14/06/2014 10:09 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - Không thể thống kê nổi đã có bao nhiêu chiếc áo đội tuyển Brazil được bán ra trong những ngày này. Không phải vì quá nhiều, dù thực tế là người ta đã nhuộm vàng cả đất nước.
Một ngày trước trận đấu, trong khi các cửa hiệu của Nike, nhà tài trợ chính trang phục của Brazil khá vắng vẻ thì áo bán tới tấp ở khu chợ của người Trung Quốc.
Khu Liberdade gần trung tâm Sao Paulo, áo nhái của đội tuyển Brazil treo cao như ở phố Trịnh Hoài Đức hay đường Huyền Trân Công Chúa. Nếu một chiếc áo xịn giá gần 150 real (gần ba triệu) thì một chiếc áo nhái chỉ hai hay ba chục real.
Người phụ nữ gốc Trung Quốc vừa hý hoáy cắt chiếc sim cho vừa chiếc Iphone cho khách, vừa bán vỏ bọc máy điện thoại và thu tiền bán áo. Người Trung Quốc ở Brazil là một trong những làn sóng nhập cư mới đến với nền kinh tế lớn số một Nam Mỹ và là thứ bảy của thế giới.
Nhưng Liberdade không phải của người Brazil gốc Hoa. Đó là nơi mà người Nhật Bản đã tạo dựng cả thế kỷ để được thừa nhận như một trong những cộng đồng người nhập cư ở Brazil thành công nhất. Khoảng 75% trong tổng số 1,5 triệu người Nhật ở Brazil định cư tại Sao Paulo, trở thành cộng đồng người Nhật lớn nhất ở hải ngoại.
Nếu như hơn một thế kỷ trước, người Nhật tới Sao Paulo chỉ để trồng cà phê thì nay họ phát triển một hệ thống tài chính, trao đổi ngoại tệ nhỏ, biến các nhà hàng Nhật trở thành sự lựa chọn hàng đầu ở đây, cho cả khách du lịch lẫn người bản địa thuộc tầng lớp trung lưu.
Khi trọng tài người Nhật Bản Yuichi Nishimura được FIFA chỉ định bắt chính trận khai mạc, không ít người Brazil coi ông như người nhà. Từ Liberdade tới sân Arena Corinthians chỉ mất một lần đổi tàu điện và chưa đầy hai mươi bến.
Nhưng, nếu như Arena Corinthians là điểm đến cho một bộ phận giới trẻ người Brazil gốc Nhật ở Sao Paulo thì khá nhiều cha mẹ của họ đã bay ngược lên phía Bắc tới thành phố Recife, nơi mà đội tuyển Nhật quê hương của họ đấu với Bờ Biển Ngà ở sân Arena Pernambuco.
Khái niệm Brazil của châu Á mà người ta gắn cho Nhật Bản hoá ra không chỉ đơn giản được hiểu là sự tương đồng trong phong cách chơi bóng.
Bốn năm chơi bóng ở Nhật Bản của Zico, người còn được gọi là “Pele trắng”, khi ông đến với xứ Phù tang hơn hai thập kỷ trước kia (khoác áo CLB Kashima Antlers rồi làm HLV trưởng của CLB lẫn đội tuyển Nhật Bản) phải chăng không chỉ vì sức mạnh của đồng Yên?
Chính Zico chứ không phải ai khác là người để lại dấu ấn lớn nhất đối với sự phát triển của bóng đá Nhật Bản.
Ở đây, nếu nói “Pele trắng” đã thành công khi chọn Nhật Bản, hay ngược lại, Nhật Bản đã chọn thành công “Pele trắng”, chứ không phải Pele thứ thiệt, vẫn được gọi là Vua bóng đá chắc không phải là sai.
Phong cách kỹ thuật ở đây rõ ràng đã không thể sắm vai trò tuyệt đối để loại trừ vai trò của khoa học, kỷ luật để tạo dựng nên một nền bóng đá phát triển bài bản và một đội tuyển có lối chơi kỹ thuật quyến rũ và hợp lý nhất châu Á.
Xem ra,bí quyết để làm nên thành công trong bóng đá với xây dựng cộng đồng đôi khi chỉ là một.
Phạm Tấn (Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất