31/07/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Lần đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện một không gian sáng tạo nghệ thuật trên giấy dó. Đó là "Dó - Space" - không gian dó của người họa sĩ đã hơn 20 năm “phải lòng” tranh màu nước trên giấy dó. Đó là họa sĩ Vũ Thái Bình.
Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, có lẽ bất cứ họa sĩ nào cũng phải thử nghiệm nhiều phong cách, chất liệu khác nhau để tìm kiếm con đường phù hợp. Vũ Thái Bình cũng không phải ngoại lệ.
“Được là chính mình”
Năm 2001, chàng trai Vũ Thái Bình tốt nghiệp ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Bằng vốn liếng được trang bị trong nhà trường, Bình thử nghiệm mình với nhiều chất liệu khác nhau từ sơn dầu, sơn mài, lụa rồi cả bột màu, acrylic v.v… Và giấy dó thời điểm ban đầu cũng chỉ là một thử nghiệm của Bình như bao chất liệu khác.
Hệt như một thiếu nữ yêu kiều, dó chẳng dễ trao duyên nhưng một khi đã phải lòng ai thì buộc người ấy phải mê đắm cả đời. Có lẽ, Vũ Thái Bình đã bị dó “hút hồn” chăng?
“Thử nghiệm với giấy dó khiến tôi thích dần theo thời gian. Để nói tại sao lại chọn gắn bó với giấy dó tôi chẳng thể giải thích thành lời. Chỉ biết rằng khi vẽ vào dó, mới chớm thích tôi đã bị cuốn đi, cuốn đi mãi theo miên man những vệt màu thấm nhòe bất định chẳng màng đến thời gian. Đúng thực cho đến nay, tôi cũng không nhớ chính xác đã bao năm theo đuổi con đường này” - họa sĩ Vũ Thái Bình bộc bạch.
Anh nói tiếp: “Nguyên bản giấy dó rất đẹp. Đó là thứ giấy không phải màu trắng như bao loại giấy khác mà là một màu ngà ngà. Chỉ cần giơ lên trước ánh đèn là có thể thấy những sợi dó còn vương lại như mành rất đẹp. Thế nên, có thể nói, giấy dó chưa vẽ đã thấy đẹp”.
Thử nghiệm với dó, Vũ Thái Bình gần như bị chinh phục hoàn toàn. Một sắc dó đầy mê hoặc khác lạ hơn bất cứ loại chất liệu giấy mỹ thuật nào. Cứ như vậy càng thử nghiệm, anh càng bị cuốn vào thế giới riêng của dó:
“Khi làm việc với giấy dó, tôi được trải ra tất cả cảm xúc, tâm tư, tình cảm… Với dó, tôi thoải mái. Tôi thăng hoa. Tất cả quyện vào nhau, cuốn vào nhau cho tôi được là chính mình. Đó là sự hạnh phúc khi tôi chọn dó để gửi gắm lòng mình”.
Mất nhiều năm để “làm chủ” giấy dó
Giấy dó vẫn được biết đến là chất liệu thuần Việt, trước nay thường chỉ dùng để ghi chép văn tự, được ứng dụng trong làm tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… Ở cấp độ cao hơn, giấy dó được dùng làm sắc phong. Dùng giấy dó làm chất liệu trong sáng tác mỹ thuật đương đại quả thực không đơn giản. Bản thân Vũ Thái Bình thời gian đầu thử nghiệm với giấy dó cũng vẽ hỏng vô số.
Giấy dó có nhiều loại với các bóc (mỗi lớp giấy gọi là “bóc” giấy) dày mỏng khác nhau. “Mỗi loại bóc giấy dó lại có độ thấm nhòe và mang đến những hiệu ứng khác nhau. Để tạo ra được hiệu ứng ưng ý với một bóc mất nhiều thời gian xử lý. Cứ như vậy qua năm tháng tôi liên tục thử nghiệm với từng loại bóc giấy dó khác nhau” - anh chia sẻ.
“Trong quá trình thử nghiệm, đầu tiên tôi vẽ tranh nhỏ, dần dần vẽ lên to. Đến nay có những bức tranh giấy dó của tôi chiều dài lên đến gần 3m. Đối với chất liệu khác, kích cỡ này có thể bình thường song với giấy dó thực sự là một dấu ấn đáng kể, chưa bàn đến tranh xấu hay đẹp”.
Rõ ràng, giấy dó tưởng như mềm mại song thực sự là thử thách lớn đối với người cầm cọ. Trước đây, một số họa sĩ đã từng thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau trên giấy dó như sơn dầu, bột màu, acrylic…. Còn anh lâu nay chỉ dùng duy nhất màu nước với lối kỹ thuật chồng nhiều lớp.
“Kỹ thuật này gần giống như xử lý trên lụa, nhuộm màu nước trên giấy dần dần từ nhạt đến đậm. Chưa kể, vẽ trên giấy dó cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vì vẽ sai chỉ có bỏ và không thể sửa. Để thuần thục kỹ thuật kiểm soát màu nước trên giấy dó cũng mất rất nhiều thời gian, tính bằng nhiều năm”.
Giấy dó có độ loang nhòe rất lớn. Bởi lẽ, trong quá trình sản xuất, giấy dó được se bằng tay nên sợi dó trên giấy thường không đều. Khi dùng màu và nước, tự thân giấy sẽ nhòe ra theo lối không có thứ tự, mang đến sự bất ngờ cho người vẽ. Cũng chính sự bất ngờ này đã thôi thúc người họa sĩ tìm mọi cách để kiểm soát độ loang và thấm trên bề mặt giấy, tạo ra sự cuốn hút riêng, khi sáng tạo với dó.
Tranh là người
Vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ xưa là “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (thơ Hoàng Cầm). Nay, Vũ Thái Bình thổi hồn vào giấy dó cũng bằng những dáng hình quê hương đậm nét. Họa sĩ chọn cách đặt vấn đề rất Việt cũng hệt như giấy dó - một chất liệu rất đỗi Việt Nam.
Ngắm tranh màu nước trên giấy dó của Vũ Thái Bình hẳn ai cũng đều thấy bình yên và an nhiên đến lạ. Người xem được trở về với miền ký ức mênh mang qua những họa phẩm nhuốm màu thời gian của chợ chiều, ngõ cũ, chốn quê, cổng làng… Hay những bước dẫn dụ lên miền thượng ngàn ngắm hoa mận nở, ghé mắt qua mái ngói cũ nơi bản vắng mù sương, để rồi vô tình chạm phải ánh mắt trong veo của cô bé vùng sơn cước với bao suy tưởng…
“Tôi chọn vẽ những câu chuyện gần gũi ở nông thôn Việt Nam, những hình ảnh thân thương với đa số mọi người, cũng nhẹ nhàng, mộc mạc như giấy dó. Có thể giai đoạn sau khi cuộc sống có những đổi thay, tôi có thể chọn một quan điểm, một cách đặt vấn đề khác” - anh tâm niệm.
Đi với dó qua 20 năm có lẻ, con người nghệ thuật của Vũ Thái Bình có nhiều đổi thay. Từ năm 2016 đến 2021, Vũ Thái Bình đã có 3 cuộc triển lãm cá nhân lần lượt là Sắc dó 2016, Sắc dó 2018 và Sắc dó 3 (2021). Mỗi cuộc triển lãm như một dấu mốc khẳng định sự chuyển mình trong hành trình sáng tạo trên giấy dó của Vũ Thái Bình.
“Lặng lẽ đeo bám mệnh nghiệp”, Vũ Thái Bình chọn cách “kiên tâm ẩn phận” để đi với giấy dó trên hành trình hơn 20 năm. Để rồi khi tình yêu với dó đã thực đầy và chỉ trực chảy tràn, anh lại tiếp tục lan tỏa tình yêu ấy đến người xung quanh như lẽ sống đời mình với một tâm thế bạo nhiệt trong sự tĩnh tại. Điều này đúng với nhận xét của họa sĩ Lương Xuân Đoàn về Vũ Thái Bình - “người an nhiên gai góc”.
Lan tỏa dó với “Dó - Space’ Coi giấy dó là một “đặc sản” của Việt Nam, Vũ Thái Bình theo đuổi một hành trình dài với giấy dó không màng đến ghi danh hay để lại tên tuổi. Với anh, quan trọng nhất là để tôn vinh giấy dó, tôn vinh giá trị truyền thống của quê hương đến đông đảo mọi người, nhất là với người trẻ. Sau hơn 20 năm miệt mài với giấy dó, vừa qua họa sĩ Vũ Thái Bình cùng với những người bạn chung ý tưởng, chí hướng đã cho ra đời không gian Dó - Space đặt tại 51 Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội). Không gian Dó được tạo ra không phải để giống một bảo tàng hay một gallery trưng bày. Thay vào đó, Dó - Space là không gian cho tất cả mọi người mong muốn được trải nghiệm và lan tỏa đưa giấy dó đi xa hơn, rộng hơn trong đời sống hôm nay. Do vậy trong tương lai, Dó - Space không chỉ trưng bày những tác phẩm tranh màu nước trên giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình mà còn có nhiều hoạt động khác liên quan đến giấy dó như: Chuỗi workshop, talk trao đổi thông tin, trải nghiệm vẽ tranh trên giấy dó, thực hành sản phẩm ứng dụng từ giấy dó… Tất cả mang đến một hướng lan tỏa lâu dài và phổ rộng, đưa giấy dó đến với đông đảo mọi người theo cách tự nhiên, gần gũi và ấm cúng nhất khi đến với Dó - Space. |
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất