Các CLB Việt Nam và hành trình châu lục: Từ câu chuyện của Wenger

28/02/2015 17:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Khi cùng Asenal sang Việt Nam vào năm 2013, Giáo sư đã dành nhiều lời tốt đẹp cho bóng đá Việt cũng như cảm xúc của bản thân với mảnh đất hình chữ S. Nhưng ít ai lúc này còn nhớ, Wenger có cơ hội tới Việt Nam từ năm 1996 trong khuôn khổ Cúp C2 châu Á, tiếc là ông không tới.

Các Cúp bóng đá châu Á ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và được xây dựng theo mô hình của các Cúp bóng đá châu Âu với những tên gọi C1, C2. Do hoàn cảnh riêng, khi đó chỉ có các đội bóng của miền Nam Việt Nam tham dự và đội bóng đầu tiên tham dự là Quan Thuế (Vietnam Customs) với kết quả bị loại ngay ở vòng 1 trước Selangor (Malaysia) sau 2 lượt trận (lượt đi hòa 0-0 trên sân khách, lượt về sân nhà lại thua 1-2).

Vì nhiều lý do khác nhau, phải tới mùa 1992/1993, tức là sau khi bóng đá Việt Nam chính thức trở lại đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 1991 ở Philippines của đội tuyển nam quốc gia, các CLB trong nước mới góp mặt ở sân chơi này.

Đó là khởi đầu chẳng đến nỗi tệ. Ngoại trừ Hải Quan bị loại ngay ở vòng 1 Cúp C1 trước Arseto (Indonesia) sau 2 lượt trận với tỷ số 3-2, thì Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng đã vào tới tận bán kết Cúp C2 và chỉ chịu thua FC Nissan (Nhật Bản) 0-3 trên sân khách sau khi hòa 1-1 ở thánh địa Chi Lăng. Đây vẫn cứ là thành tích tốt nhất của các CLB Việt Nam tại đấu trường châu lục tính đến thời điểm hiện tại.

Nhắc lại những câu chuyện đã... quá cũ kể trên để nói về một thời kỳ gian khó nhưng cũng có nhiều thứ để mà tự hào của bóng đá Việt. Khi đó, dù bóng đá phải vật lộn với những năm cuối của chế độ bao cấp, chuyện được đi đá bóng ở nước ngoài dù được gắn với màu cờ sắc áo, nhưng thật ra là thứ phần thưởng mà chẳng mấy người có được.

Chỉ có điều, ở cái thời khó khăn ấy, dân trong nghề đã sớm nhận ra - Cúp châu Á thực sự là cái... của nợ, vì tốn tiền, hao lực mà chẳng đi đến đâu.

Những năm sau, các đội bóng Việt Nam tiếp tục "phải dự" các Cúp bóng đá châu Á sau khi đã giành chức vô địch hoặc Cúp quốc gia trong nước, nhưng tâm lý thì vẫn vậy, chỉ đơn giản là 1 hoặc nhiều hơn là 2 chuyến đi nước ngoài để "nhìn và mơ". Đỉnh điểm có lẽ là vào năm 1996 khi Công an Hải Phòng được thi đấu vòng 2 Cúp C2 châu Á với Nagoya Grampus Eight, đội bóng Nhật Bản khi ấy được dẫn dắt bởi HLV người Pháp Arsène Wenger.

Tất nhiên, khi ấy chẳng mấy người hâm mộ Việt biết về Giáo sư và vị HLV người Pháp này cũng đang chuẩn bị để chia tay xứ Phù Tang để sang Arsenal. Khi đó, vào một buổi chiều mà người viết có mặt trên sân Lạch Tray khá vắng vẻ, vắng vẻ từ khán giả đến giới truyền thông thì chỉ được biết ông Wenger không có mặt .

Và ấn tượng duy nhất với đội bóng chuyên nghiệp đến từ Nhật Bản này là những bước chuẩn bị, khởi động khá bài bản từ trong nhà thi đấu Lạch Tray vốn... đầy muỗi mà người viết được "nếm" từ tối hôm trước.

Lúc đó, dù chưa lên chuyên, bóng đá Việt cũng đã sốt với các vụ mua bán cầu thủ, Công an Hải Phòng cũng chẳng là ngoại lệ. Thời ấy, ở đất Cảng và ở trận đấu lượt đi khá ấn tượng với Nagoya Grampus Eight (1-1), cầu thủ nổi bật nhất của Hải Phòng là Trường Giang, trung vệ mà theo dân trong nghề đồn là được đích thân lãnh đạo ngành TDTT Hải Phòng lúc đó "xách cả valy tiền" để mua về từ Nam Định.

Chênh lệch về trình độ, đá dĩ nhiên là toàn thua. Một vài trận hòa được đã mừng kiểu như Thể Công cầm chân Suwon (Hàn Quốc) ở vòng 2 Cúp C1 cũng chỉ làm... kỷ niệm bởi lượt về thua đến 6 bàn không gỡ.

Các Cúp bóng đá châu Á trở thành gánh nặng cả về lực lượng đến kinh phí và chuyện dễ hiểu là các đội bóng Việt Nam đều chẳng muốn tham dự. Năm 1995 cả Cảng Sài Gòn lẫn Sông Bé vì lý do bị kỷ luật ở giải quốc nội nên xin rút và An Giang thay thế dự Cúp C2. Đỉnh điểm đến năm 2001, SLNA dù là ĐKVĐ giải chuyên nghiệp đầu tiên nhưng chấp nhận nộp tới 2.000 USD để được rút lui khỏi Cúp C1 châu Á.

Từ háo hức, cả thèm đến... chán của CLB bóng đá Việt tại sân chơi châu Á nhanh như khi nó đến.

Kỳ 2: Thua đến... chóng mặt!

V.M
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm