10/11/2017 00:00 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Một năm sau vụ "Hồ sơ Panama", thế giới lại chấn động bởi vụ rò rỉ "Hồ sơ Paradise" (Paradise Papers). Các tài liệu tiếp tục phanh phui các câu chuyện về những tài khoản giữ tiền của những tập đoàn lớn, những người nổi tiếng, giàu có nhất thế giới tại nước ngoài-nơi mà hầu hết Chính phủ các nước không thể “can thiệp”. Ngay lập tức, các nhân vật nổi tiếng và tập đoàn lớn đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.
Tiết lộ gây chấn động
Ngày 5/11/2017, truyền thông nhiều nước đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính được gọi là "Hồ sơ Paradise". Hồ sơ tài chính này đã tiết lộ về hoạt động tài chính như các khoản đầu tư gây tranh cãi và trốn thuế của nhiều nhân vật giàu có quyền lực bậc nhất và các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới.
Hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong hồ sơ Paradise.
Hãng Reuters (Anh) dẫn hồ sơ rò rỉ cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp. Theo đó, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với tập đoàn năng lượng Sibur của Nga.
Trong khi đó, tờ Guardian (Anh) đưa tin khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một quỹ đầu tư trên Đảo Cayman. Báo trên cho biết điền trang này đã sử dụng các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài thường được giới đầu tư Anh sử dụng để trốn thuế.
Tỷ phú trẻ nhất nước Anh Hugh Grosvenor cũng vướng nghi án trốn thuế. Hugh Grosvenor, 26 tuổi, là con trai duy nhất của ông Gerald Cavendish Grosvenor, Công tước xứ Westminster đời thứ 7 của dòng họ Grosvenor. Hugh hiện là ông chủ Tập đoàn Grosvenor Group sở hữu khối tài sản khổng lồ.
Theo những tài liệu của công ty luật Appleby và những thông tin thu thập được từ các công ty của Anh, Tập đoàn Grosvenor Group đã quản lý không minh bạch 9,5 tỷ bảng Anh tiền thừa kế từ 7 đời của dòng họ công tước Grosvenor hồi năm 2016. Các công tước dòng họ Grosvenor là công dân Anh và phải tuân thủ quy định đóng thuế theo luật Anh. Theo đó, họ có nghĩa vụ đóng 6% tổng giá trị các tài sản nắm giữ với thời hạn 10 năm/lần. Tuy nhiên, dường như không phải toàn bộ tài sản của dòng họ Grosvenor được quản lý ở trong nước. Tính đến năm 1999, khoảng 1/2 số cổ phần của một công ty con thuộc Tập đoàn Grosvenor Group hoạt động tại Bắc Mỹ và Australia do các công ty tại các thiên đường thuế quản lý.
Hãng tin Pháp AFP đưa tin ông Stephen Bronfman, người gây quỹ và cố vấn cấp cao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã cùng cựu Thượng nghị sĩ nước này Leo Kolber chuyển khoảng 60 triệu USD tới các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.
Ngày 6/11, Apple là cái tên tiếp theo vướng nghi án trốn thuế trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Paradise" khi các tiết lộ thông tin cho thấy "trái táo cắn dở" đã chuyển phần lớn tài sản có được từ hoạt động của các chi nhánh nước ngoài về một "thiên đường trốn thuế" ở quần đảo Channel thuộc Anh.
Hãng tin Pháp AFP đưa tin sau khi tuyên bố trả các khoản thuế một cách hợp lý, đế chế công nghệ này đã chuyển phần lợi nhuận hải ngoại không bị đánh thuế về Jersey, trên quần đảo Channel. Từ trước năm 2014, Apple đã đưa toàn bộ doanh thu của các chi nhánh nước ngoài (chủ yếu là châu Âu) về các chi nhánh tại Ireland để được hưởng ưu đãi thuế và giảm thiểu khoản thuế phải đóng. Chịu sức ép của Chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu về cách hoạt động này, Apple đã tìm đến sự tư vấn của Appleby, công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, vốn đang là tâm điểm của vụ rò rỉ lần này.
Ngoài ra, "Hồ sơ Paradise" cũng tố cáo hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ Nike đã lợi dụng kẽ hở trong luật pháp Hà Lan để giảm thiểu khoản thuế phải đóng tại châu Âu. Theo báo Le Monde của Pháp, Nike đã tập trung toàn bộ doanh thu trên thị trường châu Âu về hai công ty tại có trụ sở tại Hà Lan để tránh phải trả thuế tại tất cả quốc gia mà hãng đặt chi nhánh và bán các sản phẩm của mình. Nhờ đó, thay vì phải trả mức thuế lên đến 25% theo mức trung bình của các công ty hoạt động tại châu Âu, Nike chỉ phải chịu mức thuế 2% khi đưa về Hà Lan. Nike đã áp dụng phương thức này từ năm 2014 và sau 3 năm, hãng đã giảm được mức thuế trung bình phải trả toàn cầu từ 24% xuống 16%.
Tiếp đó, tại khu vực Nam Mỹ, ngày 7/11, báo chí Brazil đưa tin tập đoàn xây dựng hàng đầu nước này Odebrecht có liên quan tới 17 công ty có trụ sở tại các nơi được coi là “thiên đường trốn thuế”.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil Henrique Meirelles, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Bộ trưởng Tài chính Argentina Luis Caputo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cũng có tên trong danh sách của Hồ sơ Paradise do bị cáo buộc có liên quan tới các quỹ và các công ty bị tình nghi trốn thuế thông qua các "thiên đường trốn thuế".
Việc công bố "Hồ sơ Paradise" diễn ra trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây cho thấy, giới nhà giàu, các công ty đa quốc gia lại đẩy mạnh việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, với số tiền lên tới 600 tỷ USD trong năm 2016.
Bác bỏ mọi cáo buộc
Ngay sau khi, truyền thông nhiều nước đồng loạt đưa tin về vụ rò rỉ "Hồ sơ Paradise", các nhân vật nổi tiếng và tập đoàn lớn đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.
Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ khẳng định ông Ross "không liên quan tới các quyết định làm ăn với Sibur của Navigator và chưa từng gặp các cổ đông của Sibur cũng như biết về quan hệ giữa 2 công ty". Tờ New York Times (Mỹ) đăng tải tuyên bố của Sibur cho biết các đàm phán với Navigator do giới lãnh đạo điều hành của công ty tiến hành chứ không liên quan đến các cổ đông. Công ty này cũng chưa từng gặp Bộ trưởng Ross.
Trong khi đó, người phát ngôn của điền trang Duchy of Lancaster khẳng định tất cả các khoản đầu tư của điền trang này đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp. Còn Nữ hoàng Elizabeth II đóng thuế từ thu nhập mà Duchy of Lancaster mang đến cho bà.
Apple cũng đã xác nhận có hoạt động chuyển phần lợi nhuận hải ngoại không bị đánh thuế về Jersey trong một thông báo trực tuyến, đồng thời khẳng định hãng vẫn tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trả thuế và các khoản phải thanh toán cho Chính phủ Mỹ, với tổng thuế thu nhập phải nộp lên tới hơn 35 tỷ USD trong ba năm qua.
Trong thông báo này, Apple giải thích phần lợi nhuận chuyển tới Jersey được thực hiện theo đúng những thay đổi phù hợp với luật thuế cải cách của Ireland ban hành năm 2015. Apple cũng khẳng định hãng không được hưởng lợi gì về mặt thuế quan khi thực hiện thay đổi này, đồng thời nhấn mạnh việc làm này không ảnh hưởng tới các khoản thuế phải trả cho các nước khác. Tuy nhiên, hãng không đề cập cụ thể loại thuế nào.
Về phần mình, Nike khẳng định việc giảm thiểu khoản thuế phải đóng tại châu Âu hoàn toàn dựa trên các quy định luật pháp tại Hà Lan.
Tại Nam Mỹ, các Bộ trưởng Tài chính Brazil Meirelles và Bộ trưởng Nông nghiệp Maggi, Bộ trưởng Tài chính Argentina Caputo cũng đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới các quỹ và các công ty bị tình nghi trốn thuế thông qua các "thiên đường trốn thuế".
Còn Tổng thống Colombia Santos đã công bố công khai trên trang mạng của Phủ Tổng thống nước này, tình trạng tài chính cá nhân trong năm 2015 và 2016. Ông Santos khẳng định những khoản tiền có trong tập đoàn Global, có trụ sở tại “thiên đường trốn thuế” là những khoản đóng góp phục vụ học đại học của các con, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan tới việc trốn thuế.
Những nét chính về "Hồ sơ Paradise"
Những thông tin trên là một phần của "Hồ sơ Paradise" do Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) công bố. "Hồ sơ Paradise" gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu văn bản bao gồm dữ liệu từ năm 1950 đến năm 2016, chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về tài khoản ở nước ngoài và hai công ty luật Estera và Asiaciti Trust.
"Hồ sơ Paradise" còn bao gồm nhiều thông tin từ 19 cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Bardados, Bermuada, quần đảo Cayman, đảo Cook, Dominica, Grenada, Labuan, Lebanon, Malta, quần đảo Marshall, St Kitts and Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu. Đây là những khu vực thẩm quyền tài phán bí mật, tức là có rất ít hoặc không có trách nhiệm về thuế.
Tổng lượng dữ liệu trong vụ "Hồ sơ Paradise" lên tới 1,4 TB. Con số này ít hơn mức 2,6 TB dữ liệu của vụ "Hồ sơ Panama", nhưng lớn hơn tất cả dữ liệu của các vụ rò rỉ thông tin khác như vụ WikiLeaks năm 2010 (1,7 GB), vụ Bí mật các tài khoản hải ngoại năm 2013 (260 GB), vụ hồ sơ thuế Luxembourg năm 2014 (4,4 GB) và vụ hồ sơ HSBC năm 2015 (3,3 GB).
Số tài liệu này ban đầu được báo Đức Suddeutsche Zeitung nắm được và sau đó chia sẻ với ICIJ và các đơn vị truyền thông đối tác lớn như Guardian, BBC và New York Times. Tuy nhiên, nguồn rò rỉ kho tài liệu "Hồ sơ Paradise" không được tiết lộ. "Hồ sơ Paradise" do 381 nhà báo từ 67 quốc gia phân tích.
ICIJ là một trong những cái tên đứng đằng sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" gây chấn động thế giới hồi năm 2016 khi tiết lộ những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. Khoảng 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama ghi lại hoạt động của công ty trong suốt 40 năm (từ năm 1975) giúp hàng nghìn người và nhiều doanh nghiệp trốn thuế.
“Thiên đường thuế” là cách gọi về một khu vực mà mặt pháp lý mức thuế được ấn định rất thấp hoặc miễn hoàn toàn. Tài sản cuất giữ ở các “thiên đường thuế” là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Giới chuyên gia cho rằng, lượng tài sản cất giữ ở nước ngoài trên thế giới hiện lên đến 10.000 tỷ USD.
Thanh Lâm - TTXVN(tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất