18/08/2020 15:36 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Bên cạnh bệnh nhân COVID-19 mới số 979, Hà Nội có 4 trường hợp cho kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 công bố ca bệnh số 979 (BN979) tại Hà Nội là một bệnh nhân nữ, 33 tuổi, có địa chỉ tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Đây là ca mắc COVID-19 thứ 11 được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ ngày 29/7 cho đến nay có liên quan đến Đà Nẵng. Trước đó, các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Hà Nội thời gian qua gồm BN 447, 459, 714, 751, 752, 785, 812, 867, 962 và 969.
Đáng chú ý, trong số này có 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông tin về 5 bệnh nhân này như sau:
Bệnh nhân 714 âm tính khi test nhanh, từng đi lại rất nhiều nơi
Bệnh nhân là nam, 42 tuổi, địa chỉ ở 5/4 Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân là nhân viên điều hành xe buýt của Xí nghiệp Xe buýt 10/10, Mai Dịch, Cầu Giấy.
Từ ngày 14-17/7, bệnh nhân đi du lịch cùng gia đình tại thành phố Đà Nẵng.
Ngày 18/7, bệnh nhân đi làm tại văn phòng Xí nghiệp Xe buýt 10/10 (địa chỉ ở phố Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy).
Sáng 19/7, bệnh nhân có đưa con về quê tại xóm Cầu, Yên Phúc, Ý Yên Nam Định. 16h, gia đình quay trở lại Hà Nội.
Ngày 22/7, bệnh nhân có đi liên hoan cùng đồng nghiệp tại 168 Trần Vỹ, Mai Dịch, sau đó đi hát karaoke tại A99 Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm.
Ngày 25/7, bệnh nhân về quê vợ tại thôn Lạc Thành Bắc, Tây Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Đến ngày 26/7, lên Hà Nội khai báo y tế và bắt đầu thực hiện đeo khẩu trang.
Ngày 31/7, bệnh nhân làm test nhanh tại trung tâm y tế phường có kết quả âm tính IgM, IgG.
Ngày 3/8, khoảng 9h, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An (Trung Văn, Nam Từ Liêm), được chụp X-quang phổi (có hình ảnh đám mờ ở phổi) sau đó được tư vấn đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị.
Ngày 4/8, khoảng 8h, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông đăng ký khám và khai báo y tế. Sau đó, bệnh nhân xin chuyển sang Bệnh viện Phổi Hà Nội để khám. Đến 9h30, tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ba Đình), bệnh nhân khai báo y tế và được tư vấn chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 khám, điều trị (bệnh nhân đến viện lúc 10h30).
Ngày 5/8, bệnh nhân được làm xét nghiệm sàng lọc lần 1, kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân có triệu chứng ho sốt từ 9/7 nhưng vẫn đi làm, đến 26/7, bệnh nhân này mới khai báo y tế.
Bệnh nhân 812 xét nghiệm PCR đến lần thứ 3 mới dương tính
Bệnh nhân nam 63 tuổi làm nhân viên giao hàng, có địa chỉ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Tiền sử dịch tễ của bệnh nhân như sau:
Bệnh nhân làm cùng cửa hàng Pizza với bệnh nhân 447, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 447 (F1).
Ngày 29/7, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy máu xét nghiệm PCR lần 1, kết quả âm tính, được chuyển cách ly tại Bệnh viện Công an Thành phố.
Ngày 3/8, bệnh nhân có sốt, mệt mỏi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn cách ly, điều trị.
Ngày 4/8, Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR (lần 2). Ngày 4/8, bệnh nhân có kết quả âm tính.
Ngày 7/8, các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (lần 3) gửi CDC xét nghiệm.
Ngày 8/8, bệnh nhân có kết quả dương tính.
Lý giải việc mệnh nhân 812 xét nghiệm PCR đến lần thứ 3 mới dương tính, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cho biết: "Do thời điểm mình lấy chứ không vì lý do gì khác. Có thể 2 lần trước lấy mẫu sớm, dù có triệu chứng nhưng phải đủ lượng virus mới phát hiện ra. Có những người sau 1 ngày, ngay lúc khởi phát xét nghiệm ra ngay nhưng có những người phải 2-3 ngày sau mới phát hiện ra".
Ông Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo: "Tất cả trường hợp tiếp xúc gần là đối tượng F1, mặc dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính dù là xét nghiệm test nhanh hay PCR thì vẫn phải cách ly đủ 14 ngày chứ không phải xét nghiệm âm tính rồi tung tăng đi lại".
BN867 chỉ dương tính ở lần xét nghiệm PCR thứ 2
Bệnh nhân mắc COVID-19 số 867 là nam 63 tuổi, ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương.
Từ ngày 5/6 đến 10/6, ông B ở nhà tại huyện Bình Giang, Hải Dương.
Từ ngày 10/6 đến 31/7, bệnh nhân ở tại nhà con gái ở thành phố Hải Dương.
Ngày 27/7, bệnh nhân xuất hiện nấc, tức ngực và được con gái đưa đi khám tại phòng khám tư (địa chỉ ở 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương) và được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày.
Đến ngày 30/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, không điều trị gì.
Sau đó, ngày 1/8, bệnh nhân về quê tại huyện Bình Giang bằng xe riêng.
Ngày 2/8, ông B thấy sốt, gia đình có mời một cán bộ Trạm Y tế xã Bình Minh đến khám bệnh và điều trị tại nhà.
Ngày 5/8, bệnh nhân có tham dự lễ cưới tại thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Giang (chỉ uống nước, nói chuyện, không dùng cơm). Ngày 7/8, bệnh nhân có tham gia khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã Tân Hồng.
Đến ngày 8/8, con gái và con rể của bệnh nhân thuê xe riêng (tự lái) để đưa bệnh nhân cùng vợ lên Hà Nội đi khám bệnh. Bệnh nhân được con đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám từ 7h30-10h30. Tại bệnh viện này, bệnh nhân có qua phòng khám sàng lọc COVID-19, thực hiện khai báo y tế, sau đó được chụp phim X-quang và được chẩn đoán viêm phổi (kê đơn về điều trị tại nhà).
Sau khi khám xong, gia đình bệnh nhân về chơi ở nhà con gái tại địa chỉ CT3.13 Khu đấu giá 4H-5H, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (nhà gồm có 4 người). Nhà con gái của bệnh nhân là quán bia hơi nên từ khi đến đây, bệnh nhân chỉ nằm nghỉ ở trên tầng 2 và hầu như chỉ tiếp xúc với vợ và các con. Ngoài ra, có ông bà thông gia, con cháu và một số nhân viên làm việc tại nhà con gái bệnh nhân lên thăm (khoảng 8 người).
Đến 23h45, ngày 9/8, bệnh nhân xuất hiện mệt nhiều, sốt 38 độ C, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân được gia đình chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn bằng ô tô gia đình. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân thực hiện khai báo y tế tại phòng khám sàng lọc. Sau đó, do không có yếu tố dịch tễ nên được chuyển đến khoa cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân có tiếp xúc với 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 2 sinh viên (có đeo khẩu trang y tế). Sau khi chụp X-quang, thấy có hình ảnh viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly nằm điều trị tại một phòng riêng với chẩn đoán viêm phổi nặng.
Ngày 10/8, Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội làm xét nghiệm PCR, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính.
Ngày 11/8, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục lấy mẫu lần 2 cho kết quả sàng lọc dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm này được gửi ngay đến CDC Hà Nội để làm xét nghiệm khẳng định và có kết quả dương tính.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, sau khi nhận được báo cáo và phân tích ca bệnh này, Cục quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh và biểu dương Bệnh viện Thanh Nhàn đã đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, cách ly phòng chống dịch COVID-19. Việc sàng lọc đúng, chỉ định xét nghiệm sớm và kỹ lưỡng 2 lần (lần đầu kết quả âm tính) đã tránh được Bệnh viện lớn của Thủ đô nguy cơ bị phong tỏa và bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
Liên quan đến ca bệnh này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Cục Quân y - bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện thuộc bộ, ngành có người bệnh đến khám cần khẩn trương rút kinh nghiệm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và quản lý các ca nghi nhiễm COVID-19, tuyệt đối không để người nghi nhiễm COVID-19 tự ý di chuyển.
Bộ Y tế cũng yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên toàn quốc cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học của hai bệnh viện trên. Thực hiện nghiêm các công điện và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế ban hành.
Nhân viên ngân hàng mắc COVID-19 từng đi Đà Nẵng và mượn điện thoại của BN812
Bệnh nhân N.M.C (BN962), 30 tuổi, là nhân viên ngân hàng trên địa bàn thành phố, nhà riêng tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng nhưng đang thuê trọ tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân.
Từ ngày 20/7-22/7, anh N.M.C có đi Đà Nẵng. Trưa ngày 22/7/2020, từ sân bay, người này sử dụng dịch vụ Grab để gọi xe đi về ngân hàng bản thân đang làm việc, trên phố Hàng Da. Tại cơ quan, anh N.M.C tiếp xúc với tất cả nhân viên tại cơ quan ( khoảng 20 người). Tối cùng ngày, anh về thăm vợ con tại nhà riêng trên phố Đại La, sau đó về ngủ tại nhà trọ ở Thanh Xuân.
Ngày 25-26/7, anh N.M.C đi Sầm Sơn, Thanh Hóa cùng cơ quan. Từ ngày 26/7-3/8, anh về Hà Nội và tự cách ly tại nhà.
Ngày 3/8, anh N.M.C có biểu hiện sốt trên 39 độ và tự lái xe máy vào BV Thanh Nhàn để kiểm tra. Xét nghiệm PCR vào ngày 3/8 trả kết quả âm tính với virus Sars-CoV-2. Tại bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân ở cùng phòng với BN812 và bệnh nhân khác tên N (có đeo khẩu trang), bệnh nhân có mượn điện thoại của BN812 gọi về cho gia đình.
Chiều 4/8, bệnh viện Thanh Nhàn trả kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 và cho anh N.M.C ra viện. Sau ra viện anh C. tự cách ly tại nhà trọ. Ở nhà trọ, bệnh nhân có tiếp xúc với chủ nhà trọ và mẹ của chủ nhà trọ (có đeo khẩu trang khi nói chuyện).
Ngày 8/8, anh C. có tiếp xúc với đồng nghiệp tên là Linh (trú tại 629 Giải Phóng) có đeo khẩu trang.
Ngày 10/8, anh N.M.C xuất hiện triệu chứng mất vị giác và khứu giác, đã gọi tư vấn BV Thanh Nhàn và được hướng dẫn theo dõi SK tại nhà.
Ngày 14/8, anh N.M.C tự lái xe máy đến bệnh viện Thanh Nhàn khám, có gửi xe ở bãi xe trước cổng viện.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR sau đó cho kết quả anh N.M.C dương tính với virus Sars-CoV-2. BV Thanh Nhàn đã chuyển anh C. sang BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.
Nữ kế toán mắc COVID-19 từng test nhanh âm tính và sau đó nhiều lần đi liên hoan
BN 979 tên là T.T.S. (33 tuổi, nữ, ở đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Bệnh nhân là nhân viên kế toán của Công ty TNHH INCHENG (ở số 29, ngõ 2 Nguyễn Hoàng, Lô TT02, HD Mon City, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Từ ngày 22/7 đến 25/7, bệnh nhân đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình (gồm 4 người: Bệnh nhân, chồng và 2 con) và công ty của chồng (khoảng gần 30 người). Bệnh nhân có đến chơi tại Hội An, Bà Nà Hills...
Khoảng 22 giờ ngày 25/7, bệnh nhân về tới sân bay Nội Bài trên chuyến máy bay (VN194). Sau đó, cả đoàn di chuyển bằng xe thuê về nhà.
Từ ngày 26/7, bệnh nhân và gia đình chủ động tự cách ly nhà. Trong nhà, đồ ăn của gia đình chỉ do chồng bệnh nhân đi mua tại chợ (có đeo khẩu trang).
Ngày 31/7, bệnh nhân có đi lấy mẫu test nhanh tại Trạm Y tế phường Phú Thượng và có kết quả âm tính. Bệnh nhân có đi làm trở lại. Tại văn phòng, chỉ có một mình bệnh nhân làm việc do lãnh đạo của công ty đã về Đài Loan chưa trở lại Việt Nam.
Sau ngày 31/7, bệnh nhân có đi liên hoan ở công ty chồng 3 lần. Bệnh nhân có đi chợ ở gần nhà nhưng có đeo khẩu trang.
Từ ngày 15 đến 16/8, bệnh nhân nghỉ làm tại nhà. Ngày 15/8, bệnh nhân có đi chợ trên đường Nguyễn Hoàng Tôn mua rau (có đeo khẩu trang).
Trưa 15/8, bệnh nhân có tham gia liên hoan với các bạn làm cùng công ty chồng (khoảng hơn 20 người) tại địa chỉ số 290 Xuân Đỉnh.
Tối 15/8, bệnh nhân cùng gia đình tổ chức liên hoan tại nhà, với 6 người.
Ngày 16/8, bệnh nhân đến lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại Trung tâm Y tế Tây Hồ và mẫu được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm. Đến ngày 17/8 cho kết quả, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân được chuyển điều trị và cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.
Test nhanh COVID-19 chưa thể khẳng định có virus hay không Trong số 5 ca bệnh ở Hà Nội nêu trên, có 2 trường hợp từng xét nghiệm nhanh ra kết quả âm tính nhưng sau đó ở lần xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính. Trước đó, Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính. Tất cả các trường hợp này sau đó đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ 12/12 trường hợp đều âm tính. Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: "Test nhanh đối với chúng tôi thực ra chỉ có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai chứ không có giá trị ngăn chặn nguồn dịch. Vì test nhanh làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn sau đấy có thể dương tính nhưng khả năng lây nó cũng qua mất rồi". Vì vậy, những người có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tuyệt đối không được chủ quan, phải tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày. Còn với những người tiếp xúc gần với các trường hợp được xác định dương tính với SARS-CoV-2, cần tự theo dõi tình trạng sức khỏe, tuyệt đối không được chủ quan. "Mọi người cần cảnh giác và hãy chậm lại một chút để tất cả được an toàn" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh. |
Theo VTV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất