25/04/2014 09:15 GMT+7 | Di sản
(giaidauscholar.com) - Mải sa đà vào những tranh cãi đúng – sai quanh việc tổ chức bán vé tại phố cổ Hội An, dường như chúng ta đang bỏ quên một quyền lợi vừa phát sinh với các du khách: quyền được đòi hỏi một dịch vụ tương xứng với số tiền bỏ ra.
Trước thông tin Ban quản lý phố cổ Hội An chính thức thu tiền vé vào thăm quan di sản này, nửa đầu của câu chuyện là những phản ứng gay gắt của cộng đồng. Nửa còn lại là lời bênh vực và ủng hộ của những du khách khác, cộng cùng lời giải thích do chính ngành quản lý đưa ra. Theo đó, việc bán vé thật sự đã được ấn định từ cách đây rất lâu, nhưng do nhiều hạn chế nên hiếm khi triển khai trên thực tế.
Mấy năm qua, nếu mua vé, du khách có quyền vào tham quan các điểm nhấn của Hội An như chùa Cầu, Hội quán, nhà cổ, xưởng thủ công. Không mua và chỉ "đứng ngó" những địa điểm ấy, người ta vẫn có thể đi dạo quanh Hội An hay bước vào các quán cà phê, hàng ăn, quầy lưu niệm... để cảm nhận không gian và nhịp sống của một đô thị cổ. Có nghĩa, dù vô tình hay cố ý, cái sự "quên thu vé" tại Hội An lại rất phù hợp với cách khai thác du lịch mà nhiều di sản trên thế giới đang làm: "Mở" một phần không gian để thu hút du lịch và "gỡ" bằng việc bán vé tại một vài địa điểm đặc biệt trong đó, nếu du khách có nhu cầu tìm hiểu thêm.
Nhưng, nói vậy cũng không có nghĩa là mọi quốc gia trên thế giới đều khai thác di sản theo hình thức vừa "mở" vừa "đóng". Và, ở bối cảnh VN, cái lý để Hội An xiết lại việc thu phí cũng khó để phản bác: Trong khi kinh phí không thể mãi trông vào nhà nước, di sản Hội An luôn cần những nguồn đầu tư lớn để trùng tu, bảo tồn, cũng như duy trì những hoạt động văn hóa thường nhật của mình.
Sòng phẳng mà nói, dù là du lịch "bụi" hay du lịch hạng sang, người ta tìm về Hội An đều với tâm lý sẵn sàng... tiêu tiền, miễn là số tiền ấy được bỏ ra một cách hợp lý và đem lại sự hài lòng. Cũng như, nếu quy đổi theo mức giá ngang với vài chai bia, vài tô mì Quảng, số tiền 120.000 đồng/vé (cho khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (cho khách trong nước) là hoàn toàn không lớn. Nhưng, một cách tự nhiên, khi đã chấp nhận bỏ tiền mua vé, du khách sẽ có quyền đòi hỏi những quyền lợi tốt hơn so với trước – cho dù Hội An vẫn được biết tới như một địa chỉ hàng đầu về dịch vụ du lịch tại VN.
Một ví dụ đơn giản: Hội An có tổng số 22 điểm tham quan đặc biệt, thế nhưng du khách vẫn chỉ được phép bước vào từ 3-6 điểm tùy theo tấm vé của mình. Có nghĩa, muốn vào thăm những điểm khác, người ta sẽ phải bỏ tiền ra... thêm một lần nữa, thay vì có thể sử dụng tấm vé này như một "giấy thông hành" trọn gói. Bản thân điều đó cũng đã đủ để tạo ra tâm lý không thoải mái của du khách- chứ chưa nói tới những nhu cầu muôn hình vạn trạng về nhà vệ sinh, môi trường, cảnh quan, hay đơn giản là việc đảm bảo một sự hợp lý về giá bán của các mặt hàng.
Phải chăng, thay vì tâm lý thụ hưởng "miễn phí" như trước, du khách hãy đặt câu hỏi về việc đồng tiền mình bỏ ra có xứng đáng không, bằng việc so sánh Hội An trước và sau khi "gia chủ" chính thức đòi quyền bán vé?
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất