11/07/2018 16:00 GMT+7 | Nghệ sĩ với World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Lê Hiếu - chủ nhân của những tính khúc như Ngày tình phôi phai, Ngày mai em đi, Phố mùa Đông, Hãy yêu thật lòng, Cánh buồm đỏ thắm, Ngày mai sẽ khác, Vài lần đón đưa… chia sẻ về giấc mơ bóng đá dang dở của mình.
Ca sĩ Lê Hiếu có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khi những “ông lớn” của bóng đá thế giới như Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Argentina đã rời cuộc chơi.
* Anh từng kể hồi nhỏ mình là độc giả hâm mộ của báo Thể thao & Văn hóa, cứ mùa World Cup hoặc EURO, sáng sớm, sau giờ đá bóng ở vườn hoa Yersin, thì đi lên khu vực Thông tấn xã Việt Nam ở Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để đọc báo, đọc tin nhanh về kết quả, các bình luận. Xem bóng đá thời ít ti vi và thiếu thông tin có hấp dẫn hơn thời đa phương tiện này không?
- Về mặt cảm xúc, đôi khi chờ đợi và thiếu thốn một chút cũng có cái hay. Vì chờ đợi nên dễ ấn tượng và nhớ lâu, còn thừa mứa thông tin, thì sẽ cả thèm chóng chán. Thời đó một trận bóng thường có hai lần xem khác nhau, xem ti vi là để biết diễn biến kết quả, còn đọc báo hôm sau là để có thêm các bình luận, góc nhìn khác.
Ngày nay báo chí nhanh quá, nên vừa xem ti vi thì vừa có thể đọc báo, lướt mạng, rồi tự mình viết bình luận lên mạng xã hội nữa, nên cảm giác thật sự của một khán giả - người ở bên ngoài trận đấu - không còn được như cũ. Qua trang của mình, nếu muốn, ai cũng có thể là huấn luyện viên, nhà bình luận trận đấu, vậy ai là độc giả?
Nhưng mỗi thời mỗi khác, nay thì những trận đấu cùng giờ, tay cầm điện thoại xem đội này, ti vi mở xem đội khác, cũng có cái hay.
* Ngoài đường bóng ú tim và tỷ số kịch tính, những điều gì thu hút anh đến với một trận bóng đá?
- Qua nhiều thời đại, nhiều quốc gia, ngoài âm nhạc thì thể thao, bóng đá là tiếng nói gắn kết, hòa giải, hòa hợp rất tốt. Có nhiều thể chế, nhiều quốc gia chưa hòa hợp với nhau về nhiều điều, nhưng qua bóng đá, họ có thể cùng ra sân, cùng nhau tôn trọng một luật thi đấu, vui buồn với nhau. Bóng đá, vì vậy cũng có tác dụng “gác lại quá khứ, chữa lành vết thương hiện tại, hướng tới tương lai tốt đẹp”.
Với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, bóng đá còn là một diện mạo quốc tế của họ. Tôi đọc ở đâu đó, với đa số những người bình thường, vốn ít quan tâm về địa chính trị, thì Đan Mạch với họ chỉ là nhà văn Andersen, là nàng tiên cá, là bia Carlsberg, là ban nhạc Michael Learns To Rock. Và bóng đá. Hỏi thêm nữa, họ không biết.
* Điều gì làm anh thất vọng, tiếc nuối ở mùa World Cup này?
- Tôi từng mong Pháp, Brazil, Anh và Đức sẽ vào bán kết, rồi Pháp với Brazil tranh cúp vàng, Pháp vô địch. Nhưng với những gì vừa diễn ra, ước mong này khó mà được như ý. Tôi cũng tiếc vì 2 ngôi sáng là Ronaldo và Messi phải về nước sớm, do đội tuyển của họ bị loại.
Nhưng điều này cũng nói lên bóng đá là môn thể thao mang tính tập thể cao, tổng hòa nhiều yếu tố, chứ một hai ngôi sao không làm được gì nhiều. Chưa nói tinh thần thi đấu và bản sắc ở tuyển quốc gia khác hẳn các đội câu lạc bộ, sức ảnh hưởng và hiệu quả của ngôi sao có giảm sút ít nhiều.
Thế giới ngày nay có nhiều giải đấu hay, gần như tháng nào cũng có để xem, nhưng World Cup vẫn xứng đáng chờ đợi, vì nó là diện mạo của cả thế giới. Tôi hy vọng World Cup sẽ mở rộng thêm nữa, thành 36 đội, nơi mà châu Á rộng lớn xứng đáng có thêm 3 - 4 đội nữa.
* Lúc nhỏ mê đá bóng là vậy, nhưng rồi phải dừng lại để tập trung cho việc học đàn, học nhạc. Nhưng sau này thấy anh vẫn đi chơi với nhiều cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam, anh đang có “thuyết âm mưu” gì à?
- Từ khi còn bé tôi đã luôn mơ ước một ngày đó Việt Nam sẽ tham dự được chung kết World Cup. Những gì mà U23 đã làm được cho tôi một niềm tin, rằng giấc mơ không tự đến dễ dàng, mà phải được chuẩn bị, sắp xếp có căn cơ, nơi các cầu thủ được đào tạo bài bản, lâu dài. Về tinh thần và không khí bóng đá nói chung thì phải lành mạnh, ít tệ nạn, ít điều tiếng xấu…
Tôi chơi với nhiều cầu thủ, trước tiên vì hợp tính cách, lối sống, sau là muốn nhờ họ “hiện thực hóa” giấc mơ của mình. Lúc còn rất nhỏ, tôi từng mơ sẽ khoác áo đội tuyển quốc gia, mơ vô địch SEA Games, mơ đá chung kết World Cup, giờ thì chỉ có thể trở thành một cổ động viên nhiệt thành. Tôi nghĩ nếu Việt Nam có đủ lượng cổ động viên nhiệt thành, văn minh, đội tuyển sẽ thêm một động lực lớn để tiến bộ. Ra sân mà thấy khán đài vắng vẻ quá, cũng mất nhuệ khí và cảm hứng.
* Cảm ơn Lê Hiếu.
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất