23/02/2022 19:28 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà văn Vũ Hùng là tác giả của 40 đầu sách viết cho thiếu nhi, trong đó có 2 tác phẩm được giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, truyện đồng thoại Sao sao (1982), truyện ký Sống giữa bầy voi (1986).
Nhiều cuốn trong số đó được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc. Bộ sách thiếu nhi 12 cuốn của ông (NXB Kim Đồng tái bản) đã được Giải vàng sách hay 2016 của Hội Xuất bản Việt Nam! Ngày 4/2/2018, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tác giả của bộ sách vàng này trở thành người đầu tiên nhận giải “sự nghiệp văn học” do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.
Sự nghiệp văn học của nhà văn Vũ Hùng là kho văn liệu phong phú của các nhà biên soạn giáo khoa. Trong những sách giáo khoa mới, sẽ dùng từ năm học 2022-2023 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt, tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng được đưa vào sách Tiếng Việt 3 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Ngữ văn 7 bộ Chân trời sáng tạo. Cả 2 bộ sách đều khai thác những trang viết đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng về rừng xanh và muông thú.
Giải mã bí ẩn thiên nhiên
Câu chữ của nhà văn Vũ Hùng đưa học trò tới nơi “…cây mọc tầng tầng lớp lớp,núi đá chen lẫn đồi cây, sương phủ quanh năm. Nơi đó có những nguồn suối không bao giờ cạn, những bãi chuối rực trời hoa đỏ, những rừng lau bát ngát, ngày đêm giũ lá rào rào... Đó là xứ sở của loài voi… loài vật thông minh, có tình nghĩa. Chúng tận tâm và thương mến nhau chẳng khác gì con người”.
Như con người, con voi chiến sĩ chống Pháp xâm lược - ông Một “Từ ngày rời căn cứ… trở nên ủ rũ. Nó nhớ ông Đề đốc, nhớ đời chiến trận”. Với người quản tượng, một đồng đội của nó, con voi chiến sĩ ấy, dù đã được thả vào rừng cho về với hoang dã, thì “…hàng năm khi sang Thu, nó lại xuống làng. Nó rống gọi rộn ràng từ xa, trước khi lội qua bến sông… theo người quản tượng về mái nhà cũ…”.
Tới khi người bạn chiến đấu ấy, người quản tượng ấy đã mất vì tuổi già thì con voi “… quỳ xuống giữa sân, rống gọi, rền rĩ mãimà vẫn không thấy người quản tượng đi ra… con voi lồng chạy vào nhà. Cái thân hình to lớn của nó làm sập khung cửa và đổ gãy các đồ đạc. Nó hít hơi cái giường cũ của người quản tượng rồi buồn bã đi ra, chạy khắp làng tìm chủ…Từ đó, mấy năm con voi mới lại xuống làng một lần. Nó trở nên lặng lẽ, đảo qua nhà cũ của người quản tượng, tha thẩn đi trong sân, vừa tung vòi hít ngửi khắp chỗ vừa khe khẽ rên rỉ rồi âm thầm bỏ đi”.
Không chỉ viết nhiều, viết thành công về loài voi thân hình bồ tượng, “Vào lúc rạng sáng và chiều tà, chúng rống rền vang, oai nghiêm và đầy uy lực”, nhà văn Vũ Hùng còn viết về loài nhẹ cánh bay, mà nặng nghĩa tình! Trong sách Vườn chim, ông kể: “Thiên nhiên bí ẩn chưa giải mã được bao nhiêu, mọi việc mà con người cho là lạ, đều có thể xảy ra…Cò sống từng đôi, khi bất hạnh, một con chết, con kia sẽ sống cô độc đến hết đời. Nó không tìm cách kết đôi lại dù trong vườn chim có nhiều con cò lẻ đôi khác. Có những đôi cò kiếm mồi về nuôi cha mẹ già yếu không còn sức tự đi kiếm ăn. Những con sẻ đồng làm tổ trong một vùng, cùng nuôi dưỡng những con sẻ non mất cha mẹ”.
Nhà văn Vũ Hùng còn viết về những “chú ngựa đồng cỏ” xứ Mông Cổ, sang Việt Nam làm “nghĩa vụ quốc tế” trong ngành xiếc; còn viết về con culi hiền lành và nhỏ bằng một vốc tay, mà biết nằm ba lô, cùng anh bộ đội hành quân xa đánh giặc.
Nhắc nhở đứa bé Việt Nam, nói cho hay tiếng mẹ đẻ
Khi trao Giải vàng sách hay 2016 cho nhà văn Vũ Hùng, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam nhận xét: "Với tài năng văn học, học vấn sâu rộng, với tấm lòng yêu quý thiên nhiên và trẻ thơ, nhà văn Vũ Hùng đã tạo nên những trang văn đẹp và hay hiếm có về thiên nhiên hoang sơ trong rừng nguyên sinh Việt Nam. Tác phẩm của ông còn có giá trị giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ sau".
Giáo dục bằng sự chân thật trong những ghi chép mang tính hồi ký, nhắc nhở đứa bé Việt Nam, nói cho hay, viết cho hay tiếng mẹ đẻ. Cậu bé Hoàng được dạy trong mái ấm gia đình ngày ấy:
“Một tối chị cả nói:
- Các em có biết trong bài luận về con chó, Hoàng tả thế nào không?
- Chị nói lại xem nào.
- Nghe này: Con chó nhà tôi có 4 chân. Đầu nó có 2 cái tai. Đít nó có cái đuôi.
Mọi người cười rộ. Hoàng phản đối:
- Không đúng thế là gì !
- Không có gì đúng hơn, người anh nói […] nhưng để biết con chó có 2 tai, em có thể viết: Thấy bước chân ai ngoài cổng, con chó vểnh 2 tai nhọn hoắt lắng nghe. Cách mô tả đó là mô tả gián tiếp.
Chị hai cũng nói:
-…sao em không viết: Thấy tôi đi học về, con chó chạy lại rối rít vẫy đuôi mừng”. (Mái nhà xưa- NXB Kim Đồng, 2015)
Khi đã thành ông ngoại, nhân vật Hoàng lại khéo uốn nắn đứa cháu đang học tiếng Việt nơi Paris hoa lệ: “Kim bảo ông ngoại câu gì đó bằng tiếng Pháp.Ông ngoại nhắc: Kim ơi! Chỉ nói tiếng Pháp với ông ngoại trong giờ học thôi. Còn lúc thường, Kim nói tiếng Việt cho quen. Nào nói lại bằng tiếng Việt đi! Cháu xin lỗi ông! Ông muốn gì ở Hà Nội. Cháu sẽ mua cho. Kim nói biếu ông thì lễ phép hơn. Người Hà Nội mình ưa lễ phép.Vâng! Ông muốn gì ở Hà Nội, cháu sẽ mua về biếu ông”. (Vì sao voi khóc- NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019).
Đè nén khiếp sợ và cám dỗ
Trong các trang viết của Vũ Hùng, luôn xuất hiện những nhân vật biết sống, dám sống cho ra người! Đó là những hình mẫu giáo dục của tác già. Trước bầy đàn thú vật, một anh bộ đội Việt Nam dám ra roi kỷ luật một con voi nghịch hỗn:
“Nó thọc vòi vào mồm, hút nước đựng ở túi dự trữ trong họng và phun tung tóe vào người tôi. Quần áo tôi bị tưới đẫm một thứ nước nhầy nhụa và hôi hám. Các quản tượng đứng trên sàn cười ha hả. Tôi bối rối định bỏ chạy. Nhưng tiếng cười làm tôi đứng sững lại. Tôi tự bảo: Nếu ta chạy thì sau này các quản tượng còn cười đến đâu! Sự xấu hổ làm tôi trở nên liều lĩnh. Sẵn chiếc dây lưng cầm trong tay tôi quật mạnh vào vòi con voi tinh nghịch. Tôi chờ sự trả đũa của nó. Nhưng lạ lùng chưa: Chú voi con tránh sang bên đường. Không con voi nào trong bầy bênh vực nó. Chừng như lũ voi là những con vật rất biết điều và chúng hiểu không phải tôi mà đồng loại của chúng có lỗi trong việc này. Con voi con nhìn tôi bằng cặp mắt ngạc nhiên dò hỏi. Rồi cặp mắt ấy cúi xuống với vẻ cam chịu âm thầm. Tôi đã thắng vì đã đè nén được nỗi khiếp sợ của mình” (tr.17 Sống giữa bầy voi).
Đấy là chuyện “đè nén khiếp sợ” còn chuyện đè nén cám dỗ thì có thể thấy ở trang khác cũng trong truyện này:
“Chuyện xảy ra cuối thế kỷ trước. Một phái đoàn của triều đình Huế đã đến làng bác Bun Mi. Họ đặt mua 5 con voi thật tốt. Các quản tượng đưa đến 5 con voi khỏe mạnh nhất, thông minh nhất và chăm chỉ nhất trong lũ voi làng. Sau khi trả tiền đầy đủ, một viên quan lấy thêm 5 nén vàng đặt xuống chiếu. Người làng Vông Xay chưa trông thấy những nén vàng to như thế bao giờ. Vàng lấp lánh hoa cả mắt. "Chúng tôi cần những ông voi khác thường” - viên quan nói và lấy lý do tình hình loạn lạc, kẻ làm phản đông như kiến nên - “Phải trừng phạt chúng và răn dạy kẻ khác. Vì thế Đức Vua chúng tôi muốn 5 ông voi sẽ được rèn dạy để làm sáng tỏ uy quyền của Ngài. Hãy dạy cho 5 ông cách hành hình […] trói tên tử tù trên tấm ván rồi cho quản tượng dẫn ông voi tới. Ông co một chân lên và khi nghe trống lệnh ông lấy hết sức giẫm mạnh lên đầu kẻ làm phản […] Thoạt nghe viên quan trang trọng gọi con voi là ông, các quản tượng cười rộ, vừa ngạc nhiên vừa vui thích. Nhưng nghe hết câu chuyện thì mọi người đều kêu lên bất bình. Họ trả lại tiền cho khách, trả cả 5 nén vàng. Người ông của bác Bun Mi lúc ấy là chủ làng, trả lời: Không! Không bao giờ như thế đâu! Chúng tôi chỉ dạy con voi làm việc. Không quản tượng nào trong làng dạy con voi giết người".
Những chuyện người, đậm chất suy tư chắt ra từ những chuyện thú vật rất thật như thế, tạo ra văn phong Vũ Hùng, khác lạ nhiều so với cách viết đồng thoại, kiểu Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) hay Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam). Về văn phong này, nhà văn Viết Linh (1931-2021) từng nhận xét: “Không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi thích sách của anh mà nhiều người lớn cũng rất thích. Bạn đọc thích chúng không phải chỉ do những yếu tố mới lạ mà do chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần trong mỗi trang anh viết”.
Vài nét về nhà văn Vũ Hùng Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại Hà Nội,cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An), cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, cựu chiến binh bộ đội Việt Nam với 30 tuổi quân ở các vị trí công tác phụ trách đài vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại miền trung nước Lào, phóng viên trang khoa học của báo Quân đội Nhân dân. Ông từng làm biên tập viên của NXB Ngoại văn và NXB Văn học, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Văn hóa. Hiện ông sống tại Hà Nội. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất