18/06/2014 15:09 GMT+7 | Bảng B
(giaidauscholar.com) - Tiki-taka đã thực sự hết thời hay chưa và tương lai của đội tuyển Tây Ban Nha là chủ đề của chuyên mục bàn tròn hôm nay, với các khách mời là nhà báo Hoàng Nhật, Quang Dũng và bình luận viên Lý Chánh.
Phạm An: Cứ mỗi lần Barcelona hay Tây Ban Nha thua trận là người ta lại nói về chuyện Tiki-taka hết thời rồi, diệt vong rồi, không hiểu cái vòng luẩn quẩn ấy bao giờ kết thúc. Các anh nghĩ thế nào?
Quang Dũng: Tôi nhìn cái vòng luẩn quẩn này trên hai khía cạnh: Truyền thông và tâm lý. Tôi muốn bàn trước hết về một sự kiện rất nổi bật ngày hôm qua, đó là việc Michael Schumacher đã thoát khỏi hôn mê sau tai nạn trượt tuyết tại Pháp.
Có một diễn đàn báo chí ở Pháp đã tranh luận rất sôi nổi với chủ đề là "phải chăng các nhà báo chỉ chờ để được là người đầu tiên đưa tin về cái chết của Schumacher?". Nói cách khác, với các nhân vật nổi tiếng thì truyền thông luôn có xu hướng bi kịch hóa, vì nó cũng đánh vào tâm lý của đám đông. Tôi nghĩ với ĐT TBN cũng vậy. Đó là một đội bóng vĩ đại nên mỗi một thất bại là đám đông lại có xu hướng đó. Và truyền thông thì thổi cái xu hướng đó bùng lên.
Hoàng Nhật: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Dũng. Tất nhiên so sánh hai thời điểm thì có nhiều khác biệt, nhưng đúng là hồi World Cup 2010, sau khi Tây Ban Nha thua Thụy Sĩ 0-1 ở trận ra quân, người ta cũng nói rằng tiqui-taca (hay tiki-taka) đã hết thời. Rốt cuộc Tây Ban Nha đã đi thẳng một mạch tới chức vô địch thế giới.
Một điều rõ ràng là so với World Cup 2010 thì Xavi hay Iniesta, những hạt nhân chính trong lối chơi tiki-taka của TBN đã già hơn 4 tuổi. và thực tế thì từ khoảng 2 mùa giải trở lại đây, cả hai cầu thủ này đều xuống chân, đặc biệt là Xavi.
“Đồng hồ không thể chạy tốt khi bánh răng bị mòn”
Phạm An:Vậy thì sai lầm thường thấy khi nói về chuyện hưng thịnh của một lối chơi là đã quá tách bạch lối chơi ấy khỏi con người vận hành nó, thưa các anh? Đó có thể xem như việc thần thánh hóa lối chơi, trong khi con người luôn là cốt lõi?
Quang Dũng: Chính xác là vậy. Chúng ta giờ hay nói tiki-taka đã chết, nhưng thử hỏi trong các năm qua, có bao nhiêu đội bóng đã đánh bại được Barcelona và ĐT TBN một cách thuyết phục, có nghĩa là "bắt chết" tiki-taka? Tôi chỉ thấy có Bayern Munich mùa 2012-2013, mà đó lại là mùa mà Barca tệ nhất. Mùa này có thêm Atletico Madrid. Nhưng ở tầm CLB, còn đội nào khác không? Không có. Tầm ĐTQG thì sao? TBN vô địch EURO, World Cup rồi lại EURO. Trận thua Brazil 0-3 ở Confed Cup năm ngoái không nói lên gì nhiều cả, vì giải đấu đó TBN chơi không phải 100% sức của họ.
Lý Chánh: Tôi thấy thời điểm vô địch EURO 2008 và World Cup 2010 thì TBN là một TBN khác so với khi họ vô địch EURO 2012. Hai lần đầu, TBN vẫn chưa phải là đội chơi chiếu trên, vẫn phải dựa vào phản công, thay vì áp đặt đối thủ như hiện nay.
Thời 2008-2010, lối chơi phản công của đội bóng không phải là mạnh nhất thể hiện qua vai trò rất quan trọng của Torres, một chuyên gia phản công.
Hoàng Nhật: Tôi xin bổ sung thêm chi tiết để chứng minh TBN không hay như các năm trước là hoàn toàn nằm ở yếu tố con người. Mùa vừa rồi, tôi không nhớ chính xác trận nào, nhưng báo chí TBN từng đi sâu vào chuyện Iniesta để mất bóng liên tục ở trận đấu đó để lý giải cho thất bại của Barca. Chiếc đồng hồ sẽ lệch giờ, không thể chạy chính xác nếu pin yếu, hay bánh răng động cơ bị mòn.
Lý Chánh: Nhiều người xem thấy tiki-taka đá buồn ngủ vì quá chậm và không thấy di chuyển nhiều, như thực chất, những con số thống kê của UEFA trong các trận đấu đều cho thấy các cầu thủ Barcelona hay TBN đều có đoạn di chuyển nhiều hơn các đối thủ của mình.
Quang Dũng: Anh Chánh nói đúng, tiki-taka tạo ra một thứ "ảo giác" cho đối thủ và người xem nhưng có lần Pep đã nói, đó là lối chơi đòi hỏi thể lực cao nhất. Các cầu thủ phải di chuyển liên tục và phải đưa ra quyết định cực kỳ nhanh. Với những cầu thủ chưa quen với nó, tiki-taka giống như một sự tra tấn về thể lực và tinh thần. Đó cũng là lí do tại sao các tân binh khó hòa nhập với Barcelona đến thế.
Nhưng tôi nghĩ, chúng ta giờ nên tập trung vào ĐT TBN hơn là mổ xẻ lại tiki-taka. TBN theo tôi có đủ con người để chơi một thứ bóng đá khác.
“Hiện tại, chưa đội bóng nào có thể tiếp bước TBN”
Phạm An:Anh Quang Dũng có nói về một thứ bóng đá khác, theo các anh thì nó sẽ như thế nào?
Quang Dũng: Theo tôi, lối chơi mới của TBN về cơ bản vẫn là cầm bóng nhiều, nhưng nó sẽ trực diện hơn. TBN hiện có một trung phong chơi chọc khe, tì đè, đánh đầu đều tốt như Diego Costa. Có những bậc thầy chuyền bóng như Iniesta, Silva, Alonso. Nếu họ bớt rườm rà ở trung tuyến, cho một Koke có sức chiến đấu rất tốt và chơi tốc chiến tốc thắng vào sân thì cũng sẽ có thay đổi rồi.
Lý Chánh: Thực sự theo tôi nghĩ, TBN vẫn có thể tiếp tục duy trì lối đá đưa họ lên tột đỉnh thế giới. Họ không thiếu về mặt con người để làm việc này. Trận thua Hà Lan không phải là tất cả.
Thất bại ấy là hệ quả của việc TBN có đến hơn 50% số đội ở vòng bán kết hai cúp châu Âu, và có đến 3/4 đội ở chung kết.
Thể lực bị bào mòn, tinh thần chưa kịp phục hồi là điều thấy rõ ở các cầu thủ lien quan đến các đội bóng này. Cái đó còn chưa kể 3 đội bóng TBN còn phải chạy đua giải nội địa đến vòng đấu cuối cùng, trong khi đa số những cầu thủ chủ chốt khác của đội tuyển TBN cũng nằm trong số các đội bóng phải cạnh tranh chức vô địch đến giờ chót tại Premier League.
Phạm An: Đội tuyển nào sẽ tiếp bước TBN khi họ đi xuống? Sự thay đổi của TBN liệu có bắt kịp đà thăng tiến của đội tuyển Đức, với lối chơi rất khoa học và hiện đại, cũng không đòi hỏi khắc nghiệt về mặt con người như TBN?
Quang Dũng: Tôi không nghĩ ĐT Đức sẽ thay được vị trí của TBN. Thực sự thì tôi không thấy đội bóng nào đủ sức thống trị như TBN thời gian qua cả.
Lý Chánh: Sau TBN, hiện nay tôi chưa thấy đội bóng nào có khả năng tạo ra một lối chơi hay một xu thế mới có đặc trưng riêng như Ý (Catenaccio), Brazil (joga bonito), Hà Lan (total football), hay TBN (tiki taka). Có chăng, đó là một đội bóng mạnh, có một cầu thủ xuất chúng trong đội hình. Như Argentina với Messi, hoặc Brazil với Neymar
Hoàng Nhật: Tôi cũng đồng ý, thế giới mất tới 40 năm kể từ sau Hà Lan 1974 mới xuất hiện một trường phái mới. Các đội bóng kia hầu hết cũng đều phụ thuộc vào cá nhân thôi, còn lại nền tảng vẫn là theo lối cũ, có chăng chỉ là những biến đổi mang tính chi tiết hơn là hệ thống.
Phạm An: Vâng, xin cảm ơn các anh.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất