Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đăng ký hiến tạng

02/10/2016 18:29 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Sáng 2/10, sau khi kết thúc phần biểu diễn trong chương trình Ngày hội “Chung tay vì sự sống” do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã đăng ký hiến mô, tạng (sau khi chết hoặc chết não) phục vụ công tác cứu người và phát triển y học.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết đây là lần đầu tiên anh biết đến chương trình và được nghe đầy đủ thông tin, ý nghĩa của việc hiến mô, tạng chia sẻ sự sống cùng người khác.

“Chương trình mang đến một thông điệp mới mẻ với tôi nhưng chứa đựng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Ngay cả khi đã chết đi nhưng một phần cơ thể của chúng ta vẫn có thể đem lại sự sống cho người khác. Chúng ta cho đi nhưng chẳng mất gì mà còn là một sự tái sinh. Những sự chia sẻ cao cả như thế này sẽ giúp con người yêu thương lẫn nhau, thêm tin yêu vào cuộc sống, vào giá trị của con người, vào xã hội vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Bản thân tôi lại càng thêm trân trọng cuộc sống, càng phải chú ý quan tâm đến sức khỏe của mình và mong muốn đóng góp những gì tốt nhất - bằng lời nói, việc làm, hành động cụ thể - để đưa thông điệp về lòng nhân ái, về nghĩa cử cao đẹp sẻ chia sự sống cùng nhau giữa người với người lan tỏa ngày càng sâu rộng trong xã hội” - ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Được biết, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn khi cả nước hiện có hàng chục ngàn người bị suy thận cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính tại một số bệnh viện lớn); hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc; hàng ngàn người chờ được ghép tim, phổi…

Tại Ngày hội “Chung tay vì sự sống”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - một trong những người đăng ký hiến tạng đầu tiên - cho biết, có một thực tế là trong khi nhiều bệnh nhân tử vong vì không có tạng để ghép thì có rất nhiều người muốn hiến tạng phục vụ công tác cứu người và phát triển y học nhưng lại không biết thủ tục, nơi đăng ký cũng như gặp rào cản từ phía người thân không đồng ý vì quan niệm Á Đông về một cái chết toàn vẹn thân thể.

Vì vậy, quan trọng nhất là phải tác động vào nhận thức để mọi người biết và hiểu ý nghĩa, giá trị của việc hiến tạng cứu người. “Chết là hết nhưng nếu hiến tạng chúng ta sẽ lưu giữ được một phần cơ thể của mình ở lại cuộc sống, giúp những sinh mạng khác tiếp tục tồn tại và cống hiến. Người thân, gia đình vẫn có thể cảm nhận được sự tồn tại của ta, giá trị việc ta làm thông qua những người được nhận tạng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

NINH LỘC


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm