09/01/2015 06:30 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com) - Có một quyết định Wilfried Bony không bao giờ cảm thấy hối hận, đó là cãi lời cha để theo đuổi sự nghiệp túc cầu.
Chẳng nghèo nhưng không lấy làm giàu có là gia cảnh của gia đình Wilfried Bony thời niên thiếu. Bố anh là một giáo viên còn mẹ anh, có đai đen judo, làm việc trong một cơ quan nhà nước. Cuộc sống êm đềm với 3 người con ở vùng bình nguyên Abidjan, phía Nam Bờ Biển Ngà đã hình thành nếp nghĩ trong đầu của “Bony cha”. Với ông, các con cần đến trường để sau này có một công việc ổn định.
Dấu mốc tuổi 17
Ngặt nỗi Wilfried không coi đó là lý tưởng sống. Đam mê chơi bóng từ thuở nhỏ, khát khao của chàng trai sinh năm 1988 là trở thành cầu thủ nổi tiếng. “Cứ học hành đi, rồi chơi bóng sau. Các bác sĩ cũng chơi bóng đá cơ mà”, ông Bony cố thuyết phục con trai. Rồi ông bỏ tiền dành dụm đăng ký cho con theo học 1 trường có truyền thống trong vùng.
Nhưng chẳng lâu sau, Wilfried bỏ học. Không hứng thú với những con chữ, Wilfried làm trái lời bố, đăng tuyển vào học viện bóng đá trẻ của Cyrille Domoraud, một cựu trung vệ ĐT Bờ Biển Ngà từng khoác áo Inter và AC Milan. Bởi chuyện này, chiến tranh lạnh đã nổ ra giữa Wilfried và cha đẻ của mình. Trong 3 năm trời, họ không nói với nhau một lời bất chấp nỗ lực hòa giải của thành viên trong gia đình.
Cuộc sống của Bony trở nên khó khăn hơn khi anh sớm làm cha năm 17 tuổi. Thời điểm đó, Bony không có lấy 1 sự nghiệp, chỉ chơi bóng vì đam mê. “Đó là một thời gian khó khăn. Tôi đã không có công việc, tôi có con, vợ con sống với tôi, với gia đình tôi. Tôi không có một xu dính túi. Lúc đó tôi chỉ chơi trên đường phố, không phải trong một đội chuyên nghiệp nào”, Bony nhớ lại.
Thương con trai, đôi khi Bony cha đã dang tay giúp đỡ về tài chính. Nhưng điều khiến Bony đau lòng nhất là ẩn sau ánh mắt của người cha là nỗi buồn vô hạn. Với ông, chẳng tồn tại khái niệm “sự nghiệp” nếu như không tới trường.
Quà cho Bony cha
Giữa lúc Bony rơi vào khủng hoảng, sự xuất hiện của tuyển trạch viên đã đem đến ánh sáng. Bony được ký hợp đồng với CLB chuyên nghiệp đầu tiên, Issia Wazi ở Bờ Biển Ngà, và vài tháng sau được mời sang thử việc ở Liverpool của Rafa Benitez. Ngày trở về quê nhà, Bony nhận được một lá thư từ Sparta Prague, trong đó nói anh được đảm bảo ra sân tối thiểu 10 trận mỗi mùa. Hai tháng sau, Bony khăn gói tới CH Czech.
Cái lạnh thấu xương ở miền đất mới không phải là trở ngại lớn nhất của Bony, mà là ngôn ngữ. “Tôi không nói được tiếng Anh. Tôi đã không nói tiếng Czech. Đôi khi họ bảo tôi di chuyển sang bên trái nhưng tôi lại sang phải. Tôi giống như một thằng điên trên sân!”. Từ lúc đó, Bony hiểu rằng bản thân cần định nghĩa lại khái niệm cầu thủ chuyên nghiệp. Anh nhớ đến bố, đến lời nói “con chữ luôn cho ta một hành trang”...
Giờ thì Bony đã nói sõi tiếng Czech. Bony còn nói được tiếng Pháp và Anh trôi chảy và một chút tiếng Hà Lan. Vị thế của Bony cũng đã khác. Anh bây giờ là mục tiêu theo đuổi số 1 của nhà ĐKVĐ Premier League Man City. Báo chí Anh khẳng định rằng Bony sẽ rời Swansea tới Etihad ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông này.
Bony vẫn giữ im lặng. Sẽ chẳng có chuyện anh lên tiếng đòi ra đi hay gây áp lực với đội bóng chủ quản vì mục đích của cá nhân mình. Anh đã từng làm điều đó khi ở Vitesse và vô cùng hối hận, nên sẽ chẳng lặp lại sai lầm.
Sự tập trung của Bony dồn vào ngày trở về quê nhà, cùng Bờ Biển Ngà chuẩn bị cho CAN 2015. Đây cũng là cơ hội để Bony gặp gỡ người thân trong gia đình bởi dịp Giáng sinh và năm mới, anh đã không thể bên họ. Đem theo 2 người con trai (một bé 9 tuổi và một bé 8 tuổi), Bony hứa hẹn sẽ dành tặng cho bố anh một “món quà lớn”.
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất