19h45 ngày 2/1, West Ham - Liverpool: Klopp không đủ mạnh mẽ cho Premier League?

02/01/2016 09:34 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Cuộc đối đầu giữa “gã người Đức mềm yếu” Juergen Klopp và “lão già Anh cứng rắn” Sam Allardyce đã tiếp nối một truyền thống thú vị của Liverpool và Premier League.

Các HLV nước ngoài tại Anfield nhìn chung thường bị chào đón bởi sự ghẻ lạnh và có phần coi thường của các đối thủ bản địa, và Klopp không phải ngoại lệ. Dù đó là Dave Bassett, Bobby Gould, Neil Warnock, Tony Pulis, Sam Allardyce hay Roy Hodgson, các HLV người Anh thường cố ý tỏ ra thiếu tôn trọng với những đồng nghiệp ngoại quốc tại Anfield.

Những tranh cãi giữa Klopp và Pulis cùng Allardyce là sự tiếp nối truyền thống đó, khi mà việc Liverpool tự cảm nhận là một đội bóng hiện đại với tư duy cấp tiến thường bị thách thức bởi những HLV kiểu Anh rất truyền thống. Ngay từ thời Bill Shankly huyền thoại xa xưa, Liverpool, cùng với Man United của Matt Busby, đã tin rằng cần phải đưa những giá trị châu Âu đẳng cấp và tiến bộ vào bóng đá Anh cũ kỹ, ngủ quên trên quá khứ và tự huyễn hoặc mình.

Các HLV ngoại quốc với tầm nhìn khai sáng, vì thế, đã được mời tới Merseyside suốt 20 năm qua, nhiều người thấy sốc bởi sự thô ráp và cứng rắn quá mức của bóng đá Anh, những giá trị mà các HLV như Allardyce và Pulis liên tục tự cho rằng họ là những người bảo vệ cuối cùng, của một thành lũy truyền thống đã lung lay rất nhiều trước sự tấn công không ngừng nghỉ của tư duy bóng đá khác lạ, và mới mẻ, từ châu Âu lục địa.


Ai bảo Klopp là "người Đức mềm yếu"?

Nếu Premier League là một trường đại học, thì Allardyce và Pulis là những sinh viên bản xứ đang làm hết sức mình để chứng minh những giá trị bản địa trước các sinh viên trao đổi đầy sức hấp dẫn tới từ nước ngoài. Ngay cả Arsene Wenger cũng phải trải nghiệm điều này một thời gian dài ở Arsenal: những chuyến làm khách của ông tới Stoke dưới thời Pulis thường kết thúc bằng việc ít ra là 2-3 cầu thủ trong đội hình Arsenal rời sân vì chấn thương.

Nhưng ngoài chuyện giá trị và truyền thống, còn có vấn đề thực tế. Sự thù ghét xuất phát trước hết từ việc các HLV bản địa thấy họ mất đi những cơ hội tốt nhất vào tay người nước ngoài. Sẽ là quá lời nếu dùng chữ “bài ngoại”, nhưng việc Allardyce gọi Klopp là “gã người Đức mềm yếu” đã đề cập tới một quốc tịch cụ thể và mang tính phân biệt đối xử rõ ràng.

Cũng đáng nhắc rằng Liverpool và Allardyce đã cùng nhau trải qua một lịch sử kỳ lạ. Trong tháng đầu tiên của Rafa Benitez với bóng đá Anh năm 2004, ông đã bị Allaryce, khi đó dẫn dắt Bolton, đánh ngay trên sân (theo đúng nghĩa đen), và sự thù hằn bắt đầu từ đó.

Warnock là một HLV Anh khác cũng rất không ưa Benitez. Ông đã công khai cho rằng việc Sheffield United của ông rớt hạng năm 2007 một phần là do HLV người TBN. Warnock nói Benitez đã cho ra sân một đội hình 2 ở trận gặp đối thủ tranh suất trụ hạng với Sheffield, Fulham, trước trận chung két Champions League (công bằng mà nói, khó có thể gọi đó là đội hình 2, Xabi Alonso, Pepe Reina, Sami Hyypia, Alvaro Arbeloa, Craig Bellamy và Robbie Fowler đều đá chính).

Nhưng mối hận của Warnock với Liverpool còn lâu hơn thế, từ thời Gerard Houllier, với tâm điểm là trận bán kết League Cup đầy tranh cãi năm 2003, hay thậm chí là từ thời đội bóng tuyệt vời của Kenny Dalglish những năm 1980, khi mà các đội bóng của Warnock vẫn còn chơi thứ bóng dài tạt cánh đánh đầu cổ lổ.

Thành công ở thời kỳ đó của Anfield cũng đã tạo ra một sự kiêu ngạo không tránh khỏi nơi Liverpool, và cộng thêm các HLV ngoại, càng khiến họ đáng ghét. Mỗi trận đấu của Liverpool với những đối thủ do các HLV bản địa nắm, vì thế, trở thành một dịp để các chiến lược gia người Anh ăn thua đủ với những kẻ nhập cư “sang chảnh” hợm mình.

Với tất cả sự tôn trọng dành cho hai HLV của Sunderland và West Brom, Klopp, từng vô địch Đức 2 lần và chỉ đạo ở trận chung kết Champions League, có lẽ chỉ biết mơ hồ về họ cho tới khi đối đầu nhau trên sân. Nhưng giờ, ông đã biết rõ hơn điều gì chờ đợi ông ở Premier League.

Dự đoán: 1-1

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm