'Mạng xã hội' và Mark Zuckerberg

02/12/2014 14:03 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Trong năm nay, 2 phim tiểu sử lớn mang tên The Theory Of Everything và The Imitation Game đã ra rạp. Các tác phẩm này là bằng chứng cho thấy phim tiểu sử về nhân vật có thật đã và vẫn đang nằm trong trung tâm sự chú ý của Hollywood.

Trước đây, người ta đã có nhiều lời bàn tán về phim Mạng xã hội (The Social Network), một quả bom của điện ảnh năm 2010, nói về Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook.

Khi phim này thất bại trước The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà vua) tại giải Oscar Phim hay nhất, tranh cãi đã xảy ra vì có ý kiến cho rằng Mạng xã hội xứng đáng hơn. Diễn viên Jesse Eisenberg vào vai chính Mark Zuckerberg cũng được đề cử Oscar nam chính.

Đánh vào sự tò mò của công chúng với nhân vật đã quá nổi tiếng, tận dụng hiểu biết và cảm xúc có sẵn của công chúng, là bệ phóng cho các ngôi sao điện ảnh – Mạng xã hội mang đủ các đặc điểm này và đại diện tiêu biểu của dòng phim tiểu sử trong mấy năm qua.

Một bộ phim "xuất sắc"...

Bộ phim được kể theo hình thức “truyện lồng trong truyện”, về 2 vụ kiện trong cùng một thời điểm, với một giữa Zuckerberg và cặp song sinh Winklevoss và vụ còn lại giữa Zuckerberg và người bạn Eduardo Saverin.

Năm 2003, sinh viên Đại học Harvard Mark Zuckerberg sau khi bị bạn gái “đá” trong cuộc hò hẹn buổi tối, đã đi bộ một mạch về ký túc xá. Tại đây, khi những người bạn cùng phòng uống bia và tán phét, Zuckerberg ngồi trước máy tính lập ra một trang web tên là Facemash. Anh trộm ảnh các sinh viên nữ trong trường, đăng lên và cho người xem bầu chọn ai đẹp hơn ai. Lượng truy cập trang web đã khiến mạng nội bộ của Harvard bị sập.


Mark Zuckerberg (trái) ngoài đời và Jesse Eisenberg đóng vai anh trong phim Mạng xã hội.

Đây là chuyện có thật. Vụ phá phách kiêm thành tựu này của Zuckerberg  khiến cặp song sinh thượng lưu Cameron - Tyler Winklevoss và cộng sự Divya Narendra để ý, mời anh về làm việc cho mạng xã hội Harvard Connection.

Nhận lời anh em nhà Winklevoss, Zuckerberg đến tìm người bạn thân Eduardo Saverin với ý tưởng mạng xã hội Thefacebook dành cho sinh viên các trường Ivy League danh giá của Mỹ. Họ gặp Sean Parker, nhà sáng lập Napster, người gợi ý cho Zuckerberg chuyển công ty từ Massachusetts đến Palo Alto, California để phát triển mạng xã hội mang tên Facebook.

Facebook ngày càng nổi tiếng và thu hút được nhiều người dùng thì Zuckerberg cũng vướng vào vụ kiện ăn cắp ý tưởng của anh em Winklevoss và vụ kiện lừa đảo của Eduardo Saverin, nhân vật bị Zuckerberg loại khỏi nhóm sở hữu Facebook.

Trong Mạng xã hội, cách kể chuyện đan xen giữa các tình tiết hiện tại trong 2 phiên tòa và các tình tiết liên quan trong quá khứ, cộng với lời thoại dài và nhanh nhưng rất sâu sắc khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình. Với cách mở đầu rất cá nhân và đời thường, phim khiến người xem nhìn nhận Zuckerberg như một con người, có yêu ghét, tổn thương và thăng hoa chứ không phải một thiên tài công nghệ siêu đẳng, xa lạ.

Nhà phê bình vĩ đại Roger Ebert dành cho phim những lời như sau: “Mạng xã hội đạt tầm chất lượng hiếm thấy, không chỉ thông minh ngang bằng với nhân vật chính phi thường của nó, mà còn thông minh theo cùng một kiểu”. Đây là một lời khen với cả Mạng xã hội lẫn Zuckerberg.

Ebert xếp đây là phim hay nhất năm 2010. 13 tờ báo và tạp chí uy tín khác của nước Mỹ cũng có cùng quan điểm này, gồm những cái tên lớn như New York Times, New Yorker Rolling Stone.

...Nhưng khiến Mark Zuckerberg “đau đớn”

Bản thân Zuckerberg lại không có cùng cảm nhận với giới phê bình. Anh ghét cay ghét đắng bộ phim. Đến tận đầu tháng 11 năm nay, Zuckerberg vẫn còn “đau đớn”. Trong một cuộc hỏi đáp công khai với công chúng toàn cầu, ông chủ của Facebook than rằng bộ phim đã bị tô vẽ quá mức, vì thực tế không được hấp dẫn như các nhà làm phim mong muốn.

“Họ cũng có vài chi tiết thú vị chuẩn xác như cách thiết kế văn phòng của tôi. Nhưng về tổng thể thì họ như thể đã bịa ra một đống chi tiết, khiến tôi thấy cảm thấy đau đớn” – anh nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Zuckerberg lên án bộ phim tiểu sử đầu tiên về mình. Nhưng chính anh lẫn không ít khán giả đều chẳng thể phủ nhận một điều, rằng Mạng xã hội là một phim thuộc hàng kinh điển.

Với Mạng xã hội, công và tội dường như đã được xét công bằng. Biên kịch của phim, Aaron Sorkin, đã lên tiếng xin lỗi Zuckerberg sau lời than “đau đớn” trên đây của anh. Đồng thời, năm 2010, ông cũng khẳng định Mạng xã hội là một kịch bản hư cấu chứ không sát thực 100%.

Những chi tiết sai trong phim cũng được các trang mạng vạch ra từ năm 2010, nhưng đổi lại, chất lượng nghệ thuật rất cao của phim là điều ít người phủ nhận.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm