Xem World Cup ở khu phố của Mandela

12/06/2010 11:19 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Mặt đất rung chuyển như có hàng nghìn bước chân voi đang rầm rập lao tới, không gian bị lấp đầy đến mức nghẹt thở bởi tiếng hàng triệu chiếc vuvuzela cùng được thổi một lúc, và không khí khét lẹt mùi khói người ta nhóm lên để nướng thịt bò theo kiểu người da đen. Ấy là lúc Nam Phi vừa sút tung lưới Mexico. Và cuộc vui bắt đầu ở Soweto.

Cái cảnh mà tôi được chứng kiến ấy có lẽ không khác là bao với những gì đã xảy ra trong những ngôi làng ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh ở nước mình thời hiện tại, khi điện đóm, văn hóa và cái tivi trở thành một thứ xa xỉ: hàng chục người già trẻ quây quần xung quanh một chiếc tivi màu cũ rích, có lẽ từ những năm 1990, khi nhà lãnh đạo huyền thoại của Đại hội dân tộc phi (ANC) được trả tự do sau 27 năm giam cầm. Họ ngồi ngoan ngoãn như những đứa trẻ trong một cái quán nhỏ lụp xụp mà mái được lợp bằng đủ thứ linh tinh, với bàn ghế xếp lổng chổng và bếp vừa phả ra những luồng khói trắng khét lẹt ám hết vào quần áo, vừa thoát ra những mùi thơm béo ngậy của món thịt nướng mà người ta thường uống với bia trong những cuộc vui.

Đấy là một bức tranh đầy màu sắc mà có lẽ những người họa sĩ sẽ rất thích thú tìm tòi để vẽ bức tranh bình dân về một thế giới khác ở Nam Phi: họ đội những mái tóc giả bù xù có 2 màu vàng-xanh, họ gào thét những câu không ai hiểu nổi bằng tiếng dân tộc, họ thổi vuvuzela một cách khoái trá chưa từng có, và họ nhảy lên trong niềm vui tột độ sau bàn thắng làm rung chuyển mặt đất tôi đang đứng trên. Khi lưới của Mexico rung lên, dường như có một cơn địa chấn bằng tiếng kèn nhựa ấy lan khắp nơi ở khu dân cư lớn nhất châu Phi ấy. Soweto có gần 6 triệu dân thì có lẽ có ngần ấy vuvuzela. Những người không có tiền để mua vuvuzela tự tạo cho riêng mình bằng những ống nhựa và phần đầu của chai nước nhựa. Lúc ấy, dường như người da đen đang bản concerto ầm ỹ nhất của đời mình.



Tác giả bên ngoài ngôi nhà Mandela.

Chúng tôi lại đến khu Soweto lụp xụp của người da đen. Mô tả niềm vui sướng và háo hức chờ đợi trận đấu, cũng như bàn thắng của họ ở nơi nào có lẽ cũng chẳng khác nhau, nhưng ở Soweto, lại là một điều khác. Chúng tôi đi qua những khu nhà lụp xụp, bẩn thỉu và rách rưới của vùng đất, nơi vắng lặng như tờ (có lẽ vì người dân đã đổ ra hết các Fan Fest do FIFA tổ chức ở gần Johannesburg để xem trận đấu qua màn hình lớn), để đến khu Soweto có ánh sáng, văn minh, dịch vụ (và nhiều cảnh sát). Đấy là nơi có ngôi nhà mà vợ chồng lãnh tụ Nelson Mandela đã từng sống cách đây hơn 60 năm, có ngôi nhà đầu tiên của linh mục Desmond Tutu, và chính điều đó đã làm cho khu Orland West của Soweto trở nên nổi tiếng thế giới, bởi ở đó, phố Vilakazi, là nơi duy nhất trên địa cầu có nhà cũ của 2 vĩ nhân đã đoạt Nobel Hòa bình cách nhau không xa.

Ngôi nhà của Mandela đã trở thành một bảo tàng, xung quanh đó có một vài nhà nghỉ theo kiểu bed&breakfast, một khách sạn loại nhỏ có thể chấp nhận trả bằng Master Card, một nhà hàng hơi giống nhà sàn ở miền ngược nước mình và đặc biệt là một quán ăn có ghi dòng chữ to đùng “Quán ăn của gia đình Mandela”. Nhưng ở ngay sát cái thế giới kinh doanh trên hình ảnh của Mandela ấy, là một thế giới không giống thế, có cái quán nhỏ lụp xụp với những người CĐV điên cuồng mà tôi đã được “thâm nhập” để cùng xem bóng đá với họ, có những mái hiên nghèo với những chàng thanh niên da đen, các em bé và cả cảnh sát chúi mũi vào một chiếc tivi xem trận đấu, một ông lão bán đồ lưu niệm ngay trước ngôi nhà có tấm biển bằng kính ghi hàng chữ “Nhà của Mandela”. Cái thế giới ấy im lìm trong trận đấu. Cả khu Soweto cũng thế. Thế rồi bàn thắng, cơn chấn động bởi hàng triệu đôi chân nhảy trên mặt đất. Và tiếng đinh tai nhức óc của vuvuzela.

Bây giờ, ông không còn sống ở đó nữa. Nơi này trở thành một khu kinh doanh ăn theo ông. Quảng trường Nelson Mandela ở thành phố Sandton với bức tượng ông bị bao vây bởi những biển quảng cáo (có thể gọi đó là quảng trường “Nelson Sony ESPN Mandela”). Người ta đã từng đặt ra câu hỏi, lễ khai mạc World Cup sẽ là gì nếu không có ông, con người huyền thoại đã bước sang tuổi 91 mà ảnh hưởng và tên tuổi của ông đã phủ lên không chỉ lịch sử Nam Phi, mà còn lịch sử của châu lục, của những phong trào đấu tranh đòi quyền con người, và lịch sử thế giới? Ông đã vắng mặt trước công chúng kể từ lần xuất hiện gần nhất cách đây đã 4 tháng, nên sự hiện diện mang tính biểu tượng của Mandela trong lễ khai mạc này sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn lao cho giải đấu lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức ở Lục địa đen, và bài phát biểu mà ông sẽ đọc sẽ không khác dòng nước thánh mà vị linh mục tưới lên người của một đứa bé trong lễ rửa tội. World Cup này có được là nhờ ông, tinh thần của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và đòi quyền làm người trở nên nổi bật trên thế giới là nhờ ông và sự thừa nhận mà Nam Phi đang có bây giờ là nhờ ông. Nhưng ông không có mặt ở trận khai mạc, không có cả mặt ở ngôi nhà cũ của mình ở Soweto và bức tượng ông chỉ để làm nơi chụp ảnh kỉ niệm cho du khách ở Sandton. Ngay phía trước ngôi nhà của ông ở Soweto, có một khu vườn, trong đó có bức tượng của chính ông bị đổ xuống đất nhưng cũng không ai để ý và dựng trở lại. Họ chỉ mải miết chụp ảnh ở phía đối diện, nơi có ghi “Nhà của Mandela”.

Cái chết đột ngột của cháu gái Mandela vào đêm trước ngày khai mạc World Cup là lí do khiến cho nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào chống Apartheid không có mặt trong buổi lễ không chỉ châu Phi, mà cả thế giới mong đợi sự hiện diện. Nhưng World Cup vẫn phải diễn ra, và châu Phi không thể buồn chỉ vì World Cup không có ông. Ông đã ở tuổi 91. Rồi một ngày người ta sẽ mất ông, mãi mãi, thế giới mất đi một vĩ nhân của thời đại, như đã mất Gandhi và Che Guevarra. Nhưng trái bóng sẽ vẫn cứ lăn, cái quán kia vẫn nướng thịt và bán bia cùng với truyền hình bóng đá, vuvuzela vẫn phải thổi, và người Soweto vẫn vật vã thoát khỏi cuộc sống khó khăn thường nhật. Dù có World Cup hay không.

Ngôi nhà đầu tiên của Mandela...

Ngôi nhà giản dị và đơn sơ mà Nelson Mandela đã sống ở đó nay đã trở thành bảo tàng của gia đình Mandela. Nó nằm ở số 8115 đường Ngakane, khu Orlando West của Soweto, từng là một trong những nơi nghèo nhất của khu dân cư ấy. Nhà lãnh tụ tương lai của ANC chuyển đến đây sống năm 1946 cùng với vợ đầu Evelyn Etoko Mase. Khi họ li dị vào năm 1957, chỉ còn ông sống ở đây. Sau khi Mandela cưới vợ hai (bà Winnie Mandela, năm 1958), bà chuyển đến đây sống cùng chồng. Trong thời gian đấu tranh cho người da đen, Mandela ít khi sống tại đây, cho đến khi bị bắt vào năm 1962. Bà Winnie tiếp tục sống với các con khi Mandela ngồi tù. Ngôi nhà này đã bị những kẻ quá khích đốt cháy vài lần trong thời gian ấy. Sau khi được trả tự do vào năm 1990, Mandela chỉ trở về sống ở đó trong 11 ngày và cuối cùng chuyển đến một ngôi nhà khác. Ông chỉ trở lại đây một vài lần để tưởng nhớ lại thời quá khứ xa xôi của mình.


ANH NGỌC (Đặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Soweto)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm