Bão và áp thấp nhiệt đới còn xuất hiện vào những tháng cuối năm

29/09/2020 20:25 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Trước diễn biến phức tạp của mùa mưa lũ những tháng cuối năm 2020, ngày 29/9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về vấn đề này.

Ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 5, nhiều nơi mưa rất to

Ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 5, nhiều nơi mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 19/9 ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rất to (lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 18/9 đến 3 giờ ngày 19/9) với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi lớn hơn như Cửa Hội (Nghệ An) 183.8mm, thành phố Vinh (Nghệ An) 142mm, Hương Quang (Hà Tĩnh) 111mm.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

* Ông có nhận định thế nào về diễn biến thời tiết những tháng cuối năm 2020?

- Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 10/2020 đến cuối năm 2020 có khoảng từ 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 4-6 cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng tới các tỉnh Trung Bộ. Chính quyền các cấp và người dân các địa phương cần lưu ý, vì mùa bão đến muộn nên trong những tháng đầu năm 2021 có thể xuất hiện bão. Khả năng tới tháng 1-2/2021 vẫn có thể có những cơn bão muộn, tác động vào các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ngoài ra, so với trung bình nhiều năm, bão, áp thấp nhiệt đới của năm 2020 đến muộn hơn.

Tin bão, Tin bão mới nhất, Thời tiết, Dự báo thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết

* Khoảng thời gian cụ thể nào trong tháng 10/2020, bão, áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện ở Biển Đông, thưa ông?

- Theo dự báo của chúng tôi, trong tháng 10 (khoảng từ ngày 6-10/10) có khả năng trên Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới và khả năng mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhận định ban đầu, khi có thông tin chính xác và độ tin cậy cao hơn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo chính thức đến cơ quan phòng chống thiên tai các cấp và các đơn vị liên quan, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Với những nhận định như trên, người dân và chính quyền địa phương các khu vực ảnh hưởng cần chú ý đến khả năng lũ chồng lũ rất có thể xảy ra, cần chuẩn bị kịp thời, chủ động các kế hoạch, biện pháp phòng tránh.

* Ông có  khuyến cáo gì đối với các khu vực và người dân vùng khả năng chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới?

- Trước mắt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời, sát thực tế đến chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông. Người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai phải tuân thủ sự chỉ đạo, khuyến cáo của chính quyền, chủ động lên kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khu vực Trung Bộ với đặc thù là địa hình dốc cần hết sức chú ý hiện tượng ngập úng ở khu vực đồng bằng, lũ quét sạt lở đất ở khu vực miền núi.

Thời tiết, Dự báo thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới
Cầu trên đường nối đường N5 vào xã Trù Sơn, Đô Lương (Nghệ An) bị bão chia cắt, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cần lưu ý thêm rằng, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thường ghi nhận nhiều hiện tượng sét đánh, dông lốc. Hiện tượng này thường xuất hiện vào thời kỳ chuyển giao mùa, từ mùa lạnh sang mùa nóng hay từ mùa khô sang mùa mưa. Đặc biệt, trong thời kỳ bước vào mùa mưa, hiện tượng, tần suất sét đánh xảy ra nhiều hơn, khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vùng đồng bằng.

Khi mưa dông kéo đến, xuất hiện nhiều mây đen, khả năng cao sét đánh, dông lốc sẽ xảy ra. Trước hiện tượng trên, người dân nên nhanh chóng tránh trú, di chuyển vào những nơi tránh trú đảm bảo kiên cố, an toàn; không đứng ở nơi địa hình cao hơn so với khu vực xung quanh hay những nơi trống trải.

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm