bị đổ hoàn toàn lỗi lầm trong vụ bê bối không chỉ của riêng cô?

Lời phản hồi nói đúng một ý: có một cách tối ưu để ngăn chặn những bức ảnh không bị phát tán, đó là… không chụp ảnh nóng nữa. Đây không phải lần đầu người ta giật mình vì một vụ bê bối ảnh nóng (dù đây là vụ việc có quy mô lớn nhất). Nhiều năm nay, truyền thông đã cảnh báo giới trẻ những thảm họa nhen nhóm đằng sau hành vi “sexting” (nhắn tin tình dục), trong đó nhiều bức ảnh khỏa thân được gửi qua gửi lại. Người lớn khuyên trẻ nhỏ: đừng tin ai, đừng chia sẻ ảnh. Nhưng lời khuyên trọn vẹn hơn phải là: đừng chụp ảnh.

Vấn đề là lời khuyên đó đã quá muộn. Những bức ảnh đã tồn tại. Các ngôi sao, cũng giống như người bình thường, có nhu cầu chụp các bức ảnh khỏa thân riêng tư, dù khi họ làm thế thì mức độ rủi ro cao hơn người bình thường gấp nhiều lần.

Lấy Jennifer Lawrence làm ví dụ, nữ diễn viên chưa bao giờ tạo dựng cho mình hình tượng trong sáng, ngây thơ. Cô hay nói tiếng lóng và trả lời phỏng vấn cởi mở về các chủ đề người lớn. Không có gì phải sốc khi Lawrence có chụp ảnh các bức ảnh riêng tư khiêu khích để gửi cho bạn trai. Nhưng không thể không sốc khi những bức ảnh bị lộ.

Vậy vấn đề không nằm ở chỗ những bức ảnh có tồn tại mà nằm ở chỗ bằng cách nào chúng bị phát tán và cách xử lý. Theo CNN, không thể bắt phụ nữ ngừng chụp ảnh khỏa thân, không thể bắt người ta ngừng chia sẻ những thứ riêng tư trên mạng, cũng như không thể ép Apple phải cung cấp một hệ thống bảo mật mạnh hơn. Điều cốt yếu là phải trừng trị những kẻ phạm tội.


Trong khi đó, với các ngôi sao nữ thì người ta nhớ mãi, và ảnh của họ bị phát tán khắp nơi. Theo tạp chí Time, đó là dấu hiệu bất bình đẳng giới, ngay cả trong việc lộ ảnh nóng. Hậu quả của sự bất công này là các bê bối luôn ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng và sự nghiệp của các ngôi sao nữ nhiều hơn các ngôi sao nam.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm