01/10/2018 00:50 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh quan tâm hơn nữa lựa chọn công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong các dự án đầu tư; Tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như pin năng lượng mặt trời, nhiệt điện, tái chế kim loại, hóa chất, giặt công nghiệp; Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa triệt để tình trạng xả thải nước thải chưa qua xử lý, xả trộm trực tiếp ra môi trường của các nhà máy. Bên cạnh đó, Bắc Giang tăng cường áp dụng biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường; có cơ chế khuyến khích việc đầu tư các dự án và dịch vụ bảo vệ môi trường; tăng cường vận động và nhân rộng hiệu quả mô hình thu tiền xử lý rác thải sinh hoạt; tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, ý thức xả rác của người dân tiến tới mở rộng hình thức phân loại rác thải tại nguồn.
Năm 2018, Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện tại thành phố Bắc Giang, phấn đấu đưa vào hoạt động nhà máy này trong năm 2019. Thời gian tới, tỉnh có phương án hạn chế việc xây dựng mới lò đốt rác quy mô nhỏ, không đảm bảo điều kiện theo quy định; quan tâm đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án về môi trường đang triển khai trên địa bàn. Tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường đối với dự án, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh...
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 139 ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, hiện nay có 4/5 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn đạt 67,6%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 15/23 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành việc xử lý môi trường. Khu vực nội thành thành phố Bắc Giang xử lý khoảng 50% lượng rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ dân số thành thị trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt 79%; tỷ lệ dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 77%.
Hiện, 204 xã của tỉnh đã có tổ, đội vệ sinh môi trường. Toàn tỉnh có 1.384 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ, đội vệ sinh môi trường được thành lập và duy trì hoạt động. Toàn tỉnh đã tổ chức ra quân, xử lý 246 điểm tồn lưu rác thải; khơi thông, nạo vét 2.485 km cống rãnh, mương thoát nước thải; triển khai 366 công trình bảo vệ môi trường, lắp đặt 35 rào chắn rác thải trên các tuyến kênh. Trên địa bàn tỉnh có 672 điểm tập kết, trung chuyển rác thải đến khu xử lý, 259 bãi chôn lấp rác thải, 43 lò đốt rác thải, 1.124 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
Bắc Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; triển khai các dự án về hỗ trợ, bảo vệ môi trường, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp, công trình cấp thoát nước... trên địa bàn. Tỉnh đã thu hút, hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang với tổng công suất thiết kế khoảng 80.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho người dân thành phố Bắc Giang và các huyện lân cận.
Từ năm 2016 đến tháng 4/2018, các cấp, ngành của tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 772 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 168 cơ sở, với tổng số tiền phạt gần 10,3 tỷ đồng; trong đó lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 74 vụ gây ô nhiễm môi trường, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,7 tỷ đồng.
Theo ông Lại Thanh Sơn, công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Bắc Giang còn nhiều hạn chế như: Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp chưa được UBND huyện, thành phố quan tâm, huy động nguồn vốn để đầu tư phù hợp. Môi trường nông thôn ở tỉnh tuy có cải thiện nhưng chậm được khắc phục, nhất là chất thải sinh hoạt. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Thừa Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn khoa học kỹ thuật Năng lượng mặt trời Bo Việt ). Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của một số cơ sở trên địa bàn tỉnh chậm được khắc phục, không đảm bảo tiến độ xử lý...
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất