09/05/2015 16:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Wolfgang Beltracchi (63 tuổi), biệt danh “kẻ làm giả tranh thế kỷ”, là nhân vật từng gây sóng gió trên thị trường nghệ thuật thế giới với nhiều bức tranh rởm mạo danh kiệt tác của các bậc thầy.
Nay Beltracchi quyết định "hoàn lương", không núp bóng danh họa để kiếm tiền nhanh một cách trái phép mà sẽ công khai bán tranh của mình.
"Robin Hood của nghệ thuật"
Có thể nói, câu chuyện của Beltracchi còn lạ và độc đáo hơn cả vẻ bề ngoài mang phong cách hippy của ông. Với tài năng xuất chúng, Beltracchi vừa được coi là một họa sĩ thiên tài lại cũng vừa bị xem là một kẻ chép tranh thô bỉ. Curtis Briggs, người trưng bày tranh của Beltracchi, thì gọi ông là “Robin Hood của nghệ thuật”. Vậy Beltracchi thực sự là ai?
Trong 36 năm qua, Beltracchi đã vẽ 300 bức tranh theo phong cách của các bậc thầy vĩ đại, như Pablo Picasso, Gauguin hay Monet. Ông ký tên mạo danh họ, sau đó để vợ bán tranh. Khi tiêu thụ các bức tranh giả này, vợ chồng Beltracchi nói với khách hàng rằng chúng thuộc bộ sưu tập của gia đình. Thậm chí để thuyết phục khách hàng, họ còn dàn dựng và chụp các bức ảnh "nguồn gốc tranh" trông khá cũ làm bằng chứng.
Hiện khoảng 250 bức tranh của Beltracchi vẫn chưa bị phát hiện là “của rởm” và vẫn lưu hành trên khắp thế giới. Tuy nhiên, có nhiều người rất yêu thích các bức vẽ của Beltracchi. Thậm chí họ biết mình đang sở hữu các bức tranh rởm, song vẫn im lặng.
Tài năng hơn cả bậc thầy?
Tài năng của Beltracchi xuất chúng đến mức vợ góa của họa sĩ Đức Max Ernst nhận thấy họa sĩ còn vẽ đẹp... hơn cả chồng mình. Không ít chuyên gia tưởng rằng tranh giả của ông là các kiệt tác thực sự.
Tuy nhiên, sự bất cẩn của Beltracchi đã khiến ông bị “lộ tẩy”. Trong bức tranh rởm giả một tác phẩm từng được Heinrich Campendonk vẽ năm 1914 và bị thất lạc, Beltracchi đã dùng màu trắng titan. Tranh của ông bị phát hiện là rởm chỉ bởi thời điểm Campendonk vẽ bức tranh ấy, thế giới chưa có màu trắng titan!
Năm 2011, Beltracchi bị tuyên phạt 6 năm tù giam, còn vợ ông lãnh án 4 năm tù. Trong thời gian bị tạm giam ở Cologne, Beltracchi đã vẽ chân dung nhiều tù nhân và giấu kín các bức tranh này. Tháng 1 năm nay, ông được giảm án và trả tự do.
Từ ngày 8/5, các bức tranh mới của ông được trưng bày trong triển lãm Freedom tại phòng tranh Art room9 ở Munich. Triển lãm trưng bày 24 bức tranh của Beltracchi. Đáng nói là trước khi triển lãm khai mạc, nhiều nhà sưu tầm khắp thế giới đã gọi điện đến phòng trưng bày và nói rằng họ muốn có một bức tranh thực thụ của Beltracchi.
Giờ Beltracchi được tự do vẽ theo cách mà ông muốn và đã đàng hoàng ký tên mình dưới tranh. Song tranh của ông vẫn “vay mượn” nhiều phong cách vẽ khác nhau, của Kandinsky, Campendonk, Durer và Gauguin. Trong bức Dance On The Stairs, Beltracchi lại lấy cảm hứng từ tranh của Fernand Leger vẽ năm 1913.
Nhiều nhà phê bình vẫn coi Beltracchi không phải là một họa sĩ mà chỉ là một gã tội phạm. Song Beltracchi chẳng quan tâm tới những lời đó. “Bất cứ ai chỉ trích tôi cũng chỉ vì họ ghen tị hoặc muốn trả đũa” - ông tuyên bố.
Vẽ tranh để trả nợ
Beltracchi ghét sự đơn điệu và không thích việc phải vẽ tranh theo một phong cách, một lối mòn. Ông muốn kết hợp phong cách vẽ của quá khứ, hiện tại và tương lai. Giờ ông là một “ngôi sao” trong làng hội họa và nhiều nhân vật nổi tiếng đang xếp hàng để được ông vẽ chân dung.
Beltracchi còn tung ra 2 cuốn sách mà ông viết cùng vợ và làm một số phim tải liệu. Nhiều nhà biên kịch ở Mỹ đã gửi cho Beltracchi kịch bản để làm phim về cuộc đời ông.
Hiện Beltracchi vẫn tiếp tục vẽ tranh tại studio riêng ở Montpellier, miền Nam nước Pháp. Thời còn làm tranh giả, Beltracchi có một cuộc sống sung túc. Nay ông sống khá đạm bạc, bởi tiền bán tranh ông phải mang ra trả nợ. Tòa án đã yêu cầu tới năm 2017, Beltracchi phải trả hết số tiền lên tới 20 triệu euro.
Tuy vậy, với Beltracchi, thu về khoản tiền đó không khó, bởi nhu cầu sưu tầm tranh của ông hiện đã trở nên rất lớn. Do nhu cầu của khách hàng mà giá tranh của Beltracchi tăng rất nhanh. Tính đến thời điểm này, bức tranh đắt giá nhất của ông đã có giá tới 78.000 euro (88.500 USD), phần nào cho thấy tài năng của ông thực sự được ghi nhận.
Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất