02/05/2015 13:17 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một người “về” trước hai hôm (phi công Lê Văn Nghĩa), một người “về” đúng ngày kỷ niệm Đại thắng: Chiều 30/4 (phi công Nguyễn Anh Tú). Thông tin sớm nhất mà chúng tôi đọc được là vào khoảng gần 8h tối...
1. Cảm giác khi nghe tin này là rất xót xa, rất đau. Nỗi đau tưởng đã vơi đi sau 13 ngày xảy ra tai nạn và tìm kiếm, lúc đó bỗng dưng bị khía lại khi tìm thấy thi thể các anh. Một tổn thất quá lớn cho gia đình, đồng đội và đơn vị của các anh, cho cả nước. Thế cũng có nghĩa là niềm hy vọng mong manh về một sự thần kỳ nào đó giúp các anh sống sót cũng đã không còn.
Nhưng trong nỗi đau có cảm giác nhẹ lòng. Nhẹ lòng vì các anh trở về đầy đủ sau 13 ngày mất tích trên vùng biển Phú Quý (Bình Thuận) để gia đình, đồng đội còn được nhìn thấy các anh lần cuối; bà con lối xóm và người dân còn được đến viếng các anh. Nhẹ lòng vì mai đây đất mẹ sẽ ru giấc ngủ ngàn thu của các anh...
Các anh về cũng làm cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là các chiến sỹ đặc công nước được nhẹ lòng. Cuối cùng, sau bao nhiêu ngày lặn ngụp đáy biển tìm kiếm các anh, kỳ công chẳng khác nào đáy bể mò kim, họ cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó trước giờ kỷ niệm Đại thắng mùa Xuân 1975.
2. Nhưng bao trùm lên tất cả, các anh “về” trong những ngày kỷ niệm Đại thắng còn khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn.
Vâng, từ khi nghe tin các anh “về”, có một sự mất mát vẫn canh cánh trong lòng. Chúng tôi thấm thía rằng, bao giờ trong chiến thắng cũng có những đau thương, mất mát, hy sinh. Trong quá khứ, cũng như trong hiện tại và tương lai..
Các anh về trong ngày Đại thắng khiến chúng tôi, trong niềm vui Đại thắng, phải nghiêng mình tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong những năm chiến tranh khốc liệt, để làm nên chiến thắng. Chúng tôi phải lắng lòng nghĩ về những hậu quả của chiến tranh mà nhiều người lính, người dân phải gánh chịu, không chỉ ở bản thân họ mà đến cả thế hệ con cháu – đó là hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Đúng như câu hát ngày giải phóng: “vui sao nước mắt lại trào”. Không phải một niềm vui đơn thuần mà là một niềm vui đa góc cạnh.
Có ai đó triết lý rằng, hòa bình chỉ là trạng thái tạm thời của các cuộc chiến tranh. Lại có ai nói rằng, chiến tranh chỉ là trạng thái tạm thời để đạt được một hòa bình mới. Dù người ta triết lý thế nào thì những người lính như các anh, thời chiến cũng như thời bình, luôn phải thường trực nhiệm vụ canh gác mặt biển, bầu trời; luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đất nước thanh bình, người dân có thể tạm thời quên đi chiến tranh, quên đi giặc ngoài, nhưng những người lính các anh thì không. Các anh vẫn tập luyện, huấn luyện là để nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Và, tai nạn (va chạm máy bay) đã xảy ra trong lúc các anh đang thực hiện nhiệm vụ thường trực của mình. Các anh hy sinh khi đang góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng của tổ quốc, bảo vệ cuộc sống hòa bình, và bảo vệ chính những ngày vui Đại thắng này...
3. Các anh về trong ngày Đại thắng nhắc nhở chúng tôi rằng, ta không được phép lãng quên quá khứ, lịch sử vẻ vang; nhưng đồng thời trong men say chiến thắng, cũng không được chủ quan, mất cảnh giác đối với những mối đe dọa trong hiện tại và tương lai của đất nước. Đã, đang và sẽ còn xảy ra những mất mát, hy sinh để có thể bảo vệ hòa bình, để có thể giành được chiến thắng trên các mặt trận.
Sự hy sinh của các anh đã nối tiếp sự hi sinh của những người lính, người dân Việt Nam trong quá khứ lịch sử, trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam... Đó là những sự hy sinh góp phần làm nên chiến thắng.
Đón các anh “về” như đón những nốt trầm trong ngày Đại thắng. Nhưng nốt trầm ấy đã làm cho bản nhạc đằm sâu, nặng suy tư và giàu ý nghĩa hơn.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất